Đã hơn 2 năm kể từ ngày khánh thành và đưa vào sử dụng, tuyến phố tại hai bên bờ sông Tam Bạc, quận Hồng Bàng vẫn đang chờ ngày được phê duyệt thành “phố đi bộ”.
Phố Tam Bạc, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng nằm trong dự án chỉnh trang sông Tam Bạc, là công trình do UBND quận Hồng Bàng làm chủ đầu tư. Dự án có giá trị đầu tư hơn 1.454 tỷ đồng, quy mô 253.686,8m2, với 13 gói thầu, bao gồm các hạng mục công trình: Nạo vét lòng sông; kè bê tông cốt thép hai bên bờ sông; cải tạo hè, đường Thế Lữ và đường Tam Bạc với chiều rộng mặt đường 10m, vỉa hè phía bờ sông rộng 5m, vỉa hè phía nhà dân rộng 3m.
Cuối năm 2018, TP Hải Phòng đã xây dựng “Đề án thí điểm đường phố đi bộ tại tuyến đường hai bờ sông Tam Bạc” và trình HĐND TP Hải Phòng phê duyệt. Theo đề án, tuyến phố đi bộ tại tuyến hai bờ sông Tam Bạc giai đoạn 1 (năm 2019) được tổ chức từ 19h từ thứ 6 đến 23h ngày chủ nhật. Giai đoạn 2 (từ năm 2020), nếu có hiệu quả, tổ chức từ 19h – 23h hàng ngày, từ thứ 2 đến thứ 5 và từ 19 giờ thứ 6 đến 23h ngày chủ nhật.
Tại tuyến phố đi bộ sẽ có khu ẩm thực; các cửa hàng mua sắm, đồ lưu niệm, cửa hàng thủ công mỹ nghệ cùng không gian văn hóa, nghệ thuật như phòng tranh, phòng nghe nhạc, đồ cổ, phố sách… Không chỉ vậy, tuyến phố còn khai thác dịch vụ du lịch trên sông Tam Bạc kết nối các tuyến du lịch khác của TP Hải Phòng.
Tuy nhiên, đến nay, đề án phố đi bộ Tam Bạc vẫn đang chờ được phê duyệt. Lý giải về điều này, ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, theo nghị quyết HĐND TP Hải Phòng, sau khi làm xong kết cấu hạ tầng của phố Tam Bạc thì đây sẽ là phố đi bộ. TP Hải Phòng cũng giao cho Sở du lịch Hải Phòng và quận Hồng Bàng thực hiện. Tuy nhiên, 2 năm nay, TP Hải Phòng cũng đã đôn đốc việc này nhưng muốn có phố đi bộ thì nó có rất nhiều yếu tố. Yếu tố thứ nhất là kết cấu hạ tầng phải đẹp. Yếu tố thứ 2 là vai trò của người dân, yếu tố này chiếm đến 70%.
“Đến phố đi bộ phải xem gì, ăn gì, chơi gì và có giao lưu gì, thể dục thể thao gì? Nhưng 70% vai trò của người dân ở đây là chưa có. Chúng ta chưa có các nhà hàng ăn uống, nơi hát hò hay, chưa có hoạt động thể dục thể thao... Phố Tam Bạc mới chỉ có phần kết cấu. Phải khoảng 5 năm nữa, 10 năm nữa, khi phố Tam Bạc đầy đủ các cửa hàng đồ hiệu, quán ăn ngon… thì mới thành lập được phố đi bộ. Về điều này, chúng tôi sẽ khắc phục trong thời gian tới”, ông Nam nhấn mạnh.
Trong khi các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng đã khai thác rất hiệu quả các tuyến phố đi bộ thì ở Hải Phòng, mặc dù địa phương đã rất nỗ lực trong việc cải tạo, chỉnh trang sông Tam Bạc để có thể đưa vào khai thác tuyến phố đi bộ nhưng đến hiện tại đề án vẫn còn nằm trên giấy.
