Thị trường bất động sản Hà Nội lại “nóng” bởi phiên đấu giá 27 thửa đất tại quận Hà Đông vào ngày 19/10 với mức giá trúng đấu giá cao nhất lên tới 246 triệu đồng/m2.
Theo đó, 27 thửa đất thuộc ba phường Phú Lương, Yên Nghĩa, Dương Nội, quận Hà Đông. Trong đó, khu Đống Đanh - Đồng Cộc phường Phú Lương có một lô đất lên sàn đấu, ký hiệu 1A-03. Đây cũng là lô có giá trúng cao nhất, đạt hơn 262 triệu đồng một m2 (tổng 15 tỷ đồng), chênh hơn 8 lần so với khởi điểm.
Trong 17 thửa đất tại khu Hạ Khâu, phường Phú Lương, lô trúng cao nhất lên đến 166 triệu đồng một m2 (tổng 10,4 tỷ đồng), gấp hơn 6 lần mức khởi điểm. Mức thấp nhất đạt 146 triệu đồng một m2, gấp 5,5 lần, thuộc về lô có ký hiệu B1-16. Đáng chú ý, ngay bên ngoài hội trường đấu giá, lô B1-16 đã được rao bán chênh 400 triệu đồng.
Khu Dược, phường Dương Nội có 6 lô lên sàn đấu, trong đó thửa trúng cao nhất đạt gần 183 triệu đồng một m2, chênh 8 lần so với khởi điểm. Lô trúng thấp nhất cũng chênh 5,8 lần, đạt 133 triệu đồng một m2.
Tuy nhiên, mức giá trúng đấu giá cao hơn nhiều lần giá khởi điểm lại tiếp tục dấy lên những lo ngại lịch sử "bỏ cọc" lặp lại. TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, diễn biến và kết quả các phiên đấu giá đất này vừa bất thường lại vừa bình thường. Bởi hiện nay, ranh giới phân biệt những việc bất thường và bình thường có vẻ không còn xác định.
Có nhiều nghi ngờ về tình trạng đầu cơ, thổi giá đất đấu giá. Tuy nhiên, trên thực tế, giống như diễn biến xảy ra với phân khúc căn hộ Hà Nội trong thời gian qua, ngay cả khi người mua bỏ cọc, vẫn rất khó có thể xác định và xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá.
"Bởi trong nền kinh tế thị trường, quyền xác định giá bán là của chủ sở hữu tài sản, các bên tham gia giao dịch mua bán theo nguyên tắc thuận mua, vừa bán. Việc họ đẩy giá khi bất kỳ hàng hóa nào khan hiếm trên thị trường là điều không thể tránh khỏi”, ông Đính bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, với số lượng đất đấu giá còn rất lớn, vấn đề ngăn đầu cơ, “thổi giá”, bỏ cọc tái diễn. Theo ông Hiệp vấn đề nằm ở việc xác định giá khởi điểm và tiền đặt cọc phù hợp tình hình thị trường.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng cho rằng, cần áp dụng biện pháp cấm đấu giá trong khoảng thời gian nhất định với những cá nhân có hành vi đấu giá cao rồi bỏ cọc để ngăn chặn làm nhiễu loạn thị trường.
Cùng ý kiến vấn đề nằm ở khâu xác định mức giá khởi điểm, Luật sư Nguyễn Tuấn Anh, Công ty Luật Song Anh cho rằng với mức tiền cọc 20% hiện nay là hợp lý, nhưng điều quan trọng là giá khởi điểm phải sát với giá thị trường.
Còn đối với những trường hợp trúng đấu giá cao bất thường rồi bỏ cọc, cần phải kiểm tra lịch sử đấu giá, giao dịch bất động sản của các cá nhân này. "Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, cơ quan an ninh cần vào cuộc để xem xét có yếu tố cấu kết, thổi giá, thao túng thị trường…", ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.
Còn theo ông Lê Hồng Phúc, Trưởng phòng Quản lý Dự án và Phát triển quỹ đất thuộc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thanh Oai, để tránh lặp lại tình trạng trên ngoài xem lại giá đất khởi điểm, cần áp dụng công cụ thuế đối với các khách hàng trúng đấu giá.
"Trong vòng 24 tháng, những lô đất trúng đấu giá không được chuyển nhượng, nếu chuyển nhượng phải tính thuế, phí dựa trên giá đấu trúng. Điều này sẽ giúp hạn chế đầu cơ và làm ổn định thị trường," ông Phúc kiến nghị.