Hà Giang đã phát huy tốt vai trò cầu nối, chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp hành động nhằm phục hồi, phát triển du lịch theo hướng thích ứng an toàn với dịch COVID-19.
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình hợp tác giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên, đây cũng là năm chứng kiến nhiều yếu tố bất lợi do tình hình dịch bệnh, ảnh hưởng đến bối cảnh du lịch của cả nước nói chung và chương trình hợp tác du lịch giữa các tỉnh, thành phố nói riêng.
Với vai trò là đơn vị trưởng nhóm hợp tác, Hà Giang đã chủ động đưa ra lộ trình, kế hoạch triển khai một cách phù hợp. Đồng thời chủ trì với các địa phương lựa chọn một số nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn để ưu tiên thực hiện, đổi mới về hình thức hợp tác nâng cao chất lượng và hiệu quả liên kết.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tỉnh Hà Giang phát huy tốt vai trò cầu nối, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh và TP Hồ Chí Minh. Chương trình hợp tác đã được cụ thể hoá, triển khai thành các hoạt động thiết thực, hiệu quả, điển hình như: xây dựng sản phẩm du lịch liên kết vùng: "Về miền đất tổ - cội nguồn dân tộc", "Bản hùng ca Tây Bắc", "Hương sắc vùng cao".
“Nhiều sự kiện kích cầu, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch được tổ chức thành công với sự ủng hộ, hỗ trợ của Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và sự tham gia rất tích cực, hiệu quả của đông đảo các tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch”, ông Sơn cho biết.
Theo nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, hoạt động du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh đã dần hồi phục, thích ứng, phát triển bền vững sau đại dịch COVID- 19, dự kiến đón trên 22 triệu lượt khách năm 2021.
Những kết quả đạt được cho thấy, sáng kiến hợp tác phát triển du lịch giữa 08 tỉnh Tây Bắc và TP Hồ Chí Minh là hướng đi rất đúng và đang được chính quyền, nhân dân các tỉnh, thành phố tích cực triển khai hiệu quả. Qua đó có thể thấy, năm đầu tiên thực hiện chương trình hợp tác du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc và TP Hồ Chí Minh bước đầu đã dạt hiệu quả. Đồng thời, từ đây cũng rút ra bài học kinh nghiệm, giải pháp thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết: “sản phẩm du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc rất đặc trưng và mang màu sắc riêng. Quang cảnh ở đây rất đẹp, hùng vỹ, bản sắc văn hóa đa dân tộc vẫn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy tốt. Ngược lại, TP Hồ Chí Minh lại rất sôi động, một thành phố năng động và có nhiều điểm tham quan văn hóa, lịch sử để du khách các tỉnh chọn làm điểm đến”. Ông Hải nhấn mạnh, việc liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của các tỉnh Tây Bắc mở rộng với TP Hồ Chí Minh.
Theo thống kê, trong năm 2021 mặc dù lượng khách du lịch quốc tế sụt giảm mạnh, tuy nhiên các tỉnh, thành phố vẫn đón được trên 22 triệu lượt khách du lịch, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch ngành, địa phương đề ra. Mức tăng trưởng của khách du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh đến với Hà Giang cũng như 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tăng trưởng rất mạnh. “Đơn cử như Hà Giang, mức tăng trưởng của khách du lịch hàng năm tăng 30 – 40%. Như vậy có thể thấy, việc liên kết này rất hiệu quả và tận dụng khai thác tốt tiềm năng cũng như lợi thế của từng địa phương mà không bị trùng lặp”, ông Hải cho hay.
>>Chuyển đổi số - bàn đạp khôi phục ngành du lịch
>>Hà Giang: Công nghệ số đưa hoa tam giác mạch đến với du khách
Mặc dù ngành du lịch đang trong thời kỳ còn rất nhiều khó khăn nhưng 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP Hồ Chí Minh vẫn đạt được kết quả khả quan về các chỉ tiêu phát triển, đặc biệt đã kịp thời đưa ra phương án thích ứng linh hoạt với điều kiện tình hình mới.
Tại mỗi địa phương đều có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành, đơn vị có liên quan trong xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai. Công tác xúc tiến truyền thông quảng bá được chú trọng, đã có bước đổi mới về hình thức và nội dung tạo được hiệu quả trong việc hỗ trợ kết nối, điều phối các hoạt động giữa doanh nghiệp du lịch và các địa phương.
Ông Võ Anh Tài – Phó Chủ tịch Hiệp hội TP Hồ Chí Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn cho hay: “từ góc độ Hiệp hội chúng tôi luôn nhìn thấy du lịch Tây Bắc còn nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng. Qua đó cũng mở ra nhiều cơ hội nhằm khai thác tiềm năng du lịch của các địa phương tạo nên chuỗi sản phẩm liên kết vùng để thu hút lượng khách trong và ngoài nước”.
Tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh bà Phan Thị Thắng khẳng định, TPHCM luôn sẵn sàng thích nghi, chủ động huy động phân phối mọi nguồn lực. Trước khi có dịch COVID-19, cơ cấu ngành du lịch TP Hồ Chí Minh chiếm 10%-12% trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), nhưng trong thời gian qua, dịch bệnh đã làm ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngay sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã triển khai ngay kế hoạch phục hồi, gồm 3 giai đoạn. Mỗi lộ trình, giai đoạn phục hồi, TP Hồ Chí Minh đều cân nhắc kỹ lưỡng để làm sao vừa hiệu quả trong công tác chống dịch, vừa đạt được mục tiêu về phát triển du lịch, tránh tình trạng như trước đây “đóng mở liên tục” khiến doanh nghiệp chồng chất khó khăn.
Qua hội nghị, TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất hai vấn đề, bao gồm việc mở rộng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho ngành du lịch các địa phương khai thác nguồn khách hai chiều theo hình thức khép kín trong thời gian sớm nhất. Từ đó có thể góp phần phát triển du lịch nội địa, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đồng thời, các tỉnh cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải pháp đa dạng hóa sản phẩm du lịch mở rộng với các tỉnh bạn; giải pháp triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến và truyền thông điểm đến giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Tây Bắc.
Có thể bạn quan tâm