Để giải quyết tận gốc tình trạng giá cả hàng hóa “lên nhanh, xuống chậm” đang gây áp lực về chi phí, chuyên gia cho rằng, cần giải “nút thắt” từ hệ thống phân phối…
>> Ổn định giá hàng hóa, dịch vụ: Cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý
Theo đó, sau 4 lần điều chỉnh giảm giá liên tiếp từ tháng 7/2022 đến nay, mặt hàng xăng đã liên tiếp giảm sâu hơn 7.000 đồng/lít. Giá xăng dầu giảm sâu được cho sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế, bởi đây là mặt hàng chiến lược, nhiên liệu quan trọng, là chi phí đầu vào của hầu hết hoạt động sản xuất kinh doanh. Giảm giá mặt hàng này sẽ trực tiếp cắt giảm chi phí cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, tuy nhiên, trái với mong đợi, giá cả hàng hóa vẫn “neo đậu” ở mức cao.
Trước thực trạng đã nêu, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ ngành và các cơ quan liên quan đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Vậy, làm sao để giải quyết tận gốc bài toán về giá cả hàng hóa?
Thông tin tại Tọa đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm – Thực trạng và giải pháp” mới đây, chuyên gia kinh tế - Vũ Vinh Phú cho biết, một viên thuốc, một con lợn hay một con cá qua các khâu bán buôn, bán lẻ, rồi mới vào siêu thị. Trong 1 kg đường ở Thái Lan, 70% lợi nhuận dành cho người nông dân - người làm ra của cải vật chất cho xã hội, còn 30% là các khâu khác, tuy nhiên, tại Việt Nam dường như ngược lại, 1 kg thịt lợn từ trang trại bán lẻ tăng giá lên tới 70% do các khâu trung gian. Hay ở các nước khác, siêu thị bán giá phải rẻ hơn ở chợ nhưng theo dõi ngành thương mại mấy chục năm nay, siêu thị lại đắt hơn chợ 30%, loại trừ thuế VAT.
Ông Phú cho rằng, yếu tố chủ quan là siêu thị đẩy giá lên như chi phí tạo mã, phong bì phong bao, đầu kệ cuối kệ...
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho hay, toàn bộ chuỗi cung ứng phải xem lại. Chúng ta tiết kiệm chung cho xã hội nhưng đồng thời phải hài hoà lợi ích để cả hai bên đều thắng.
“Tại nhiều quốc gia có sàn giao dịch công khai, từ mớ rau muống, con lợn cũng qua sàn. Siêu thị cũng phải lên sàn để mua về kinh doanh, chứ không phải chiếm vị trí “độc tôn”, người nông dân, sản xuất phải xin xỏ siêu thị cho gửi hàng”, ông Phú bày tỏ.
Theo ông Phú, cũng do hệ thống phân phối chưa phát triển nên 10 bó rau sạch thì mới có 1 bó vào siêu thị, 9 bó phải ra thị trường bán với giá rau không sạch.
“Rõ ràng, còn tồn tại “gót chân A-sin” trong phân phối. Cấp trung gian hưởng lợi nhiều trong khi người sản xuất chưa chắc lãi nhiều và người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt. Nếu không giải quyết được điểm nghẽn này thì vấn đề “té nước theo mưa”, lên nhanh xuống chậm khó chấm dứt”, ông Phú khẳng định.
>> Giảm giá xăng dầu – Vì đâu giá hàng hóa chưa “hạ nhiệt”?
Đồng ý quan điểm đã nêu, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để giảm chi phí về logistics bởi sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là câu chuyện liên quan đến giá cả, giải quyết bài toán về chênh lệch chi phí vì khâu trung gian.
Ông Lực cũng khẳng định, khâu trung gian rõ ràng là không thể đánh quả, không thể ăn chênh lệch quá nhiều. Nhiều khi là các lái buôn ép giá người nông dân, bởi người nông dân luôn yếu thế.
“Nhiều nước đang làm rất tốt và chúng ta nên học tập, đó là công khai, minh bạch, để biết chắc rằng mỗi khâu đội giá bao nhiêu. Khi đó, mới biết chắc khâu nào cần phải xử lý, không “đánh” dàn trải bởi như thế không công bằng đối với những khâu trung gian khác”, ông Lực bày tỏ.
Theo các chuyên gia, việc tăng giảm giá theo cơ chế thị trường là tất nhiên, tuy nhiên, vấn đề giá là vấn đề hết sức quan trọng, động chạm đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành, các địa phương để xây dựng nề nếp tự giác hơn nữa trong vấn đề lên - xuống giá.
Để điều tiết giá cả hàng hoá hợp lý, chuyên gia - Vũ Vinh Phú cho rằng, trước tiên cần đảm bảo cung cầu hàng hoá, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là giảm các khâu trung gian. Đây là “nút thắt” tồn tại quá lâu, phải khắc phục để giải quyết bài toán giá.
Thứ hai, phải sử dụng sức mạnh của toàn hệ thống chính trị. Ngoài biện pháp hành chính bất đắc dĩ phải làm, cần huy động hiệp hội bán lẻ, hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Mặt trận Tổ quốc, các chợ, khu phố, để vận động những người buôn bán tự giác giảm giá một phần theo tiến độ giảm giá xăng dầu, cùng chia sẻ khó khăn chung với xã hội.
Thứ ba, trước mắt và lâu dài, chúng ta phải tính một bài toán dài hơi để đảm bảo hoạt động thương mại dịch vụ nhộn nhịp nhưng đi vào trật tự và văn minh hơn. Với lợi thế thị trường nội địa lên đến 97 triệu dân, hàng hoá nông sản lại tự túc được, nếu tổ chức lưu thông tốt, giảm đứt gãy chuỗi cung ứng và rõ ràng xây dựng đạo đức kinh doanh, như vậy góp phần chỉ số CPI tốt hơn nữa.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, thứ nhất, phải có giải pháp đồng bộ, đặc biệt không nên phản ứng thái quá về câu chuyện về giá cả vì đấy là thị trường; thứ hai, cần làm rõ nguyên nhân cụ thể, tăng cấu phần giá nào, vì có phần tăng, phần giảm; thứ ba, là tạo văn hoá kinh doanh, đạo đức kinh doanh của Việt Nam, cả trước mắt và lâu dài; thứ tư, cần sự vào cuộc của các cơ quan bộ, ngành có liên quan để giảm bớt những chi phí thủ tục hành chính; cuối cùng, cần phải chú trong tâm lý lạm phát kỳ vọng.
Có thể bạn quan tâm
Giải bài toán giá xăng giảm, giá hàng hoá vẫn đứng yên
04:50, 05/08/2022
Ổn định giá hàng hóa, dịch vụ: Cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý
04:05, 31/07/2022
Giảm giá xăng dầu – Vì đâu giá hàng hóa chưa “hạ nhiệt”?
11:30, 25/07/2022
Kìm giá hàng hóa “leo thang” - Giảm thuế, phí cần thực hiện sớm
04:00, 19/07/2022
"Cân" tiềm năng và rủi ro của cổ phiếu liên quan "bão" giá hàng hóa
04:50, 21/03/2022