Đó là ý kiến được phản ánh nhiều nhất trong buổi tọa đàm với hơn 200 doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn Hà Tĩnh do Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh chủ trì.
Thanh, kiểm tra chồng chéo, lạm quyền
Mở đầu buổi tọa đàm ông Hoàng Trung Thông, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển như cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn phát triển nhanh, các loại hình, lĩnh vực ngành nghề ngày càng đa dạng.
Có thể bạn quan tâm
05:27, 13/10/2018
13:59, 06/10/2018
15:36, 09/10/2018
09:12, 11/10/2018
Tuy nhiên, Hiệp hội cũng nhận được nhiều phản ánh của doanh nghiệp về việc phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra của các sở, ngành. Đáng nói hơn là việc kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, lạm quyền, làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Đề nghị tỉnh chỉ đạo giải quyết tình trạng trên để doanh nghiệp có thời gian tập trung sản xuất kinh doanh”.
Ngoài ra, ông Thông cũng đề xuất một số nội dung như mong muốn Chủ tịch tỉnh chỉ đạo một số vấn đề như rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; kiểm soát chặt chẽ quy trình giải quyết công việc, quy trình xử lý hồ sơ và tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thuộc quyền đối với doanh nghiệp; tạo lập kênh thông tin tiếp nhận xử lý kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Giám đốc công ty xây dựng Đồng Tiến cũng phản ánh công tác quản lý nhà nước vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, công tác thanh tra, kiểm tra dự toán, thiết kế của các công trình. “Cách đây khoảng 4 năm công ty chúng tôi xây dựng công trình nhà liên ngành của Hải quan Cầu Treo. Sau khi thi công xong, chúng tôi tiếp đoàn của Tổng cục Hải quan kiểm tra thiết kế dự toán và cắt giảm một số khối lượng, giá thành không hợp lý. Ít hôm sau chúng tôi lại tiếp đoàn thanh tra của Bộ Tài chính, đoàn Kiểm toán Nhà nước khu vực phía Bắc... Cứ trung bình mỗi đoàn chúng tôi phải tiếp 1 tuần, mà mỗi lần cho ra kết quả khác nhau và không ai chấp nhận kết quả của ai. Như vậy doanh nghiệp làm sau phát triển được”, ông Thanh chia sẻ.
Giám đốc công ty CP Lý Ngân - Vina cũng mong muốn các cấp, các ngành bớt thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, khách sạn. Đồng thời, hỗ trợ và khoanh nợ cho các doanh nghiệp để có cơ hội kiếm việc làm, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận các dự án, công trình. Quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa đến các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có điều kiện phát triển.
Doanh nghiệp làm tốt không sợ thanh tra
Trả lời phản ánh của doanh nghiệp về việc có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, thanh tra và kiểm toán là hai đơn vị khác nhau, thanh tra là đơn vị của tỉnh còn kiểm toán là đơn vị của Quốc hội. Tất nhiên, kiểm tra hay thanh tra đều phải có kế hoạch. Cái khó là cả hai đơn vị đều làm kế hoạch thanh tra và năm này phê duyệt cho năm sau nên rất dễ trùng nhau.
Theo ông Khánh, thực tế có nhiều doanh nghiệp làm rất tốt nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm túc. Các thanh tra của một số sở thường tổ chức thanh tra theo kế hoạch và đột xuất. Thanh tra theo kế hoạch hằng năm cơ bản đã hạn chế được việc trùng lặp, còn thanh tra đột xuất thì do giám đốc sở điều hành và cái này buộc phải làm. “Có thanh tra đột xuất mới phát hiện ra sai phạm. Nếu các doanh nghiệp làm tốt thì cũng không cần phải lo lắng vấn đề thanh tra. Tất nhiên cũng phải hạn chế và không được lợi dụng việc thanh tra, đây là tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động”, ông Khánh cho biết.
Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều câu hỏi, kiến nghị, đề xuất liên quan đến các lĩnh vực như: thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính; khó khăn trong việc tiếp cận đất đai và công bố rộng rãi các quy hoạch; giá đất tại các khu, cụm công nghiệp, giá thuê đất thực hiện dự án…