UBND tỉnh Hải Dương vừa xem xét, giải quyết một số nội dung liên quan đến đề xuất chủ trương đầu tư dự án trung tâm logistics, cảng thủy nội địa tại xã Hồng Phúc, huyện Ninh Giang.
>>>Doanh nghiệp Singapore đầu tư dự án công nghệ tại Hải Dương
>>>Hải Dương xúc tiến thương mại thành phố London nước Anh
Theo đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 10 (lần 5) của UBND tỉnh Hải Dương vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương đã báo cáo UBND tỉnh Hải Dương xem xét chủ trương đầu tư dự án trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa Ninh Giang.
Dự án trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa Ninh Giang có quy mô gần 27ha thuộc địa bàn xã Hồng Phúc, huyện Ninh Giang. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư. Nếu được chấp thuận, dự án dự kiến hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý III/2024, khởi công xây dựng trong quý IV/2024. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ có công suất 3 triệu tấn hàng hoá/năm.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, dự án trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa Ninh Giang do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đề xuất đầu tư xây dựng. Dự án được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, bốc xếp, lưu giữ, phân hối hàng hoá tại khu vực. Đồng thời, xây dựng đầu mối vận tải đa phương thức, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.
Theo đó, trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa Ninh Giang sẽ cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở huyện Ninh Giang và các khu vực lân cận. Ngoài ra, dự án còn cung cấp dịch vụ lưu kho, lưu bãi hàng hoá, bốc xếp, vận tải bằng đường thuỷ, đường bộ; thông quan hải quan; bảo dưỡng, sửa chữa vỏ container, phương tiện vận tải...
Theo ông Lưu Văn Bản - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương, tỉnh Hải Dương cơ bản nhất trí với báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất dự án đầu tư xây dựng trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa Ninh Giang. Do dự án có sử dụng một phần đất ngoài đê, cần phải tính toán, đánh giá việc ảnh hưởng tới thoát lũ, công trình đê điều theo quy định của pháp luật. Vì vậy, yêu cầu hồ sơ dự án phải làm rõ việc bảo đảm kết nối giữa trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa với hạ tầng giao thông chung của tỉnh.
Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tỉnh Hải Dương yêu cầu phối hợp với UBND huyện Ninh Giang và các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát sự cần thiết thực hiện dự án, bảo đảm mục tiêu của dự án phù hợp với quy hoạch chung xây dựng xã Hồng Phúc và quy hoạch vùng huyện Ninh Giang.
Được biết, trong định hướng giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Hải Dương có 33 KCN, 61 CCN, 6 trung tâm logistics và phát triển 1 KKT chuyên biệt nằm ở phía Nam cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. KKT chuyên biệt này sẽ tích hợp chuỗi liên kết cung ứng sâu rộng tạo động lực kết nối kinh tế, trung tâm công nghiệp, đô thị, dịch vụ và đổi mới sáng tạo, liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng. Đây được cho là những lợi thế để tỉnh Hải Dương phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ hậu cần sau cảng.
Thực tế hiện nay, trong Vùng Đồng bằng sông Hồng, các trung tâm logistics mới hình thành và phát triển tại các trung tâm kinh tế lớn, thuận lợi gắn với cảng biển như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương chưa hình thành trung tâm logistics lớn. Các hoạt động cung cấp dịch vụ logistics như xếp dỡ, vận chuyển, lưu kho tạm thời, gom và chia hàng lẻ, sửa chữa bảo dưỡng container… được thực hiện tại cảng cạn (ICD), Quốc lộ 5, với quy mô diện tích 12ha.
Theo đại diện UBND tỉnh Hải Dương, để sớm đạt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hậu cần sau cảng, địa phương sẽ cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử, kết hợp logistics với thương mại điện tử để nâng cao vai trò kết nối giữa các thị trường tại mỗi địa phương khác cả trong nước và nước ngoài; nhằm kết nối lưu thông hàng hóa giữa các khu, CCN với hệ thống các cảng biển, cảng hàng không và các trung tâm logistics cấp tỉnh. Tỉnh Hải Dương cũng sẽ tập trung triển khai rà soát, bổ sung, điều chỉnh, trình phê duyệt quy hoạch và tập trung triển khai các KCN, CCN các trung tâm dịch vụ logistics, các phân vùng phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương và của vùng đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, tập trung hình thành hệ thống cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô lớn tính liên kết cao, phát triển hệ thống kho lạnh trong các trung tâm logistics để đáp ứng nhu cầu bảo quản nông sản của vùng.
Có thể bạn quan tâm