Hải Dương: Nguyên nhân làm chậm tiến độ đầu tư công

MINH HUỆ 21/08/2023 00:16

Vốn đầu tư công là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đến nay việc giải ngân nguồn vốn này của Hải Dương bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân.

>>>Hải Dương: Gỡ “nút thắt” cho các doanh nghiệp xây dựng

Đi tìm nguyên nhân

Theo Sở Kế hoạch Đầu tư: Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do vướng mắc về quy hoạch, hoàn thiện hồ sơ dự án; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai dự án chưa kịp thời; năng lực chuyên môn của một số cán bộ làm công tác đầu tư, quản lý dự án, giám sát thi công, nhất là ở cấp huyện, xã còn hạn chế; một số nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu về tư vấn thiết kế, giám sát xây dựng… Mặt khác, vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương chủ yếu từ nguồn thu sử dụng đất nhưng hiện tại thị trường bất động sản trầm lắng nên cấp huyện, xã không đủ nguồn vốn triển khai dự án theo tiến độ.

Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng đường trục Bắc - Nam huyện Thanh Miện được HĐND tỉnh Hải Dương thông qua cuối năm 2020, điều chỉnh vào cuối tháng 9.2022. Dự án sẽ thực hiện giai đoạn I với tổng mức đầu tư gần 398 tỷ đồng. Đoạn tuyến có chiều dài hơn 6 km, kết nối với đường tỉnh 392, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Dự án đầu tư xây dựng đường trục Bắc-Nam huyện Thanh Miện dự kiến giải ngân đạt hơn 60% vốn cấp trong năm 2023 (Ảnh: Báo Hải Dương)

Dự án đầu tư xây dựng đường trục Bắc-Nam huyện Thanh Miện dự kiến giải ngân đạt hơn 60% vốn cấp trong năm 2023 (Ảnh: Báo Hải Dương)

Năm 2023, công trình được phân bổ gần 336 tỷ đồng gồm 200 tỷ đồng vốn cấp mới, còn lại là vốn kéo dài từ năm 2022 sang. Mặc dù dự án thi công bảo đảm tiến độ, tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 7 đạt gần 40% nhưng vẫn còn vướng mặt bằng ở một số điểm thuộc hai huyện Thanh Miện, Bình Giang.

Bên cạnh đó, do nguyên nhân khách quan vì phải mất khoảng 6 tháng để xử lý nền đất yếu nên khả năng hết năm 2023, ước tỷ lệ giải ngân chỉ đạt hơn 60% kế hoạch vốn cấp. Vì vậy, chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh vốn dư bổ sung cho các dự án khác.

Năm 2021, HĐND tỉnh cũng quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà lớp học bộ môn, phòng học chức năng 3 tầng và công trình phụ trợ Trường THPT Tứ Kỳ với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng. Đầu tháng 6/2023, UBND huyện Tứ Kỳ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng trường. Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh vượt so với thời điểm được HĐND tỉnh phê duyệt. Do đó, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã phối hợp rà soát, đánh giá, đưa ra phương án đầu tư theo nhu cầu thực tế. Dù được bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 nhưng đến nay dự án chưa hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư để phân bổ vốn chi tiết.

Những nguyên nhân khách quan, chủ quan đan xen đã khiến cho việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công chậm triển khai. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh gần 7.400 tỷ đồng nhưng đến hết tháng 7 mới giải ngân được khoảng 23%. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc giải ngân vốn đầu tư công hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Từ khi hình thành dự án đến lúc có thể giải ngân vốn phải thực hiện qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn lại chịu sự tác động của nhiều quy định, điều luật khác nhau như xây dựng, đất đai, đấu thầu, thuế, môi trường… Vì thế, nhiều đơn vị lúng túng trong thực hiện, mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ. 

