Năm 2021, Hải Phòng đặt mục tiêu thu ngân sách nội địa đạt 35.000 tỷ đồng. Nhưng do ảnh hưởng của COVID đến nay số thu mới đạt 31,3%. Vậy làm thế nào để đạt kế hoạch đề ra là một bài toán khá hóc búa?
Năm 2020, TP Hải Phòng đạt con số kỷ lục trong thu ngân sách nội địa khi vượt mốc 31.368 tỷ đồng, đạt 32.589 tỷ đồng, đạt 105,5% dự toán pháp lệnh, 98,8% dự toán phấn đấu HĐND TP Hải Phòng, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp tục đà tăng trưởng, TP Hải Phòng đề ra mục tiêu năm 2021, số thu ngân sách nội địa đạt 35.000 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách nội địa của TP Hải Phòng ước đạt gần 11.000 tỷ đồng, thuộc tốp tăng trưởng cao của cả nước..
Tuy nhiên, theo cục Thuế Hải Phòng, mặc dù thu ngân sách nội địa trong 4 tháng đầu năm của TP Hải Phòng tốp đầu của cả nước, song so với dự toán phấn đấu của HĐND TP Hải Phòng giao thì mới đạt 31,3%. Nếu vẫn giữ tốc độ như vậy thì số thu nội địa tháng 5 và tháng 6 của Hải Phòng sẽ không đạt yêu cầu.
Nguyên nhân tác động đến kết quả thu ngân sách của TP Hải Phòng trong những tháng đầu năm được xác định là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Khi dịch COVID -19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn. Do vậy, nguồn thu ngân sách từ các doanh nghiệp này cũng sụt giảm.
Đơn cử như công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Vinfast, một trong những đơn vị chủ lực về số nộp ngân sách của TP Hải Phòng. Nếu tháng 1/2021, Vinfast nộp thuế là 700 tỷ đồng thì đến tháng 2 mức nộp giảm xuống còn 400 tỷ đồng và trong tháng 3 là 300 tỷ đồng. Tính gộp cả 4 tháng đầu năm 2021, công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Vinfast nộp 1.710 tỷ đồng tiền thuế, hụt khoảng 1.000 tỷ đồng so với dự toán.
Không chỉ có Vinfast, một số doanh nghiệp thuộc tốp đầu trong thu ngân sách TP Hải Phòng năm 2020 cũng đang bị sụt giảm trong 4 tháng đầu năm 2021 như: công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng nộp thuế giảm 52 tỷ đồng; công ty TNHH MTV dầu khí Hải Linh giảm 64 tỷ đồng; công ty CP vận tải xăng dầu Vipco giảm 23,7 tỷ đồng…
Không chỉ chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Nghị định 52 ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 vừa ban hành cũng ảnh hưởng đến việc thu nội địa hàng tháng của Hải Phòng. TP Hải Phòng có khoảng 192 tỷ đồng tiền thuế lẽ ra phải nộp trong tháng 4 nhưng sẽ lùi lại trong những tháng sau theo nghị định 52. Cũng theo quy định tại nghị định 52, tổng số thuế và tiền thuê đất dự kiến gia hạn theo quy định tại Hải Phòng khoảng 1.430 tỷ đồng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng được gia hạn khoảng 940 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý I, quý II/2021 khoảng 350 tỷ đồng; tiền thuê đất khoảng 140 tỷ đồng.
Theo dự báo của ngành thuế, nghị định 52 có thể ảnh hưởng tới số thu thuế nội địa của Hải Phòng trong vòng 5 tháng tới; tuy nhiên, sẽ được bù lại vào những tháng còn lại của năm. Việc áp dụng nghị định 52 sẽ phần nào gỡ khó cho doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay nhưng cũng buộc TP Hải Phòng phải đưa ra giải pháp để đảm bảo đạt đúng kế hoạch đã đề ra về thu ngân sách nội địa.
Mới đây, tại kỳ họp thường kỳ tháng 4/2021, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, thu ngân sách là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Do vậy, TP Hải Phòng sẽ tiếp tục rà soát, tổ chức đấu giá thu tiền sử dụng đất. Các ngành, địa phương cần khẩn trương rà soát tất cả nguồn có khả năng thu, đề xuất, tham mưu với TP Hải Phòng giải pháp cụ thể, phấn đấu số thu bình quân hàng tháng đạt ít nhất 2.900 tỷ đồng và cả năm đạt 35.000 tỷ đồng, thậm chí là cao hơn.
Hiện mới hết quý I/2021 nên TP Hải Phòng vẫn còn thời gian để thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Và để đạt được con số 35.000 tỷ thu nội địa trong năm 2021, ngành thuế Hải Phòng đã giao chỉ tiêu thu thuế quý II cho các đơn vị, phấn đấu 6 tháng đầu năm đạt số thu tối thiểu 45% dự toán phấn đấu cả năm. Số còn lại sẽ tập trung thu trong 6 tháng cuối năm sau khi các doanh nghiệp đã hết thời gian được giãn thuế và nộp lại vào ngân sách nhà nước. Cùng với đó, tăng cường đôn đốc thu nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra thuế để bảo đảm số thuế phát sinh được huy động vào ngân sách kịp thời.
Theo ông Hà Văn Trường - Cục trưởng cục Thuế Hải Phòng, hiện cục thuế đã đề nghị TP Hải Phòng làm việc với một số doanh nghiệp có số nộp ngân sách lớn để nắm bắt khả năng nộp thuế, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, động viên các doanh nghiệp tích cực đóng góp cho ngân sách. Cục thuế cũng đề nghị TP Hải Phòng đẩy mạnh hoạt động của các ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách; các tổ công tác theo từng ngành, từng lĩnh vực, góp phần tăng nguồn thu trong những tháng cuối năm. |
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Vốn đầu tư FDI tăng bất chấp đại dịch COVID-19
00:42, 25/05/2021
Vụ doanh nghiệp dừng tàu vì thuyền viên không được cách ly: Hải Phòng thờ ơ, Quảng Ninh gấp rút
11:30, 24/05/2021
Hải Phòng: Gần 2 triệu cử tri Hải Phòng đã hoàn thành việc chọn người tài, đức
14:41, 23/05/2021
Hải Phòng: Áp dụng nhiều biện pháp an toàn cho ngày bầu cử
23:47, 21/05/2021
Hải Phòng những ngày thực hiện giới nghiêm phòng chống COVID-19
04:30, 21/05/2021
Hải Phòng: Gian nan giải bài toán bãi đỗ xe
05:29, 20/05/2021