Tình trạng giải phóng mặt bằng trước, tái định cư sau đã diễn ra ở khá nhiều dự án, nhiều địa phương và gây ra nhiều hệ lụy.
>>>Quảng Nam: Chờ đến sập nhà vẫn chưa thấy đất tái định cư
Theo Khoản 2 Điều 86 Luật Đất đai 2013, người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc có điều kiện bố trí tái định cư. Tuy nhiên, Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã nêu: “Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa đúng Nghị quyết và các quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, gây thất thoát ngân sách nhà nước".
Mòn mỏi chờ tái định cư
Có một thực tế cho thấy, các dự án tái định cư luôn diễn ra đồng thời với các dự án chính. Trong khi các dự án tái định cư hầu như đều bị chậm tiến độ khiến người dân tại nhiều dự án phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Để nhường đất cho dự án, người dân buộc phải di chuyển trong khi đất tái định cư chưa sẵn sàng.
Vì thế mới có chuyện người dân phải đi tạm lánh tới hàng năm, nhiều trường hợp bị kéo dài tới vài năm gây nên nhiều hệ lụy và khiếu kiện. Chưa hết, có một số khu tái định cư, tuy người dân đã về ở nhưng hạ tầng điện nước lại chưa sẵn sàng khiến bà con gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Thậm chí có những khu tái định cư đã cho bà con về ở nhưng chưa thể bàn giao nên mãi không cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khu tái định cư 20C, thuộc dự án Khu đô thị mới ngã 5 say bay Cát Bi là một ví dụ về việc “sống mòn” chờ tái định cư.
Gần 20 năm nay, dự án Khu đô thị mới ngã 5 sân bay Cát Bi vẫn chưa thể hoàn thành việc giải phóng mặt bằng khiến hàng trăm hộ dân tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, nằm trong diện giải tỏa khu tái định cư 20C, phải đối mặt với cảnh ngập lụt, do các dự án xung quanh đã triển khai, nhà bị thấp hơn đường nên khi mưa lớn nước tràn vào nhà. Xót xa hơn là họ không thể sửa chữa, mua bán nhà cửa vì quy hoạch treo.
Chờ đợi trong mòn mỏi, thế nhưng mới đây, người dân cho biết họ bất ngờ nhận được thông báo lên nhận tiền đền bù nhà cửa, hoa màu, bàn giao mặt bằng sạch để triển khai dự án. Thế nhưng điều bất thường là không ai nói đến việc bao giờ người dân mới được nhận đất tái định cư để ổn định cuộc sống, nhất là khi họ không được hỗ trợ tiền thuê nhà tạm cư trong thời gian chờ bàn giao đất tái định cư để xây nhà mới.
Tái định cư phải đi trước một bước
>>>Khởi công khu tái định cư thế hệ mới đầu tiên xuất hiện tại Lạng Sơn
>>>Rà soát quỹ nhà tái định cư
Để không còn cảnh mòn mỏi chờ tái định cư, việc thu hồi đất phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Nhiều người dân kiến nghị, trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất.
Tại kỳ họp thứ 7 (chuyên đề) HĐND thành phố khóa 16 vừa qua, Hải Phòng đã thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án tái định cư quan trọng để phục vụ các dự án trọng điểm của thành phố, như: KCN Tiên Thanh (huyện Tiên Lãng) và cầu Nguyễn Trãi (quận Ngô Quyền). Đó là khu tái định cư tại xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng và khu tái định cư và chỉnh trang đô thị tại khu vực ngõ 226 Lê Lai, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền.
Cụ thể, dự án khu tái định cư xã Tiên Thanh có tổng mức đầu tư 341,9 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm 2022-2024. Khu tái định cư có diện tích 15,3ha bao gồm hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ, sẵn sàng đón người dân về sinh sống. Trước mắt, dự án đáp ứng yêu cầu GPMB phục vụ dự án Khu Công nghiệp Tiên Thanh và một số dự án khác trên địa bàn huyện Tiên Lãng.
Dự án khu tái định cư tại ngõ 226 Lê Lai, quận Ngô Quyền nhằm phục vụ GPMB dự án cầu Nguyễn Trãi và tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất dự phòng để phục vụ nhu cầu bố trí tái định cư cho các dự án khác trên địa bàn quận Ngô Quyền. Đồng thời, di dời các nhà xưởng, kho bãi cũ đang sử dụng không hiệu quả để khai thác quỹ đất phục vụ chỉnh trang đô thị.
Dự án được thực hiện trên khu đất 16,2ha, gồm: 241 lô tái định cư với diện tích 2,52ha để phục vụ GPMB dự án cầu Nguyễn Trãi và tái định cư tại chỗ; 2 tuyến đường kết nối theo trục Bắc Nam, Đông Tây (tuyến 1 dài khoảng 308m, bề rộng nền đường 25m; tuyến 2 kết nối từ đường Lê Lai sang mương Cầu Tre dài khoảng 676m, bề rộng nền đường 13,5m).
Được biết, khi KCN Tiên Thanh và cầu Nguyễn Trãi được triển khai sẽ có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng, phải di chuyển tới nơi ở mới để dành đất cho các dự án quan trọng này. Vì vậy, HĐND thành phố đã tổ chức kỳ họp chuyên đề để thông qua và các dự án tái định cư đang được chuẩn bị tích cực, khẩn trương để theo kịp với yêu cầu của cuộc sống và thực tế phát triển thành phố.
Hiện quận Ngô Quyền và huyện Tiên Lãng đang khẩn trương bắt tay thực hiện các dự án tái định cư.
Có thể thấy 2 dự án tái định cư tại huyện Tiên Lãng và quận Ngô Quyền vừa được HĐND TP Hải Phòng thông qua chủ trương đầu tư thể hiện tư duy đổi mới, quyết không để tái diễn tình trạng người dân phải chờ đợi đất tái định cư kéo dài, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt.
Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư. Phải quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đào tạo việc làm để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Nam: Chờ đến sập nhà vẫn chưa thấy đất tái định cư
03:00, 09/09/2022
Khởi công khu tái định cư thế hệ mới đầu tiên xuất hiện tại Lạng Sơn
17:00, 09/07/2022
Rà soát quỹ nhà tái định cư
03:00, 29/05/2022
Nghệ An: Những khu tái định cư 10 năm không người ở
03:00, 16/04/2022
Nghệ An: Hàng chục hộ dân bị bỏ quên sau 25 năm tái định cư
03:40, 07/03/2022