Vốn đầu tư công là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh minh họa)

Vốn đầu tư công là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, chất lượng chuẩn bị dự án thấp, công tác khảo sát, thiết kế chưa tốt dẫn tới nhiều dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quyết định đầu tư, ảnh hưởng đến việc cân đối, phân bổ vốn và hoàn thành dự án theo tiến độ. Kế hoạch vốn năm 2023 chưa phân bổ chi tiết cho dự án còn lớn, hơn 860 tỷ đồng. Kế hoạch vốn đầu tư công cấp huyện, cấp xã còn nhiều hạn chế, vốn đầu tư chủ yếu từ nguồn thu sử dụng đất. Khi thị trường bất động sản trầm lắng, các địa phương không bố trí đủ nguồn vốn để triển khai dự án…

Gỡ "nút thắt"...

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công 5 năm 2021-2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các cơ quan được giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư khẩn trương hoàn thành trước ngày 15.8. Định kỳ vào các ngày 8, 18 và 28 hằng tháng báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ đầu tư và phấn đấu rút ngắn ít nhất 50% thời gian thẩm định, trình phê duyệt dự án so với quy định…


Trước mắt là bảo đảm tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt trên 95% theo mục tiêu đề ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất nhiều giải pháp. Căn cứ vào quyết định đầu tư được phê duyệt, ban quản lý dự án, chủ đầu tư khi lập tờ trình đề nghị phân bổ vốn phải kèm theo kế hoạch tiến độ thực hiện, giải ngân vốn theo từng tháng của từng dự án. 

Để tránh tình trạng trì trệ trong triển khai dự án, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành. Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công, thực hiện dự án. Xử lý triệt để vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng bằng những giải pháp đồng bộ, tạo được sự đồng thuận, nhất trí từ người dân…

Đến hết tháng 7 Hải Dương mới giải ngân được khoảng 23% (Ảnh: Báo Hải Dương)

Đến hết tháng 7 Hải Dương mới giải ngân được khoảng 23% (Ảnh: Báo Hải Dương)

Đối với kế hoạch đầu tư công do cấp huyện, cấp xã quản lý phải bảo đảm việc lập, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, bố trí, cân đối, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật và sát với tình hình thực tế. Khắc phục tình trạng lập kế hoạch đầu tư công dàn trải, phân bổ vốn không đúng thứ tự ưu tiên theo Luật Đầu tư công. Chỉ thực hiện bố trí vốn cho các dự án khởi công mới sau khi đã hoàn thành thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản.

Mới đây, UBND tỉnh đã đề nghị Trung ương điều chỉnh giảm gần 178 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho 2 dự án do không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm 2023. Đó là các dự án: đầu tư, phát triển Trường Cao đẳng nghề Hải Dương; đầu tư, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị y tế tại 12 Trung tâm Y tế tuyến huyện.

Nguồn vốn trên để bổ sung cho 4 dự án chuyển tiếp thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn ngân sách Trung ương trong dự toán ngân sách năm 2023. Đó là các dự án: xử lý cấp bách các công trình đê điều; xây dựng tuyến đường trục Đông - Tây; xây dựng đường tránh đường 391 đoạn qua thị trấn Tứ Kỳ và xã Văn Tố - Tứ Kỳ; xây dựng đường vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (đoạn từ quốc lộ 37 vào chùa Côn Sơn). Đây là những dự án có nhu cầu bổ sung vốn và giải ngân hết 100% vốn bổ sung trong năm 2023. 

UBND tỉnh sẽ chỉ đạo chủ đầu tư, các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cam kết giải ngân hết 100% kế hoạch vốn điều chỉnh bổ sung cho dự án theo quy định.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: Động lực tăng trưởng kinh tế từ doanh nghiệp FDI

    Hải Dương: Động lực tăng trưởng kinh tế từ doanh nghiệp FDI

    03:00, 12/08/2023

  • Hải Dương xem xét quy hoạch một số KCN, CCN trên địa bàn

    Hải Dương xem xét quy hoạch một số KCN, CCN trên địa bàn

    17:22, 10/08/2023

  • Hải Dương: Phấn đấu đến năm 2030 có gần 16.000 căn nhà ở xã hội

    Hải Dương: Phấn đấu đến năm 2030 có gần 16.000 căn nhà ở xã hội

    03:00, 07/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Dương: Nguyên nhân làm chậm tiến độ đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO