Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường là giải pháp cần thiết để TP Hải Phòng hướng đến mục tiêu xây dựng du lịch xanh, bền vững.
>>>Hải Phòng: Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
>>>Hải Phòng: Kêu gọi đầu tư trên 4.000 tỷ đồng "làm mới" vùng đất An Dương
Nói không với rác thải
Mới đây, tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, lễ hội truyền thống Đảo Dấu đã chính thức khai hội. Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 10/3 đến ngày 18/3 (tức từ ngày mùng 1/2 đến ngày 9/2 năm Giáp Thìn). Dự kiến lễ hội Đảo Dấu năm nay đón khoảng 12.000 lượt du khách. Để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, Trung tâm Dịch vụ du lịch và Quản lý di tích lịch sử quận Đồ Sơn bố trí 6 tàu chở khách từ bến tàu trong Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu ra đảo với tần suất 20-30 chuyến/ngày. Bên cạnh đó, để bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững, quận Đồ Sơn đã gửi đi thông điệp “Chung tay vì đảo Hòn Dấu - Điểm đến không rác nhựa” đến du khách khi về dự lễ hội.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Hoàng Tuấn – Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết: “Ban tổ chức Lễ hội đã chuẩn bị hàng nghìn túi vải bảo vệ môi trường để phát cho các đoàn, du khách mang lễ, đồ ăn lên đảo; khuyến khích người dân, du khách mang rác về lại đất liền. Trên túi vải in những dòng chữ nhắn nhủ du khách: “Đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh”, “Đừng để lại gì ngoài những dấu chân” vì một Đảo Dấu luôn sáng – xanh – sạch đẹp – văn minh”.
Thực tế, quận Đồ Sơn nói riêng và TP Hải Phòng nói chung được xác định nằm trong vùng trọng điểm phát triển du lịch phía Bắc. Năm 2023, TP Hải Phòng đón và phục vụ gần 8 triệu lượt khách du lịch, tăng khoảng 12,85% so với cùng kỳ. Sự phát triển của du lịch tạo nên nhiều lợi ích về kinh tế, nhưng cũng tạo nên sức ép đến môi trường tự nhiên, môi trường xã hội.
Lượng rác thải nhựa, túi nilong thải ra từ các hoạt động dịch vụ du lịch đã và đang là một thách thức lớn đối với sự phát triển du lịch bền vững của địa phương này. Do đó, giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon đã trở thành yêu cầu cấp bách, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Hiện các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong ngành du lịch cũng như du khách, người dân trên toàn TP Hải Phòng đã ngày được nâng cao ý thức với nhiều hành động thiết thực, chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng một nền du lịch xanh, bền vững.
Ông Phạm Trí Tuyến – Trưởng phòng Văn hoá, thông tin, thể thao và du lịch huyện Cát Hải chia sẻ: “Về vấn đề môi trường để phát triển du lịch là nội dung quan trọng và cần thiết. Việc bảo vệ môi trường sẽ tạo được môi trường xanh, sạch, đẹp để thu hút khách du lịch đến với địa phương. Huyện Cát Hải cũng đã có quy chế phối hợp cùng với BQL vịnh Hạ Long về vấn đề này. Theo đó, chúng tôi đặc biệt tập trung vào nội dung cùng nhau bảo vệ môi trường trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà cũng như vùng giáp ranh giữa vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ theo định kỳ, đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp trên vịnh. Với BQL các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà cũng ý thức rất cao về vấn đề bảo vệ môi trường và đã có những giải pháp để bổ sung thêm các phương tiện hiện đại trong việc thu gom rác trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà”.
Quảng bá du lịch qua các di tích “3 không”
TP Hải Phòng hiện sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú với hơn 1.000 di tích và 400 lễ hội. Những năm gần đây, nhiều di sản văn hóa đã được thành phố bảo tồn và phát huy giá trị, trở thành những điểm du lịch hấp dẫn. Vì vậy việc bảo vệ môi trường tự nhiên, cảnh quan của di tích không chỉ là trách nhiệm của các địa phương và các cơ quan chức năng, mà cần sự chung tay của mỗi người dân, du khách khi đi tham quan, du lịch.
Theo đại diện Ban quản lý di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, với những giá trị văn hóa độc đáo, di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thu hút đông đảo du khách và là điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch của địa phương. Năm 2023, huyện Vĩnh Bảo đón 1,6 triệu lượt khách; trong đó, riêng đền Trạng Trình đón 1,4 triệu lượt khách. Đặc biệt, đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những di tích thực hiện mô hình “3 không” tại Hải Phòng gồm: Kông thu phí dịch vụ, phí gửi xe; không rác thải và không hàng quán, kinh doanh trong khu di tích. Điều này cũng tạo ra điểm nhấn quan trọng để hút du khách đến với Hải Phòng.
Cùng với di tích đền thờ Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiện TP Hải Phòng đang triển khai mô hình “3 không” tại một số di tích khác, như: Khu tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang... Các di tích này không chỉ là những địa điểm văn hóa tâm linh để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách về công tác quản lý, tổ chức mà còn truyền đi thông điệp về bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Nam Phương - Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Hải Phòng cho biết: "Khi xây dựng các sản phẩm du lịch, phía công ty cũng chú trọng trong việc kết hợp du lịch và thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường. Như vậy, du khách ngày càng có xu hướng chọn các hàng hóa có nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường. Đây cũng được coi là hướng đi bền vững, tất yếu trong phát triển du lịch. Khi nhận thức của du khách về du lịch xanh, du lịch bền vững được nâng cao thì sản phẩm du lịch xanh sẽ là xu thế để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp...”.
Có thể bạn quan tâm