Là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nhưng hiện nay, thành phố Hà Nội chưa khai thác và kết nối tốt các nguồn lực để thu hút các nhà đầu tư lớn.
>>>Khởi nghiệp sáng tạo là động lực để kinh tế đất nước phát triển bền vững
Ông Ngô Minh Toàn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hà Nội cho biết, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, Hà Nội có lợi thế là rất nhiều các trường đại học, cao đẳng và học viện của cả nước. Thành phố đã thay đổi căn bản về chính sách phát triển kinh tế - xã hội khi xác định doanh nghiệp, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của kinh tế quốc gia; trong đó, khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nội dung được quan tâm.
Thành phố có nhiều hoạt động hỗ trợ cụ thể và đã có những tác động tích cực đến việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp hoặc các dự án khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tăng trưởng nhanh về quy mô khách hàng, doanh thu, lợi nhuận... dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Ngô Minh Toàn, hiện nay việc liên kết các chủ thể hệ sinh thái vẫn chưa được đáp ứng. Thông tin về hệ sinh thái còn thiếu và phân tán, chưa có nguồn lực để triển khai thống kê, khảo sát về thực trạng các thành phần cũng như liên kết của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khiến các nhà đầu tư chưa tìm được doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, còn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chưa hiểu rõ các chính sách và đầu mối hỗ trợ chính sách.
Chủ thể không thể thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo là các nhà đầu tư nhưng đến nay Hà Nội chưa có các Quỹ đầu tư mạo hiểm, chưa có Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp dẫn đến việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rời rạc, tự phát.
Trong khi đó, công tác hỗ trợ và các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo còn diễn ra đơn lẻ, tính liên thông, liên kết chưa cao; hoạt động liên kết của các cá nhân khởi nghiệp chưa chặt chẽ, chưa có nhiều thành viên tham gia để tạo thành các nhóm, mạng lưới hoạt động chuyên nghiệp...
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đánh giá tiềm lực lớn của Hà Nội với đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, trường đại học, thanh niên trẻ. Nhưng, vấn đề hiện nay của Hà Nội là sử dụng nguồn lực hiệu quả. Nhiều bạn trẻ từ thung lũng silicon trở về nhưng chưa chọn Hà Nội để “dừng chân”. Các học sinh đoạt giải quốc tế ở Hà Nội rất nhiều; những người học tập và trưởng thành tại Hà Nội đi các thị trường lớn rất nhiều nhưng chưa có sự kết nối về Hà Nội.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Hà Nội cần có nhiều sáng kiến để kết nối các nguồn lực hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thủ đô. Chữ “kết nối” trong hệ sinh thái là thành phần quan trọng nhất nhưng lại là công việc khó nhất để xây dựng các mối liên kết.
Đây không chỉ là vấn đề của Hà Nội, dẫn thực tế từ Seoul, Hàn Quốc, ông Phạm Hồng Quất cho biết, xây dựng mối liên kết là việc làm khó nhất của người thiết lập cộng đồng hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, khi đã vượt qua được khó khăn này, Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng, mời được cả những tập đoàn lớn vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc ươm tạo BK-Holdings, Giám đốc quản lý Quỹ BK Fund nhấn mạnh: Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa kết nối với các nguồn lực trong và ngoài nước bởi thành phố có nhiều tiềm năng, lợi thế.
“Hà Nội có thuận lợi hơn các địa phương khác bởi đây là nơi tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động lớn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tầm cỡ quốc gia. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động, sự kiện thường niên về khởi nghiệp được tổ chức như triển lãm đổi mới sáng tạo, ngày hội gặp gỡ kết nối với các quỹ đầu tư khởi nghiệp, ngày hội khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (Techfest)... Đây là cơ hội quý để Hà Nội gặp gỡ trực tiếp, trao đổi với các quỹ đầu tư, vườn ươm trong và ngoài nước, kiều bào quốc tế để thúc đẩy kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” - Giám đốc quản lý Quỹ BK Fund cho biết.
Ngoài ra, ông Phạm Tuấn Hiệp mong muốn Hà Nội có thêm sáng kiến, tổ chức hoạt động, sự kiện kết nối có quy mô và xứng tầm hơn; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng Đề án 4889 hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của Hà Nội; tăng cường kết nối với các tập đoàn kinh tế lớn, các trường đại học, học viện - tâm điểm của mô hình sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để cung cấp nguồn nhân lực, ý tưởng đổi mới sáng tạo.
Hiện nay, tại các trường vẫn chưa định hình mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo hay mới chỉ quan tâm đến các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên, còn các nhóm nghiên cứu công nghệ và các giải pháp công nghệ để giải quyết các vấn đề lớn của Hà Nội thì sự đóng góp của các trường chưa rõ nét.
Có thể bạn quan tâm
Khai giảng khóa tập huấn kỹ năng Cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho khu vực Tây Nam Bộ
07:52, 14/07/2022
Phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo chuẩn Quốc tế
04:29, 10/07/2022
13-15/07: Khóa huấn luyện kỹ năng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho khu vực Tây Nam Bộ
18:18, 15/06/2022
Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19
16:39, 26/07/2022
Khởi nghiệp để… tìm lại chính mình
08:48, 25/07/2022