Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN) Hải Dương đang được địa phương nỗ lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thu hút đầu tư.
>>>Hải Dương: Nhiều giải pháp đưa Chỉ số cải cách hành chính tăng
Vì sao các CCN chưa thu hút đầu tư như kỳ vọng?
Hải Dương hiện có 58 cụm công nghiệp (CCN) đã được quyết định thành lập với tổng diện tích trên 2.942 ha. Thực tế cho thấy việc phát triển các CCN vốn phù hợp với điều kiện trước đây để đáp ứng nhu cầu thu hút các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp chế biến, sản xuất, tiểu thủ công nghiệp của địa phương, các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường chưa cao thì nay đã không còn phù hợp.
Với đặc thù diện tích nhỏ, hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, còn nhiều bất cập trong cơ chế hoạt động khiến các CCN rất khó thu hút các doanh nghiệp FDI, quy mô lớn, có hàm lượng công nghệ cao. Các doanh nghiệp đầu tư tại các CCN hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, công nghệ sản xuất chưa tiên tiến, thậm chí còn lạc hậu. Các doanh nghiệp này tuy giải quyết được vấn đề việc làm cho lao động địa phương nhưng không đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực.
Theo UBND huyện Tứ Kỳ: Thời gian qua, địa phương đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thu hút đầu tư. Hiện, toàn huyện hiện có 3 CCN Kỳ Sơn, Văn Tố, Nguyên Giáp đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích gần 164 ha. Trong đó, cụm công nghiệp Kỳ Sơn đi vào hoạt động từ năm 2005, cụm công nghiệp Văn Tố hoạt động từ năm 2015 và cụm công nghiệp Nguyên Giáp hoạt động từ năm 2016.
Đến tháng 3/2024, các cụm công nghiệp đã thu hút 26 doanh nghiệp vào đầu tư, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 7.000 lao động địa phương. Tỷ lệ lấp đầy của cụm công nghiệp Kỳ Sơn cao nhất với gần 80%, cụm công nghiệp Nguyên Giáp đạt hơn 64%, cụm công nghiệp Văn Tố mới đạt 27%.
Với vị trí giao thông thuận lợi giáp đường tỉnh 391, công tác giải phóng mặt bằng nhanh chóng, cụm công nghiệp Văn Tố từng được kỳ vọng sẽ phát triển loại hình công nghiệp đa ngành nghề, trở thành lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư khi về Tứ Kỳ.
Tuy nhiên, sau nhiều năm đi vào hoạt động, đến nay, CCN này mới có 3 doanh nghiệp đầu tư với quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu ở lĩnh vực may mặc, vật tư nông nghiệp và xây dựng. Phần đất công nghiệp của cụm giáp đường tỉnh 391 đã cho doanh nghiệp thuê. Tuy nhiên phần còn lại nằm sâu bên trong chưa được đầu tư hệ thống giao thông nên khó thu hút đầu tư.
Theo Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Tứ Kỳ, trừ cụm công nghiệp Kỳ Sơn được hình thành từ sớm, thuận lợi giao thông và trước đó đã có nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, 2 cụm công nghiệp còn lại là Văn Tố và Nguyên Giáp chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhất là dự án có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. So với kế hoạch và lộ trình phát triển, các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đang được đánh giá là chậm.
Theo ông Đào Văn Soái - Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết :Việc thu hút doanh nghiệp vào CCN gặp khó do chưa có chủ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là đường giao thông nội bộ và đường gom giáp đường tỉnh 391. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải của cụm công nghiệp cũng chưa có dẫn đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rất khó kiểm soát. Việc thu hút chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn do kinh phí và nguồn vốn đầu tư hạ tầng tương đối lớn".
Qua khảo sát và các buổi đối thoại giữa lãnh đạo UBND huyện Tứ Kỳ với các doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng nhu cầu thuê đất tại các cụm công nghiệp để sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện khá lớn. Tuy nhiên, vì chưa được đầu tư hệ thống kỹ thuật hạ tầng đồng bộ nên các doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi vào cụm công nghiệp. Một số doanh nghiệp cũng chưa đủ tiềm lực để vừa đầu tư cơ sở hạ tầng vừa đầu tư dây chuyền sản xuất cùng lúc.
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Theo UBND huyện Tứ Kỳ: Địa phương đang đề xuất Sở Công thương xem xét giao cho nhà đầu tư có năng lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên diện tích chưa sử dụng theo quy hoạch đã phê duyệt; có giải pháp khắc phục khó khăn về xử lý nước thải tập trung để thuận lợi cho doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh.
Huyện cũng đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, bổ sung kế hoạch sử dụng đất đối với diện tích đất công nghiệp còn lại của 3 cụm công nghiệp để UBND huyện tiếp tục thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào các CCN.
Địa phương cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể để phát triển hạ tầng công nghiệp. Trong đó hệ thống giao thông được chú trọng đầu tư như xây dựng tuyến tránh đường tỉnh 391; mở rộng quốc lộ 37; đường trục Đông-Tây tỉnh... Một số dự án đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng và đang triển khai xây dựng. Khi được đưa vào sử dụng, các dự án này sẽ góp phần mở rộng hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hoá; giúp địa phương khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có để thành lập các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch và thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Ông Kỳ Đào Văn Soái -PCT UBND huyện Tứ Kỳ: Công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Huyện đã chủ động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu việc làm thời gian tới.
Mới đây, tại phiên họp UBND tỉnh Hải Dương tháng 4 (lần 3) đã xem xét, thảo luận phương án tháo gỡ vướng mắc tại CCN Hồng Phúc-Hưng Long.
Tại phiên họp, các thành viên UBND tỉnh bàn 2 phương án tháo gỡ vướng mắc tại cụm công nghiệp Hồng Phúc-Hưng Long. Phương án 1 xem xét thu hồi các quyết định giao chủ đầu tư dự án.
Tuy nhiên nếu thực hiện phương án này sẽ phát sinh một số bất cập khi 4 dự án thứ cấp đang hoạt động ổn định, nếu thu hồi sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của doanh nghiệp. Phương án 2 là tiếp tục để 4 dự án tiếp tục hoạt động, Công ty CP Đầu tư phát triển GCI Việt Nam được giao làm chủ đầu tư cụm công nghiệp. Sau khi thảo luận, UBND tỉnh quyết định chọn phương án 2 để Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét, cho ý kiến.
Ông Lưu Văn Bản - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu báo cáo cụ thể, chi tiết của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh. Trong đó, tập trung làm rõ những vướng mắc, nguyên nhân để xảy ra vướng mắc và trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.
Theo báo cáo của Sở Công thương, CCN Hồng Phúc-Hưng Long ở huyện Ninh Giang được UBND tỉnh thành lập vào năm 2016 với quy mô 50 ha. Trong giai đoạn 2016-2017, CCN do Công ty TNHH Sản xuất giầy Chung Jye Việt Nam làm chủ đầu tư. Sau đó, doanh nghiệp xin chấm dứt hoạt động dự án. Đến năm 2019, Tập đoàn GCI được giao làm chủ đầu tư cụm công nghiệp.
Hiện CCN đã giao đất cho 4 dự án thứ cấp hoạt động với tổng diện tích gần 24 ha. CCN đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, còn vướng 3 hộ sử dụng gần 2.000 m2 ở xã Hồng Phúc. Tuy nhiên, việc giao chủ đầu tư và tiếp nhận dự án thứ cấp tại CCN chưa bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Có thể bạn quan tâm