Trên thực tế, ngay tại thời điểm phố Tam Bạc còn đang trong quá trình hoàn thiện, nhiều hộ kinh doanh đã lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh dịch vụ ăn uống, gây mất trật tự đô thị. Bên cạnh đó, địa phương vẫn chưa quy hoạch được bãi đỗ xe hay các điểm kiot bán hàng để phục vụ cho việc hình thành tuyến phố đi bộ.
Ngoài ra, sau khi đưa vào sử dụng được một thời gian, bề mặt phố Tam Bạc xuất hiện tình trạng nhiều chỗ đá lát trên vỉa hè bị nứt vỡ thành vệt dài, tạo thành rãnh khiến mặt vỉa hè gồ ghề. Nhiều ý kiến cho rằng chất lượng công trình không đảm bảo cũng là một trong những yếu tố khiến cho việc thực hiện đề án thí điểm đường phố đi bộ tại tuyến đường hai bờ sông Tam Bạc gặp nhiều khó khăn.
Trước đó, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có video phản ánh “Hải Phòng: Phố Tam Bạc đầu tư hơn nghìn tỷ đồng, mới sử dụng một năm đã biến dạng”. Ngay sau đó, UBND quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng cũng đã có văn bản số 435/UBND-VP trả lời Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề này.
Theo ông Phạm Văn Đoan – PCT UBND quận Hồng Bàng cho biết, dự án chỉnh trang lại sông Tam Bạc (đoạn từ cầu Lạc Long đến công viên Tam Bạc) đã khánh thành và đưa vào sử dụng, song phải thực hiện điều chỉnh dự án nhiều lần, đã được UBND TP Hải Phòng chấp thuận điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2017-2018 thành năm 2017 - 2021. Vì vậy, trong thời gian hoàn thiện thủ tục quyết toán dự án theo quy định, UBND quận Hồng Bàng vẫn chỉ đạo BQL các dự án đầu tư xây dựng quận phối hợp với các nhà thầu thi công thường xuyên rà soát, khắc phục bảo hành các hạng mục chưa đảm bảo theo hợp đồng đã ký kết. Cũng theo ông Đoan, về vị trí gạch lát hè tuyến phố Tam Bạc bị nứt vỡ, các nhà thầu thi công đã triển khai phương án khắc phục, sửa chữa, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của phóng viên, những vết nứt vỡ trên vỉa hè phố Tam Bạc vẫn chưa được khắc phục. Nếu tình trạng này vẫn kéo dài thì phố Tam Bạc khó có thể đưa vào khai thác “phố đi bộ”. Bởi các yếu tố như: kết cấu hạ tầng; quy hoạch phát triển không gian văn hóa, nghệ thuật, thương mại, dịch vụ, du lịch… hiện vẫn chưa được hoàn thiện.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Văn Hiệp – Giám đốc khách sạn Holo, đường Thế Lữ, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng cho biết, từ khi tuyến đường hai bên bờ sông Tam Bạc được cải tạo, không gian đô thị trở nên khang trang, sạch đẹp hơn rất nhiều. Khách du lịch đến đây để tham quan và thuê phòng nghỉ cũng đông hơn. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch về bãi đỗ xe nên việc gửi phương tiện ở đây khá khó khăn. Được biết, TP Hải Phòng đã xây dựng đề án thí điểm đường phố đi bộ tại tuyến đường hai bờ sông Tam Bạc, chúng tôi rất mong mỏi đề án này sớm được phê duyệt để những khó khăn trong quy hoạch bãi đỗ xe được khắc phục, tạo hình ảnh đẹp cho TP Hải Phòng. Không chỉ vậy, các hộ kinh doanh cũng sẽ yên tâm hơn khi được kinh doanh một cách hợp pháp.
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp đột phá phát triển logistics Hải Phòng
11:00, 28/04/2021
Du lịch Đồ Sơn (Hải Phòng): Bao giờ mới “tỉnh giấc”?
04:16, 28/04/2021
Phát triển logistics Hải Phòng: Đề xuất cơ chế ưu đãi trong thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng
03:40, 28/04/2021
Logistics Hải Phòng với những câu hỏi khó!
23:03, 27/04/2021
Hải Phòng: Hạ tầng giao thông quyết định sự phát triển của ngành logistics
02:09, 27/04/2021