Mặc dù được đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong nhiều năm nay, nhưng nhiều khu công nghiệp (KCN) lớn tại một số tỉnh Tây Nguyên vẫn trong tình trạng “vắng bóng” nhà đầu tư.
Thực trạng này đặt ra đòi hỏi cấp bách cần sớm triển khai các giải pháp thu hút đầu tư vào các KCN này nhằm tránh lãng phí nguồn lực của địa phương.
Ghi nhận tới hiện nay, toàn tỉnh Kon Tum có gần 2.000 ha đất KCN và cụm công nghiệp. Tính riêng KCN có diện tích hơn 360ha, nhưng chỉ có 100ha được doanh nghiệp thuê để đầu tư. Số còn lại đang được tiếp tục kêu gọi đầu tư, điều này vừa gây lãng phí đất, vừa cho thấy hiệu quả thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế, bất cập.
Đáng chú ý, tại tỉnh Kon Tum cũng ghi nhận 6/8 KCN chưa có hệ thống nước thải, một cụm công nghiệp quy hoạch xây dựng trên đất rừng. Một cụm công nghiệp đang vướng vấn đề giải phóng mặt bằng. Và hơn 100ha đất KCN Đắk Tô chưa thể thu thút đầu tư, ngoài 50ha đất được cho Tập đoàn Tân Mai đã đầu tư xây dựng nhà máy bột giấy và giấy.
Trong khi đó, tại tỉnh Gia Lai, KCN Nam Pleiku có diện tích gần 200ha vẫn chưa thể đón doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất kinh doanh. Lý do được chủ đầu tư đưa ra là do không được miễn giảm tiền thuế đất nên dù KCN Nam Pleiku chưa đi vào hoạt động nhưng mỗi năm phải đóng 4,8 tỷ đồng tiền thuê đất. Bất cập này khiến nhà đầu tư bị thiệt thòi, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.
KCN Nam Pleiku cũng chưa được chính thức đấu nối vào Quốc lộ 14, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hoá của các doanh nghiệp đến đầu tư tại đây.
Hiện nay, chủ đầu tư cùng các Sở, ngành của tỉnh Gia Lai đang tập trung tháo gỡ vướng mắc để hoàn thiện hạ tầng, sớm đưa KCN này đi vào hoạt động.
Ngoài ra, tại hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum còn ghi nhận hàng chục cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp khó khăn trong hoạt động thu hút đầu tư. Đặc biệt, cụm công nghiệp tại các huyện gần như vắng bóng các nhà đầu tư, nhà máy, xưởng chế biến mặc dù có nơi đã được hình thành đến gần 20 năm.
Để chấn chỉnh tình trạng kém hiệu quả của các KCN, ông Nguyễn Ngọc Sâm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản số 3604/UBND-NNTN giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, tham mưu giải pháp khắc phục tình trạng tỷ lệ đưa đất vào sử dụng đạt hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh thấp của các doanh nghiệp thuê đất tại các KCN. Đồng thời, rà soát, xử lý đối với các dự án không hoạt động, ngừng hoạt động theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Ngoài ra, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các địa phương phối hợp với các Sở, ban, ngành kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, từng bước nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Gia Lai cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Đối với các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí san lấp mặt bằng và rà phá bom mìn cho nhà đầu tư nhưng không quá 01 tỷ đồng/01 dự án. Đối với các dự án có quy mô đầu tư từ 30 tỷ đồng trở lên, nằm trong các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt, tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí san lấp mặt bằng và rà phá bom mìn cho nhà đầu tư nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng/01 dự án.
Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai hỗ trợ 30% chi phí lập dự án đầu tư, chi phí lập báo cáo tác động môi trường, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/dự án. Ngân sách tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí cho mỗi doanh nghiệp có dự án trên địa bàn tỉnh tham gia triển lãm, chợ công nghệ trong nước và nước ngoài.
Ông Nguyễn Như Trình - Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai cho biết: “Để tăng cường công tác thu hút đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tại các KCN, cần quyết liệt cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm quản lý; phục vụ, quan tâm chăm sóc, đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư hiện hữu. Cùng với đó, lập Tổ tư vấn nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư từ khâu tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đến thủ tục thành lập doanh nghiệp, thuê đất, xây dựng và các thủ tục theo quy định của pháp luật về môi trường”.
Có thể bạn quan tâm