Có lẽ Grab đang đánh cược vào xu hướng đang lên của thẻ quà tặng, cũng như thời điểm lễ lớn cuối năm nhu cầu tặng quà tăng cao.
>>Bài học nào cho các startup Đông Nam Á khi giá cổ phiếu Grab lao dốc tại Mỹ
Grab vừa ra mắt dịch vụ GrabGifts trên ứng dụng của mình. Đây là một loại dịch vụ thẻ quà tặng với quà là các mã ưu đãi sử dụng cho tất cả dịch vụ vốn có của Grab như GrabCar, GrabBike, GrabFood, v.v..
Để tặng quà, người dùng có thể truy cập vào phần GrabGifts trên ứng dụng Grab, chọn loại dịch vụ Grab cũng như giá trị voucher phù hợp và gửi đến người mình muốn tặng. Ứng dụng cũng có tính năng viết lời chúc ngay trên thẻ, tương tự như một tấm thiệp.
Đại diện Grab cho biết dịch vụ thẻ quà tặng sẽ giúp người dùng có thêm lựa chọn khi có nhu cầu tặng quà cho người thân bạn bè dịp lễ Tết cuối năm.
Có thể nói Grab đã rất “bắt trend” khi cho ra đời GrabGifts, bởi dịch vụ thẻ quà tặng đang là là xu hướng phát triển mạnh trên thế giới. Theo số liệu thống kê từ Adobe, thẻ quà tặng lọt tốp 3 hạng mục online bán chạy nhất trong mùa lễ hội, chỉ sau đồ chơi và video games. Doanh số từ ngày 1/11 đến 9/12 tăng 263% so với tháng 9. Mỗi người mua hàng trung bình mua khoảng 15 thẻ quà tặng mùa lễ hội này.
Theo nhiều nhà quan sát, một trong những nguyên nhân giúp thẻ quà tặng trở thành xu hướng đó là do chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc nghẽn. Hàng hóa không sẵn có, nếu sẵn có thì cũng không đa dạng mẫu mã.Trong khi đó nhu cầu mua hàng làm quà tặng rất phổ biến dịp lễ hội. Vậy nên người tiêu dùng chuyển sang mua thẻ quà tặng làm một phương án thay thế.
>>Grab "đạp ga" vào cuộc đua ngân hàng số ở Đông Nam Á
Các nhà bán lẻ cũng khá hào hứng với thẻ quà tặng, bởi vì loại hàng này có khả năng thu hút sự chú ý của khách hàng. Theo Deborah Weinswig, CEO kiêm nhà sáng lập của Coresight Research, thẻ quà tặng là một cách hiệu quả để thu hút khách hàng mới. Ngoài ra, một nghiên cứu từ Blackhawk cho biết 60% người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn giá trị của thẻ quà tặng. Tức là nhà bán sẽ có doanh số cao hơn.
Tuy nhiên, các nhà bán cũng nhấn mạnh rằng chỉ khi thẻ quà tặng được sử dụng và quy đổi thì họ mới đảm bảo doanh thu. Trong khi đó, hơn một nửa số người dùng tại Mỹ quên sử dụng thẻ quà tặng, tức là “bỏ quên” khoảng 15,3 tỷ USD trên toàn nước Mỹ.
Quay trở lại với câu chuyện Grab. Có thể nói ra mắt GrabGifts là một bước đi đón đầu xu hướng ở thị trường Việt Nam. Bởi tại Việt Nam loại hình này còn khá hạn chế, chưa xuất hiện nhiều. Cái tên hiếm hoi của dịch vụ này ở Việt Nam là VinID.
Dĩ nhiên, với hệ sinh thái lớn của mình và nhu cầu mua sắm, tặng quà cuối năm, Grab có nguyên nhân để tự tin vào sản phẩm của mình. Cùng chờ xem liệu GrabGifts có thể kích thích được thị trường thẻ quà tặng ở Việt Nam hay không.
Có thể bạn quan tâm