Hải Phòng: Doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm khát nguyên liệu

Minh Huệ 18/05/2019 06:00

Khó khăn trong thu mua nguyên liệu sản xuất khiến các dây chuyền, nhà máy chế biến của doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm Hải Phòng chưa hoạt động hết công suất.

Công ty CP rau quả Bình Minh sản xuất chế biến cà chua nguyên liệu hiện mới vận hành khoảng 60% công suất. Nguồn nguyên liệu công ty thu mua trên địa bàn thành phố tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo chỉ đạt khoảng 20% tổng lượng nguyên liệu chế biến. Số còn lại công ty chủ yếu thu mua tại các tỉnh bạn.

Nguyên liệu chưa đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng

Ông Nguyễn Văn Xiển, Giám đốc Công ty CP thực phẩm Bình Minh cho biết, doanh nghiệp cần nông sản đạt tiêu chuẩn, chất lượng nhất định, nhưng người sản xuất không đáp ứng được yêu cầu này.

Công ty CP thực phẩm Trường Xanh có dây chuyền chế biến hồng hoa để sản xuất rượu vang cũng trong tình trạng tương tự khi nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến hiện nay mới đáp ứng 50% công suất của dây chuyền chế biến.

Theo Giám đốc Công ty CP thương mại thực phẩm Trường Xanh - Hoàng Văn Tuyên, doanh nghiệp liên kết sản xuất hồng hoa với nông dân một số xã ở huyện Cát Hải. Tuy nhiên, gần đây, quá trình đô thị hóa nhanh làm diện tích đất nông nghiệp ở huyện đảo thu hẹp, nông dân không mặn mà trồng hồng hoa phục vụ chế biến. Doanh nghiệp phải xây dựng vùng nguyên liệu ở các tỉnh bạn lân cận như Quảng Ninh, Hải Dương… song còn hạn chế.

Được biết, một số doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua khoai tây, dưa chuột xuất khẩu với số lượng lớn tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy… song nông dân thường thu hoạch quá thời điểm, quả vượt kích thước để làm dưa chuột muối. Khoai tây thì bị nứt, củ nhỏ, không đủ kích cỡ theo yêu cầu của doanh nghiệp thu mua chế biến bim bim.

Sản xuất ớt xuất khẩu tại Hải Phòng

Cần cái “bắt tay” của nhiều nhà

Hải Phòng có tổng diện tích đất sử dụng là 152,2 nghìn ha, trong đó đất ở chiếm 8,61%; đất dùng cho nông nghiệp chế biến nông sản chiếm 33,64%. Theo lãnh đạo các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn thành phố, để có đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất, cần có sự hỗ trợ của ngành chức năng, chính quyền các địa phương thúc đẩy quá trình hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân. Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn các huyện, Hội Nông dân các cấp, HTX nông nghiệp vào cuộc chỉ đạo thực hiện, giám sát liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân. Như vậy mới bảo đảm để nông dân tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất ký kết với doanh nghiệp, tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Doanh nghiệp có cơ sở để hợp tác bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng đầu tư 20 sản phẩm OCOP đầu tiên

    Hải Phòng đầu tư 20 sản phẩm OCOP đầu tiên

    01:10, 14/05/2019

  • Hải Phòng: Doanh nghiệp “sốc” với tiền thuê đất

    Hải Phòng: Doanh nghiệp “sốc” với tiền thuê đất

    06:16, 17/05/2019

Hiện nay, cùng với việc hợp tác sản xuất, thu mua nguyên liệu, một số doanh nghiệp chế biến đang tự xây dựng vùng nguyên liệu để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất. Đơn cử, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sanh Ngọ đang tích cực thăm dò, khảo sát một số diện tích ruộng bỏ hoang ở ngoại thành để thuê đất, thiết lập các trang trại, vùng sản xuất của doanh nghiệp… Đặc biệt, doanh nghiệp mong muốn địa phương tạo điều kiện thăm dò, khảo sát các vùng liên kết sản xuất; hỗ trợ thủ tục hành chính nhanh, gọn. 

Theo Nghị quyết 13 HĐND thành phố và và kế hoạch 92 của UBND thành phố, các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm đặc thù, sản phẩm có thế mạnh của địa phương được hỗ trợ một lần để xây dựng vùng sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cao vào sản xuất, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm… Mức hỗ trợ bằng 50% kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, chính sách này vẫn chưa đi vào thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Phòng: Doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm khát nguyên liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO