TP Hải Phòng sẽ tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 của KCN Nhật Bản – Hải Phòng, với diện tích khoảng 200ha, nhằm tạo mặt bằng để tiếp tục thu hút các nhà nhà đầu tư Nhật Bản.
>>>Hải Phòng: Hướng tới trung tâm đô thị - dịch vụ - du lịch kết nối với khu vực
>>>Hải Phòng làm gì để đạt mục tiêu tăng trưởng 2023?
Đó là chia sẻ của ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng khi nói về kế hoạch nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư đến từ Nhật Bản.
Kỳ vọng lớn
Ông Lê Trung Kiên cho biết, Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của TP Hải Phòng, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai với 146 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt 3,9 tỷ USD. Tính riêng trong KCN, KKT trên địa bàn TP Hải Phòng, hiện có có 88 dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư đạt gần 3,3 tỷ USD. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất thiết bị điện - điện tử, linh kiện, phụ tùng ô tô, máy móc, logistics…
Thực tế, thời gian qua, dòng vốn đến từ Nhật Bản luôn được đánh giá có chất lượng và giá trị cao. Hải Phòng cũng đang nổi lên là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư Nhật Bản khi đang tập trung phát triển mô hình KCN chuyên biệt, KCN phụ trợ, nhà xưởng xây sẵn chất lượng cao. Hiện nay các dự án đến từ Nhật Bản chủ yếu tập trung tại KCN Nhật Bản - Hải Phòng và một số KCN khác như DEEP C, VSIP Hải Phòng. Trong số các dự án FDI Nhật Bản vào Hải Phòng, phải kể đến 2 dự án lớn nhất của Bridgestone và Nipro Pharma Việt Nam. Ngoài ra, còn nhiều thương hiệu khác như Zeon, Nishina, Fuji Xerox…
Theo ông Keisuke Koshijima - Giám đốc đại diện, kiêm Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Kajima (Nhật Bản), Hải Phòng đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng một cách toàn diện, trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics toàn cầu. Địa phương này có sân bay quốc tế Cát Bi, cảng nước sâu quốc tế Lạch Huyện và kết nối trực tiếp với Hà Nội thông qua đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Do đó, phía tập đoàn đã chọn Hải Phòng là địa điểm lý tưởng để khởi công dự án đầu tiên.
Còn theo đại diện Công ty TNHH Tamada Việt Nam, một trong những lý do khiến Tamada quyết định đầu tư vào Hải Phòng là sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của địa phương và người lao động rất chăm chỉ. Phía công ty cũng hy vọng, sản phẩm bồn chứa xăng dầu 2 lớp của Tamada sẽ được phổ biến sản xuất và phân phối rộng rãi ở thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư
Thực tế, Hải Phòng có lợi thế nổi trội với đầy đủ 5 loại hình giao thông và có cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc. Trong đó, có nhiều hãng hàng không đang khai thác đường bay từ Hải Phòng đến 5 thành phố tại Nhật Bản gồm: Osaka, Tokyo, Nagoya, Fukuoka, Sapporo. Bên cạnh đó, Hải Phòng hiện có 14 KCN đang hoạt động. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, địa phương này sẽ tập trung phát triển và mở rộng thêm 15 KCN với tổng diện tích 6.148 ha. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu, đầu tư tại Hải Phòng.
>>>Ban Quản lý Khu kinh tế (Hải Phòng): Đồng hành cùng doanh nghiệp trong đầu tư và xuất nhập khẩu
Theo các chuyên gia nhận định, để tiếp tục nâng cao quy mô và chất lượng dòng vốn Nhật Bản vào Hải Phòng, địa phương này cần xây dựng những KCN có hạ tầng tốt, có nhà xưởng sẵn để cho thuê, đảm bảo điều kiện sống tốt, dịch vụ một cửa bằng tiếng Nhật…
Theo ông Lê Trung Kiên thời gian tới, TP Hải Phòng sẽ tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 của KCN Nhật Bản – Hải Phòng, với diện tích khoảng 200ha, nhằm tạo mặt bằng để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản.
Ông Lê Trung Kiên cho biết thêm: “Nhà đầu tư KCN Nhật Bản – Hải Phòng đã chính thức đệ trình với thành phố và Chính phủ để cho phép thành lập KCN Nhật Bản – Hải Phòng số 2. Tôi đánh giá rất cao nỗ lực doanh nghiệp đang vận hành KCN Nhật Bản – Hải Phòng và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp. Hải Phòng ủng hộ rất cao và chúng tôi đang chuẩn bị thủ tục cần thiết đệ trình Chính phủ và sẽ đồng hành, chia sẻ với các doanh nghiệp trong quá trình triển khai”.
Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty phát triển KCN Nhật Bản – Hải Phòng cho biết, thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục duy trì các hạ tầng phục vụ và các dịch vụ tại KCN một cách tốt nhất; đẩy nhanh tiến độ lắp hệ thống pin mặt trời trong KCN; triển khai ứng dụng một số phần mềm thông minh, giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Có thể bạn quan tâm