Gỡ lực cản vốn ngoại vào doanh nghiệp Việt

ĐẶNG TRƯỜNG thực hiện 06/04/2024 02:00

Tầm nhìn chiến lược và tỷ lệ sở hữu cổ phần được các nhà đầu tư quốc tế cho là lực cản đối với việc thu hút vốn ngoại vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) Việt Nam.

>> Pháp lý “khơi thông” dòng vốn ngoại

Thị trường vốn Việt Nam bị các chuyên gia đánh giá vẫn còn sơ khai so với các nước trong khu vực. Vốn vay từ ngân hàng đòi hỏi các khoản thế chấp lớn – điều mà ít SME đáp ứng được. Trong khi đó, các SMEs cũng khó có thể huy động vốn từ các kênh khác như trái phiếu doanh nghiệp hay niêm yết trên sàn chứng khoán, khiến khoảng cách giữa nhu cầu và nguồn cung vốn càng thêm lớn.

Để giải quyết thách thức này, việc thu hút dòng tài chính từ các quỹ đầu tư nước ngoài có thể là một giải pháp cho các SMEs Việt Nam. Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Gancanapol (Pon) Van Compernolle, Giám đốc điều hành Quỹ Ross & Van Compernolle, một quỹ đầu tư tập trung vào thị trường các SMEs niêm yết tại thị trường ASEAN, xung quanh vấn đề này.

- Với kinh nghiệm của một nhà đầu tư nước ngoài, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của các SMEs Việt Nam?

Việt Nam có nguồn năng lượng và động lực khổng lồ, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như bất động sản, ngân hàng, sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng cũng như giải trí.

Thế nhưng, điểm yếu chính bắt nguồn từ môi trường hoạt động của các chủ doanh nghiệp SME ở Việt Nam trong bốn thập kỷ qua. Trong lịch sử hiện đại, có lẽ cộng đồng doanh nghiệp SME Việt Nam chưa được hưởng lợi từ một bối cảnh kinh tế ổn định bền vững, dù là trong nước hay vĩ mô. Có lẽ giai đoạn ổn định thực sự duy nhất là từ năm 2014 đến năm 2019.

Do đó, thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp trên 50 tuổi thường không tập trung vào các chiến lược 3 hoặc 5 năm mà tập trung vào các thời hạn ngắn hơn, chẳng hạn như 3, 6 hoặc 18 tháng. Giờ đây, có một thế hệ chủ doanh nghiệp sắp ra đời có lẽ am hiểu hơn về những lợi ích của việc liên tục xây dựng giá trị vốn chủ sở hữu.

- Thị trường Việt Nam có gì khác biệt so với thị trường mà ông đã đầu tư? Những yếu tố nào sẽ quyết định khoản đầu tư của Ross & Van Compernolle và doanh nghiệp có thể thu được gì ngoài vốn?

Không quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á có hai thành phố lớn tăng trưởng với tốc độ 10 -15% mỗi năm trong thập kỷ qua, như Việt Nam đã làm với cả Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

>> Vốn ngoại sẽ trở lại

Chúng tôi không phân biệt ngành mà tập trung vào giá trị và tăng trưởng. Chúng tôi có các khoản đầu tư vào nhiều ngành, như sân bay, dịch vụ sân bay, dịch vụ tài chính, bán lẻ và phân phối, bất động sản công nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ dầu khí. Tùy thuộc vào định giá và giá cả mà thị trường đưa ra, chúng tôi sẽ điều chỉnh cho phù hợp.

 Vốn đầu tư nước ngoài 3 tháng đầu năm 2024 so với cùngp/kỳ. Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài

Vốn đầu tư nước ngoài 3 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ. Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài

Điều tốt nhất mà chúng tôi có thể cung cấp là các thông lệ thị trường tốt nhất, cho dù đó là trong lĩnh vực khai thác cảng hay phân phối hàng hóa. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng trong số các công ty Việt Nam niêm yết chất lượng, các CEO và hội đồng quản trị của họ đã phân tích và hiểu rõ những động lực thành công chính của các công ty cùng ngành trên trường quốc tế. Và họ cũng đang triển khai và nội địa hóa thành công những thông lệ này tại thị trường trong nước.

- Theo ông, các SMEs ở Việt Nam cần làm gì để hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài?

Tôi nghĩ tính nhất quán và minh bạch là ưu tiên hàng đầu. Một SME cần nhiều yếu tố để hoạt động tốt, chẳng hạn như sự phát triển của ngành, khả năng quản lý nhân viên và khách hàng,… Nhưng cuối cùng, nếu một công ty và ban lãnh đạo của doanh nghiệp “tốt nhất” về tính nhất quán và minh bạch, thì họ sẽ được đánh giá cao so với các công ty tương tự, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất.

Về tính nhất quán và minh bạch, các công ty niêm yết tại Việt Nam sẽ cần chú ý và cải thiện để theo kịp các quốc gia phát triển hơn như Thái Lan hay Singapore.

Ngoài ra, sự nhất quán trong định hướng phát triển cũng rất quan trọng. Ví dụ, ở Việt Nam, khi xem xét cổ đông của công ty niêm yết, rất ít công ty tư nhân có lãnh đạo sở hữu trên 25% cổ phần. Trong khi đó, hội đồng quản trị - do các cổ đông lựa chọn - đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và quản lý việc thực hiện chiến lược phát triển. Nếu không có cổ đông nào có quyền quyết định những gì công ty nên làm thì điều đó giống như một con tàu không có thuyền trưởng. Đây là lực cản cần tháo gỡ để đẩy mạnh thu hút vốn ngoại vào các doanh nghiệp SMEs Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Vốn ngoại sẽ trở lại

    Vốn ngoại sẽ trở lại

    12:00, 27/01/2024

  • Định giá hấp dẫn, cổ phiếu VCB hút dòng vốn ngoại

    Định giá hấp dẫn, cổ phiếu VCB hút dòng vốn ngoại

    05:20, 20/01/2024

  • Áp lực chốt lời từ dòng vốn ngoại chưa kết thúc

    Áp lực chốt lời từ dòng vốn ngoại chưa kết thúc

    13:04, 17/01/2024

  • "Hút" vốn ngoại, luồng gió mới cho Cần Thơ tạo đà bứt phá

    11:00, 13/12/2023

  • Cẩn trọng với xu hướng thị trường chưa rõ ràng của dòng vốn ngoại

    Cẩn trọng với xu hướng thị trường chưa rõ ràng của dòng vốn ngoại

    16:36, 26/11/2023

  • Vốn ngoại đang đi đâu?

    Vốn ngoại đang đi đâu?

    15:35, 05/11/2023

  • MSN hút vốn ngoại

    MSN hút vốn ngoại

    03:04, 12/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gỡ lực cản vốn ngoại vào doanh nghiệp Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO