Làng nghề truyền thống mộc Đông Giao là một làng nghề phát triển mạnh ở Cẩm Giàng, Hải Dương, mang lại thu nhập cao cho người dân. Cả thôn có 1.017 hộ thì có đến 90% số hộ theo nghề mộc.
>>>Hải Dương: Thu hồi hơn 4.500 ha đất phục vụ dự án trọng điểm
>>>Hải Dương: Tạo bước đột phá cho chương trình OCOP
Tuy nhiên từ khi có đại dịch COVID-19 hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề đã bị ảnh hưởng nặng nề. Sản phẩm làm ra không thể xuất khẩu, tiêu thụ trong nước cũng giảm mạnh do vận chuyển khó khăn.
Lao đao đầu ra
Trước đây, việc sản xuất, kinh doanh của các hộ kinh doanh nhộn nhịp quanh năm, người bán người mua tấp nập quanh năm, đặc biệt là vào những tháng cuối năm. Đã có lúc đạt trên 70% số sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các xưởng sản xuất liên tục, các hộ kinh doanh tấp nập người mua, nhưng từ từ khi bùng phát dịch COVID-19 đến nay, hoạt động của các cơ sở nơi đây chững lại, sản phẩm làm ra không thể xuất khẩu, tiêu thụ trong nước cũng giảm mạnh do vận chuyển khó khăn.
Theo ông Vũ Xuân Xứng - Cơ sở dịch vụ thương mại kinh doanh đồ gỗ làng Đông Giao từ năm 1993 cho biết: Trước đây, khách tìm đến làng Đông Giao mua đồ gỗ tấp nập từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối, nhưng vì dịch bệnh nên đã nhiều tháng nay người dân không còn thấy cảnh mua bán đông vui như trước nữa. Đầu ra gặp khó kéo theo hoạt động của các xưởng sản xuất tại đây chững lại. Trước đây mỗi ngày xưởng của tôi có hơn 30 nhân công, nay chỉ còn trên dưới 20 người.
Chị Phạm Thị Thúy - Chủ một cơ sở sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ ở thôn Đông Giao cho biết gia đình chị theo nghề gia truyền từ nhiều đời nay nhưng chưa bao giờ thấy làng nghề lại gặp nhiều khó khăn như năm nay. Đã có thời điểm chị nghĩ đến việc dừng hoạt động do sản xuất ra không thể tiêu thụ, hàng tồn kho nhiều. Trước đây, có thời điểm cơ sở của chị có đến trên 100 công nhân nhưng từ đầu năm đến nay có lúc chỉ có vài công nhân hoạt động cầm chừng. “Hành hóa của làng nghề chủ yếu là xuất khẩu. Từ khi có dịch COVID – 19 thì phải chuyển sang tiêu thị nội địa, số lượng ít, cước phí lại cao nên hầu như không có thu nhập”. Chị Thúy cho biết thêm.
Chuyển hướng đầu ra
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, lãnh đạo huyện Cẩm Giàng cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID -19, làng Đông Giao – Lương Điền – Cẩm Giàng có khoảng 30% số hộ làm nghề phải tạm dừng hoạt động. Hơn một tháng nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề đang dần sôi động trở lại. Mặc dù chưa thể khôi phục hoàn toàn như trước nhưng đây cũng là tín hiệu vui cho người làm nghề mộc nơi đây.
Được biết, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các hộ dân tại làng nghề mộc Đông Giao vẫn quyết tâm, kiên trì gắn bó với nghề truyền thống, thực hiện đổi mới từ phương thức sản xuất đến cách thức quản lý và chuyển dịch thị trường. Ông Vũ Đức Vỹ - Trưởng thôn Đông Giao cho biết: “Hầu hết các hộ dân trong làng đã chú trọng đầu tư máy móc, tập trung sản xuất và cho công nhân đi làm trở lại. Đến nay, khoảng 40% số cơ sở sản xuất đã lắp đặt trang thiết bị hiện đại. Ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất giúp tiết kiệm sức lao động, giảm giá sản phẩm nên thu hút nhiều người mua hơn”.
Hiện các hộ kinh doanh đang tìm cách khắc phục, tháo gỡ bằng cách bán hàng trực tuyến. Nhiều người trẻ trong làng học hỏi, tìm tòi phương thức mới để tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông Vỹ chia sẻ: “Hiện nay, khách ngoại quốc và nội địa vẫn chưa trở lại làng nhiều nên hầu hết các cửa hàng đều vắng vẻ nên nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp trong làng đã sử dụng công cụ phát trực tiếp trên Facebook để chào bán hàng”. Thời gian đầu, việc bán hàng trực tuyến còn lạ lẫm và gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự kiên trì và danh tiếng vốn có của đồ gỗ làng Đông Giao, khách hàng ngày càng tin tưởng và doanh thu từ bán hàng trực tuyến qua Facebook ngày càng tăng mạnh. Giờ đây, nhiều hộ đã áp dụng hình thức này và thu lợi nhuận rất cao. Người mua đặt hàng và chuyển trước một phần tiền cọc, các xưởng giao hàng qua xe khách hoặc xe vận tải riêng tùy theo kích cỡ, chủng loại sản phẩm.
>>>Hải Dương: Gỡ vướng cho các dự án gạch tuynel
>>>Hải Dương: Phát triển sản phẩm du lịch “đặc thù”
Thị trường quốc tế cũng được người dân và các chủ doanh nghiệp tận dụng. Nhiều hộ kinh doanh tuyển nhân viên biết tiếng Trung và sử dụng được Wechat (một mạng xã hội nổi tiếng tại Trung Quốc) đã đẩy mạnh bán hàng qua nền tảng này. Tuy không nhiều nhưng mỗi đơn hàng xuất đi thường có giá trị lớn và tạo tiền đề mở rộng làng nghề.
Theo Anh Vũ Văn Điệp - Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ Oanh Điệp: Trong thời gian khó khăn do đại dịch cơ sở đã đẩy mạnh việc bán hàng online. Hiện nay việc sản xuất, kinh doanh của cơ sở cũng đã có những tín hiệu tích cực trở lại.
Nhiều chủ cơ sở ở làng nghề cho biết việc khôi phục hoạt động của làng nghề phụ thuộc nhiều vào thị trường. Mặc dù việc giãn cách đã được nới lỏng, đi lại thuận lợi hơn trước nhưng việc tiêu thụ còn gặp khó khăn do cước phí vận chuyển tăng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên người dân và doanh nghiệp có xu hướng thắt chặt chi tiêu, nhu cầu mua sắm cũng giảm đáng kể.
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương: Dự án KCN do VIDIFI làm chủ đầu tư giờ ra sao?
17:00, 16/12/2021
Hải Dương: Thu hồi hơn 4.500 ha đất phục vụ dự án trọng điểm
01:31, 13/12/2021
Hải Dương: Tháo gỡ điểm nghẽn trong môi trường đầu tư
22:12, 08/12/2021
Hải Dương tăng cường kiểm tra dịch trong các doanh nghiệp
17:16, 02/12/2021
Hải Dương: Cơ hội nào cho các nhà đầu tư từ EU?
01:02, 01/12/2021