TP Hải Phòng hiện có gần 27.000 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó, doanh nghiệp khu vực tư nhân chiếm đến 97%, đóng góp đến 34,63% GRDP toàn thành phố.
>>>Hải Phòng: Thúc đẩy hợp tác cùng Australia xây dựng cảng biển và giáo dục
Từ những dấu ấn
Ngày 31/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết số 45/NQ-CP đã đặt mục tiêu tổng quát nhằm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.
Đối với Hải Phòng, vùng đất sở hữu chiều dài bờ biển trên 125km, có 6 cửa sông lớn, cấu trúc địa lý đã kiến tạo Hải Phòng thành đầu mối giao thông huyết mạch nối miền Bắc với quốc tế, một môi trường để phát triển hiệu quả kinh tế tư nhân, và thực sự đã để lại những dấu ấn quan trọng.
Nói đến phát triển kinh tế tư nhân Hải Phòng, không thể không kể đến cú bứt phá của thu hút đầu tư trong nước những năm gần đây. Doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ, năng động, tăng nhanh cả về số lượng và quy mô, đa dạng nhiều loại hình, lĩnh vực hoạt động, trình độ công nghệ, sức cạnh tranh, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GRDP chung, giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động, góp phần đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động; đẩy mạnh phát triển sức sản xuất, có đóng góp cao cho ngân sách thành phố.
Hải Phòng đã đề ra những cơ chế mở, thu hút hàng trăm nghìn tỷ đồng của các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh như: Tập đoàn tài chính Hoàng Huy, VinGroup, SunGroup,… đầu tư vào các dự án lớn. Đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, tìm cơ hội kết nối các nguồn lực; không ngừng nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
Ngược dòng lịch sử, tại TP Hải Phòng đã xuất hiện những nhà doanh nhân yêu nước nổi tiếng thời Pháp thuộc như nhà tư sản dân tộc Nguyễn Sơn Hà - người đã tạo nên bước đột phá trong ngành sơn Việt Nam, trực tiếp cạnh tranh với tư sản Pháp và tư sản Hoa kiều; nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi - ông “Vua tàu thủy Việt Nam” trong ngành hàng hải.
Trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, phong trào “Sóng Duyên Hải” của cán bộ, công nhân Nhà máy Cơ khí Duyên Hải trở thành một trong các phong trào thi đua lớn của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ đổi mới, nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân được đón nhận Danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới như Tập đoàn VLC, Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng, Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong và rất nhiều doanh nghiệp khác…
Ông Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng cho biết, theo cơ cấu tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn TP Hải Phòng, khu vực doanh nghiệp khu vực tư nhân chiếm 34,63% GRDP toàn thành phố, đóng góp lớn nhất trong các khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Đối với doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, doanh thu đạt trên 209.260 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt trên 6.714 tỷ đồng, chiếm 37,71% trong tổng số thu nội địa. Kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Hải Phòng đạt 29,33 tỷ USD và nộp ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 3.750 tỷ đồng. Đáng lưu ý, số lượng lao động được doanh nghiệp tư nhân tại Hải Phòng giải quyết được việc làm liên tục tăng, nếu như thời điểm tháng 12/2021 mới là 253.277 thì thời điểm tháng 12/2022 đã tăng lên là 259.424 người.
“TP Hải Phòng đặc biệt coi trọng doanh nghiệp khu vực tư nhân, coi sự phát triển của kinh tế tư nhân là động lực, nền tảng quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của toàn thành phố”, ông Quân nhấn mạnh.
Tiếp tục tạo đà cho doanh nghiệp
Không thể phủ nhận, khu vực doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của TP Hải Phòng. Tuy nhiên, theo ý kiến của các doanh nghiệp, việc triển khai các chính sách hỗ trợ chưa đạt hiệu quả cao như kỳ vọng, trong khi hoạt động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức về đất đai, thuế,... Hạn chế này cũng được thể hiện qua kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành, quận, huyện (DDCI) qua các năm.
Ông Phạm Tiến Dũng – Đại diện Công ty Cổ phần tư vấn về Quản lý kinh tế (Economica Vietnam) cho rằng, mặc dù chất lượng điều hành của các cơ quan tiếp tục có cải thiện song vẫn cần phát huy hơn nữa. Đơn cử, chi phí không chính thức giảm ở khía cạnh những “tham nhũng nhỏ”, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vẫn phải chi trả chi phí không chính thức cao ở một số sở, ban, ngành và một số địa phương. Đặc biệt, liên quan đến chỉ số hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, có đến trên 35% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh “không bao giờ/ hiếm khi” được mời tham gia các chương trình hỗ trợ sản xuất kinh doanh…
Còn theo ông Phạm Ngọc Thạch – Phó trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, TP Hải Phòng cần xây dựng bộ máy công vụ với tinh thần ủng hộ khu vực kinh tế tư nhân, năng động và sáng tạo trong giải quyết vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải, lưu ý rút ngắn khoảng cách thực thi ở cấp cơ sở; rà soát tổng thể các thủ tục, quy trình về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục về thuế, đặc biệt là tập huấn, phổ biến thông tin, tư vấn qua đường dây nóng với các khâu quyết toán thuế và khâu giải quyết thủ tục miễn giảm thuế.
“Hải Phòng cần giải quyết "điểm nghẽn" thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, nhất là tình trạng thực hiện chưa đúng quy trình, thời gian giải quyết thủ tục kéo dài, thời gian xác định giá đất lâu và hướng dẫn thủ tục thiếu đầy đủ; giảm thiểu gánh nặng phiền hà về thanh tra kiểm tra…”, ông Thạch cho biết.
Thực tế, để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, trong đó có các doanh nghiệp Hải Phòng, địa phương này đã định hướng 3 nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường nội lực của doanh nghiệp trên địa bàn.
Ông Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng cho biết: “Thời gian tới, TP Hải Phòng tiếp tục đề xuất xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển nhất là kết nối chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI, tạo mối liên kết hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, Hải Phòng tiếp tục xây dựng Đề án chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc. Ngoài ra, TP Hải Phòng sẽ tạo điều kiện tiếp tục mở rộng khả năng tham gia thị trường của doanh nghiệp khu vực tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng. Tăng cường hỗ trợ đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Hỗ trợ để hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực hoặc dẫn đầu trong chuỗi giá trị…”
Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết: “Doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp Hải Phòng là sức mạnh nội tại, nguồn lực tự cường của thành phố. Lãnh đạo TP Hải Phòng cam kết, sẽ giành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Hải Phòng thật sự lớn mạnh. Đây là không phải là chủ trương lý thuyết, mà sẽ trở thành những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mà Thường trực Thành ủy tập trung chỉ đạo thời gian tới”.
Tính đến hết tháng 7/2023 trên địa bàn TP có gần 27.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân chiếm 97%. Trung bình mỗi năm, TP Hải Phòng có khoảng 3.000 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký trung bình trên 8 tỷ đồng. Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp kinh doanh lớn nhất tại Hải Phòng, bao gồm: bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (chiếm 24,7%), lĩnh vực vận tải kho bãi (chiếm 13,8%), công nghiệp, chế biến, chế tạo (chiếm 11,5%), xây dựng (chiếm 9,2%) và hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (chiếm 5,1%). |
Có thể bạn quan tâm