Nhằm lập lại trật tự trong công tác quản lý bến bãi, tỉnh Hải Dương đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị vào cuộc xử lý dứt điểm tồn tại.
Được biết, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã quyết liệt kiểm tra, rà soát quy trình, thủ tục cấp phép hoạt động.
Kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới
Năm 2024, Hải Dương có 117 bến bãi không có quy hoạch, không phù hợp với các tiêu chí, quy định của pháp luật đã phải chấm dứt hoạt động. Trong số này có nhiều bến bãi quy mô lớn, tồn tại hàng chục năm nhưng chưa được xử lý triệt để. Sau khi chấm dứt hoạt động, hầu hết các bến bãi này đã được giải toả, di chuyển hết vật liệu, trang thiết bị, máy móc, tháo dỡ công trình phục vụ việc sản xuất, kinh doanh trước đây.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, số lượng bến bãi không có quy hoạch ở Hải Dương đã được xử lý trong năm 2024 nhiều nhất từ trước tới nay. Đáng chú ý, thời gian xử lý chỉ diễn ra trong khoảng 1 năm và không phải cưỡng chế một trường hợp nào. Kết quả trên do tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo thực hiện với tinh thần kiên quyết, kiên trì.
Ngày 29/12/2023, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 36 - NQ/TU về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động bến, bãi ven sông, kênh trục nội đồng trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết chỉ rõ thời điểm phải chấm dứt hoạt động và hoàn thành việc giải tỏa các bến, bãi không có quy hoạch trước ngày 31/12/2024.
Cấp ủy, chính quyền các cấp được yêu cầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý bến bãi; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý hoạt động này...
Trong năm 2024, chỉ riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã tổ chức 5 cuộc họp với các sở, ngành, UBND cấp huyện, ban hành 26 văn bản báo cáo, đôn đốc, kiến nghị thực hiện Nghị quyết 36. Chỉ đạo Hạt Quản lý đê các huyện, thị xã, thành phố làm việc trực tiếp, phát hành 1.329 biên bản hướng dẫn, đôn đốc các chủ bến bãi... Các sở, ngành của tỉnh rốt ráo, quyết liệt vào cuộc. Công an tỉnh đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 12 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động tập kết, kinh doanh khoáng sản.
Cấp huyện, cấp xã đều ban hành kế hoạch, tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xử lý vi phạm theo tinh thần của Nghị quyết 36.
Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã yêu cầu khẩn trương chấm dứt hoạt động và hoàn thành việc giải tỏa các bến, bãi không có trong quy hoạch trên địa bàn.
Để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục rà soát bảo đảm đồng bộ các quy hoạch đất đai, xây dựng và hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho các bến bãi đủ điều kiện và phù hợp quy hoạch. Giao cơ quan chủ trì hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, các thủ tục pháp lý khác và cấp phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo rà soát thu đủ tiền thuê đất, các sắc thuế và nghĩa vụ tài chính theo đúng diện tích thực tế sử dụng và quy định của pháp luật. Hàng quý chỉ đạo các cơ quan có liên quan tổng hợp tình hình và tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TU, báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy chế làm việc.
Ban thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TU, trong đó lưu ý: Khẩn trương chấm dứt hoạt động và hoàn thành việc giải tỏa các bến, bãi không có trong quy hoạch; từ năm 2026, tất cả các bến bãi có hoạt động sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật.
Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đối với các bến bãi đã giải tỏa. Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp các sở, ngành thực hiện việc tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện thủ tục pháp lý đối với hoạt động bến bãi. Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn có bến bãi giải toả triệt để các hành vi vi phạm quy hoạch, tập kết vật liệu và nhà lán vi phạm hành lang đê điều... xong trước ngày 1/7/2025. Chỉ đạo rà soát, thu đúng, thu đủ tiền thuê đất và các sắc thuế theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động bến bãi trên địa bàn; kiến quyết không để phát sinh vi phạm mới; đồng thời, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, đơn vị không nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TU.
Giải tỏa dứt điểm
Theo ông Nguyễn Hữu Thông - Bí thư Huyện uỷ Kim Thành cho biết: Để quyết liệt xử lý nhiều bến bãi vi phạm, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện Nghị quyết 36 rất cụ thể. Hằng tháng, Ban Thường vụ Huyện uỷ đều nghe báo cáo việc thực hiện để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc". Kết quả, 5 bến bãi ngoài quy hoạch, không phù hợp với các tiêu chí, quy định của pháp luật ở huyện này đã dừng hoạt động.
Ông Phùng Văn Điển - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê thị xã Kinh Môn cho biết: Thị xã Kinh Môn là một trong những địa phương có nhiều bến bãi không có quy hoạch thuộc diện phải giải toả với 18 trường hợp. Ngoài ra các cán bộ, nhân viên được phân công theo dõi địa bàn liên tục bám sát cơ sở, cùng chính quyền đôn đốc các chủ bến bãi này nghiêm túc thực hiện việc giải toả. Mặc dù gặp một số khó khăn song địa phương đã cơ bản hoàn thành được khối lượng công việc đề ra.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường: Thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã cường quyết vào cuộc giải tỏa và xử lý các bến, bãi vi phạm pháp luật về đê điều. Đã có 117 bến bãi không có quy hoạch ở Hải Dương đã dừng hoạt động nhưng vẫn còn 6 trường hợp chưa di chuyển hết công trình, vật liệu. Tỉnh Hải Dương yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm, không để tồn tại kéo dài.
Hải Dương hiện còn 225 trong tổng số 314 bến bãi phù hợp với các quy hoạch nhưng chưa có đủ thục tục pháp lý. Nghị quyết 36 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nêu rõ: Từ năm 2026, tất cả bến bãi có hoạt động sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật. Nghĩa là sau ngày 31/12/2025, bến bãi nào chưa có đủ thủ tục pháp lý thì bắt buộc phải dừng hoạt động.
Việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đang gặp một số khó khăn, nhất là liên quan đến việc đấu giá đất công (đang được thuê làm bến bãi). Cấp huyện chưa có đề xuất, kiến nghị cụ thể, rõ ràng theo quy định của pháp luật đối với từng nội dung gửi cấp trên xem xét, giải quyết.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đề nghị UBND cấp huyện chủ trì quản lý hoạt động, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với từng bến bãi. Phấn đấu chậm nhất đến ngày 15/6 hoàn thiện thủ tục về lĩnh vực đầu tư; đến 15/9 hoàn thiện thủ tục về đất đai, môi trường; đến 31/12 hoàn thiện các thủ tục về điều kiện kinh doanh khoáng sản, giao thông, thuế, phòng cháy, chữa cháy để cấp giấy phép hoạt động...
Toàn tỉnh Hải Dương hiện còn 17 bến bãi đã có thủ tục pháp lý nhưng không phù hợp với quy hoạch. Một số địa phương đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Hải Dương xem xét cho những trường hợp này được hoạt động đến hết thời gian cho thuê đất.