Theo Tổng cục Thuế, việc thanh tra, kiểm tra là biện pháp nghiệp vụ của cơ quan thuế để kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm về hoàn thuế GTGT, các hướng dẫn đều phù hợp với quy định…
Sau bài viết “Gỗ xuất khẩu gặp khó vì quy định mới về thuế GTGT” của Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh về những lo ngại của các doanh nghiệp ngành gỗ khi Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố Trung ương tăng cường nhiều biện pháp “siết” chặt quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trong đó, vướng mắc lớn nhất đối với các doanh nghiệp là việc xác minh bảng kê hàng hóa rừng trồng giữa đơn vị xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ và người dân trồng rừng thiếu tính khả thi…
Trước những nội dung đã nêu, Tổng cục Thuế đã có văn bản số 2595/TCT-TTKT ngày 15/7/2021 về việc hoàn thuế GTGT phúc đáp thông tin của Diễn đàn Doanh nghiệp và cho rằng, việc thanh tra, kiểm tra là biện pháp nghiệp vụ của cơ quan thuế để kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm về hoàn thuế GTGT, các hướng dẫn đều phù hợp với quy định của Luật Quản lý Thuế và phù hợp với đề xuất của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
Theo nội dung văn bản, Tổng cục Thuế cho biết, ngày 26/3/2021, đơn vị này nhận được công văn số 22/2021/HHG-VP của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam về việc tháo gỡ khó khăn trong công tác hoàn thuế đối với mặt hàng gỗ và xuất khẩu. Qua đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề xuất cần phân loại doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện thủ tục hoàn thuế GTGT, cụ thể: Đối với doanh nghiệp hoạt động lâu năm và có uy tín cần tạo điều kiện để hoàn trước kiểm sau; đối với doanh nghiệp có rủi ro sẽ thực hiện kiểm tra, xác minh trước hoàn thuế GTGT sau.
Cũng theo đơn vị này, quy định của Luật Quản lý Thuế số 38/QH/QH2019 ngày 13/6/2019 quy định người nộp thuế tự khai, tự nộp thuế và Cơ quan Thuế áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế, thanh tra thuế theo rủi ro trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế dựa trên hệ thống tiêu chí đánh giá và hệ thống công nghệ thông tin để áp dụng quản lý thuế cho phù hợp. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra thuế nói chung và thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT nói riêng được thực hiện thường xuyên, hàng năm trên cơ sở lựa chọn doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế.
“Tuy nhiên, thời gian qua, Cơ quan Thuế xác định một số doanh nghiệp hoàn thuế có rủi ro cao đối với hàng hóa gỗ dăm, gỗ thành phẩm, linh kiện điện tử, máy tính. Các doanh nghiệp này làm giả hồ sơ chứng từ để chiếm đoạt tiền hoàn thuế, làm thất thoát quỹ hoàn thuế của Nhà nước nhiều tỷ đồng. Các vụ việc đã được chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an điều tra, xử lý”, Tổng cục Thuế cho hay.
Theo Tổng cục Thuế, đối với các Công ty kinh doanh gỗ dăm có rủi ro cao, Cơ quan Thuế phối hợp với Cơ quan Công an đã thực hiện xác minh tới tận người trồng rừng để xác định có phát sinh mua bán trực tiếp gỗ để sản xuất dăm hay không, qua đó xác định điều tra trên cơ sở bảng kê đơn vị xuất trình. Kết quả xác minh thực tế từ một số Công ty cho thấy người trồng rừng không bán hàng cho các công ty này. Do vậy, đã xác định Công ty có hành vi lập hồ sơ, chứng từ để hợp thức hóa cho việc thu mua gỗ ván bóc và gỗ tròn của hộ kinh doanh không phải là người trồng rừng bán ra. Từ kết quả kiểm tra xác minh, Cơ quan Thuế đã phối hợp cùng Cơ quan Công an kịp thời thu hồi tiền hoàn thuế không đúng quy định.
Từ tình hình thực tế đã nêu, Tổng cục Thuế ban hành một số Công văn hướng dẫn Cơ quan Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao. Đây là công tác chỉ đạo thường xuyên của Tổng cục Thuế đối với Cục Thuế các tỉnh, thành phố áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao nhằm nâng cao năng lực quản lý và hỗ trợ các doanh nghiệp có môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo tính công bằng trong việc tuân thủ pháp luật về hoàn thuế GTGT
Cũng theo Tổng cục Thuế, việc thực hiện xác minh bảng kê thu mua gỗ một mặt bảo vệ quyền lợi của người trồng rừng, một mặt nhằm hạn chế việc thu mua gỗ lậu, khai thác gỗ trái phép, mua bán gỗ trôi nổi trên thị trường sau đó mua bán, hóa đơn GTGT để hợp thức hàng hóa đầu vào nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế và là biện pháp bảo vệ lợi ích và khuyến khích người dân tham gia phát triển rừng trồng, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất của ngành gỗ, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng sớm xây dựng vùng nông thôn mới.
“Trường hợp, qua công tác quản lý thuế, các doanh nghiệp tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về quản lý thuế về chính sách thuế GTGT và không có rủi ro cao thì thực hiện hoàn thuế theo quy định”, Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Diễn đàn Doanh nghiệp ghi nhận những phúc đáp kịp thời đến từ Tổng cục Thuế, mong rằng, trong thời gian tới, những phản ánh kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực liên quan cũng sẽ nhận được những phản hồi tích cực như đã nêu, để doanh nghiệp có thể nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách, tránh để lại những hệ lụy, thiệt hại gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Gỗ xuất khẩu gặp khó vì quy định mới về thuế GTGT
11:00, 09/06/2021
Vay ngân hàng có phải là giao dịch liên kết?
23:00, 01/06/2021
Bất an vì vay ngân hàng bị áp thuế giao dịch liên kết: Sửa đổi hướng dẫn để tiệm cận thực tế
16:00, 26/05/2021
Bất an vì vay ngân hàng bị áp thuế giao dịch liên kết: Đáng lo ngại!
11:30, 26/05/2021
Bất an vì vay ngân hàng bị áp thuế giao dịch liên kết: Nhiều doanh nghiệp “chung cảnh ngộ”
08:00, 26/05/2021