Tỉnh Hải Dương sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Australia tìm hiểu đầu tư nhằm khai thác tối đa dư địa, lợi thế tiềm năng của các như bên thương mại, giáo dục, nông nghiệp.
>>>Hải Dương: Tạo điều kiện để Tập đoàn Nissei mở rộng sản quy mô sản xuất
>>>Hải Dương: Doanh nghiệp trẻ tích cực xây dựng thương hiệu để vươn ra biển lớn
Đó là khẳng định của ông Trần Văn Quân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương liên quan đến hoạt động xúc tiến đầu tư với Australia trong thời gian tới.
Theo ông Trần Văn Quân, hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 520 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư 9,44 tỷ USD. Tuy nhiên, tỉnh mới chỉ có 2 dự án FDI của nhà đầu tư Australia. Phía tỉnh Hải Dương cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ Australia trong việc chủ động tìm kiếm cơ hội, hợp tác đầu tư tại địa phương.
Cũng theo ông Quân, tỉnh Hải Dương có chính sách ưu đãi miễn toàn bộ tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường. Đồng thời, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Australia tìm hiểu đầu tư nhằm khai thác tối đa dư địa, lợi thế tiềm năng của các bên.
Mới đây, tại cuộc làm việc giữa UBND tỉnh Hải Dương với đoàn công tác với đoàn công tác thuộc Đại sứ quán Australia tại Việt Nam về việc xúc tiến hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, thương mại, ông Chris Morley - Tham tán Thương mại và Đầu tư Australia tại Việt Nam cho biết: “Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, thương mại là trọng điểm hợp tác giữa 2 quốc gia trong thời gian qua. Cuộc làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương sẽ mở ra cơ hội đầu tư và càng có ý nghĩa hơn khi đúng dịp 2 nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Đồng thời, mong muốn hợp tác không chỉ dừng lại ở việc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm mà còn phải có sản phẩm, dự án cụ thể”.
Thực tế, Australia được đánh giá là một quốc gia giàu tài nguyên, có trình độ công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Trong khi đó, Việt Nam nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng có lực lượng lao động dồi dào. Tính chất bổ sung của nền kinh tế hai nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, trao đổi, cùng nhau hợp tác.
Theo ông Trần Văn Quân, tỉnh Hải Dương mong muốn Australia giới thiệu các nhà đầu tư có năng lực, thế mạnh về giáo dục, nông nghiệp, thương mại nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Hải Dương. Trong lĩnh vực giáo dục, Hải Dương đã phối hợp một số trường Đại học của Australia tổ chức các chương trình tập huấn. Vì vậy, tỉnh Hải Dương mong muốn Australia quan tâm nhiều đến đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên và du học sinh của Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng trong quá trình học tập tại Australia.
Cũng theo ông Quân, tỉnh Hải Dương mong muốn 2 bên tích cực hợp tác, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là liên kết phát triển chăn nuôi. Hiện, đặc sản vải thiều của Hải Dương đã được xuất khẩu sang Australia và nhận được phản hồi tích cực.
Được biết, Hải Dương được đánh giá là vựa rau của khu vực đồng bằng sông Hồng. Một số loại nông sản có sản lượng lớn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như: Rau ăn lá, dưa chuột, cải bắp, chuối, hành, ớt, tỏi, vải thiều, khoai tây, dưa hấu và dưa lê, cà chua, xu hào, súp lơ, cà rốt… Lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm của Hải Dương phát triển rất nhanh. Hiện toàn tỉnh có trên 150 doanh nghiệp hoạt động trong ngành này. Công nghiệp chế biến đạt tốc độ tăng trưởng 23%/năm. Nông sản chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Châu Á và EU, trong đó có Australia.
Riêng về vải thiều, theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, năm 2023, sản lượng vải toàn tỉnh đạt khoảng 60.000 tấn; tiêu thụ gần 50% trong nước và trên 50% xuất khẩu. Trong đó khoảng 40% xuất khẩu sang các thị trường truyền thống gồm Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia... Còn lại, khoảng 10% xuất khẩu đi các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Australia... Đến nay, toàn tỉnh Hải Dương có 52 vùng trồng với diện tích 610ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã được cấp và duy trì 203 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Australia, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan. Có 13 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Australia, Newzeland, Hoa Kỳ, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản.
Theo đại diên Tập đoàn 4Waysfresh Australia, không chỉ người châu Á mà người phương Tây rất ưa thích hương vị của quả vải thiều. Trước đó, vào năm 2021, tập đoàn đã đưa hơn 100 tấn vải thiều Việt Nam vào thị trường Australia. Phía tập đoàn quyết tâm mang ngày càng nhiều trái cây Việt Nam sang Australia và đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các vùng trồng vải của Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng.
Còn theo đại diện Công ty TNHH Rồng Đỏ, khách hàng nước ngoài đánh giá rất cao quả vải của Hải Dương. Vì vậy, phía công ty kỳ vọng, mỗi năm sẽ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Úc từ 20-30%/năm.
Có thể bạn quan tâm