Việt Nam cần coi đường sắt đô thị là ngành đặc biệt chiến lược, không thua kém công nghiệp bán dẫn; trong đó, phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp phù trợ, trình độ quản lý… cần ưu tiên hàng đầu.
>>>Kiến nghị đưa vào Luật, TOD sẽ tạo đột phá thu hút đầu tư?
GS Vũ Minh Khương - Học viện Hành chính công Lý Quang Diệu đã đề cập như vậy khi trao đổi về sự cần thiết cũng như những lợi ích to lớn trong việc phát triển mạnh mẽ đường sắt đô thị theo mô hình TOD. Theo GS Vũ Minh Khương, hệ thống đường sắt đô thị góp phần giảm tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm khí thải; tăng năng suất xã hội khi giảm chi phí của người dân cho việc đi lại hàng ngày, tăng cơ hội việc làm và giá trị của bất động sản, cảnh quan đô thị cũng như hiệu quả ngành thương mại bán lẻ và dịch vụ thông qua phát triển các trung tâm mua sắm dịch vụ xung quanh các nhà ga.
GS. Vũ Minh Khương khẳng định, việc không chú trọng đặc biệt vào phát triển hệ thống đường sắt đô thị sẽ gây tổn thất lớn. Forbes tính toán, tắc nghẽn giao thông mỗi năm gây thiệt hại nặng nề cho một số thành phố lớn trên thế giới như tại New York (Mỹ) là 11 tỷ USD, Los Angeles là 8,2 tỷ. Con số này ở các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có lên đến 2 - 3 tỷ USD.
Phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD đã góp phần giải bài toán trên cho nhiều quốc gia. Do đó, GS Vũ Minh Khương cho rằng, phát triển đường sắt đô thị là yêu cầu mang tính cấp bách chiến lược với các thành phố lớn tại Việt Nam. Trong đó, cần coi đây là nhiệm vụ không chỉ có tính kinh tế mà cả an ninh quốc phòng; chú trọng thu hút sự tham gia sâu rộng của các bộ, ngành và toàn xã hội, đặc biệt là khối doanh nghiệp.
Mỗi thành phố cần có một doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Việc cấp vốn từ nguồn ngân sách không vượt quá 50% và phần nhiều thông qua quỹ đất. Các dự án đầu tư bất động sản, quản lý đặc biệt coi trọng hợp tác công tư; việc chọn tuyến hướng và đặt nhà ga coi trọng khả năng tạo giá trị tổng thể, phát triển nội sinh.
“Thành công trong phát triển nhanh chóng hệ thống đường sắt đô thị có tác động rất lớn nâng cao khả năng của Việt Nam trong thu hút đầu tư có hàm lượng tri thức lớn và tăng nhanh năng suất lao động. Cần coi đường sắt đô thị là ngành đặc biệt chiến lược, không thua kém ngành bán dẫn; đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp phụ trợ, năng lực hợp tác quốc tế, trình độ quản lý các dự án lớn là những vấn đề cần được coi là ưu tiên hàng đầu” - GS Vũ Minh Khương nhận định.
>>>TP.HCM sẽ thí điểm triển khai một dự án TOD với Nhật Bản
Để thực hiện ở Việt Nam, chuyên gia của Học viện Hành chính công Lý Quang Diệu kiến nghị nên thực hiện 1-2 tuyến thử nghiệm với các tiêu chí như tính khả thi cao, tác động lớn, tốn ít chi phí thu hồi đất; quan tâm của các nhà đầu tư, giá trị học hỏi cho các dự án tiếp theo, thời gian hoàn tất các dự án thử nghiệm này là trước năm 2030. Trong đó, chú trọng 3 tiêu chí lớn là chất lượng, giá thành, tiến độ thực hiện.
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Shimizu Makoto - Giám đốc Phòng Kinh doanh Quốc tế, công ty TNHH Tokyo Metro cho biết, bằng cách xây dựng những tuyến đường sắt đô thị với độ tin cậy cao, có thể phát triển thành phố và dọc tuyến đường sắt đô thị. Trong quá trình đó, doanh nghiệp chú trọng tìm hiểu nắm bắt nhu cầu của khách hàng sử dụng xung quanh nhà ga dọc tuyến đường sắt đô thị và tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu đó.
Đặc biệt, tại Nhật Bản, từ khâu lập quy hoạch đến triển khai dự án đường sắt đô thị có sự phối hợp công - tư chặt chẽ. Các đơn vị thuộc Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản hay Ngân hàng phát triển tham gia tích cực vào dự án này. Ngoài ra, cần đảm bảo liên kết giữa bên sở hữu đất với đơn vị kinh doanh đường sắt đô thị, đơn vị phát triển để gắn kết xây dựng các dự án đảm bảo tính thống nhất.
Có thể bạn quan tâm
Cần xây dựng đề án tổng thể phát triển đường sắt đô thị TP.HCM
14:42, 26/11/2023
TP.HCM sẽ đầu tư 200 km đường sắt đô thị đến năm 2035
02:51, 08/11/2023
Quảng Nam xây dựng tuyến đường sắt đô thị Chu Lai - Đà Nẵng để phát triển kinh tế
01:53, 05/07/2023
JICA đào tạo nhân lực và vận hành đường sắt đô thị Việt Nam
20:10, 20/10/2021
“Căn bệnh” lãng phí: Bài học từ các dự án đường sắt đô thị
04:00, 29/07/2021
“CƠ CHẾ ĐẶC THÙ” CHO ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ: Muốn nhanh phải... tự chủ về vốn
04:00, 07/06/2020
Băn khoăn “cơ chế đặc thù” cho đường sắt đô thị
11:00, 06/06/2020
Chính phủ tiếp tục tháo gỡ các dự án đường sắt đô thị
00:00, 14/12/2019