Ứng dụng chuyển đổi số đưa sản phẩm lên sàn TMĐT đang trở thành công cụ hữu hiệu cho các doanh nghiệp tại TP Hải Phòng để tối ưu hóa các quy trình kinh doanh; thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển.
>>>Nâng "chất" du lịch Hải Phòng
>>>Hải Phòng: Thêm dự án nhà ở cho 10.000 công nhân
Từng bước tiếp cận TMĐT
Hiện nay, thói quen mua hàng của người tiêu dùng cũng dần dịch chuyển từ hình thức mua hàng truyền thống sang mua hàng online thông qua phương tiện điện tử.
Theo Sở Công Thương Hải Phòng, tính đến hết năm 2022, TP Hải Phòng hiện có tổng 228 tài khoản cá nhân và 760 tài khoản tổ chức, doanh nghiệp đăng ký, 514 website/ứng dụng đã được thông báo và 18 website/ứng dụng đã được đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định. Đồng thời, hiện nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng tham gia bán hàng trên sàn TMĐT thành phố. Thông qua các sàn TMĐT, doanh nghiệp có thể tự mình quản lý toàn bộ dữ liệu về khách hàng, sản phẩm trong gian hàng của doanh nghiệp.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Công ty TMCP F24 cho biết: “Việc đưa sản phẩm của công ty lên sàn TMĐT đã giúp khách hàng tiếp cận với sản phẩm nhanh hơn. Trên các sàn giao dịch TMĐT đều có bảng đánh giá của khách hàng về chất lượng sản phẩm, giúp doanh nghiệp chúng tôi biết được đâu là mặt hàng được lựa chọn nhiều. Qua đó chúng tôi sẽ xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp”.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn TP Hải Phòng 100% doanh nghiệp lớn có website và website TMĐT; trên 8% doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch điện tử; 100% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin. Nhiều phương thức đặt hàng đã được các doanh nghiệp áp dụng, đáng kể là thư điện tử chiếm khoảng 82,6% và mạng xã hội chiếm khoảng 26,5%. Các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh qua TMĐT thì doanh số TMĐT chiếm dưới 5% tổng doanh số.
Bên cạnh các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện nay, các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn TP Hải Phòng cũng đang dần tiếp cận với TMĐT để quảng bá rộng rãi hơn về sản phẩm và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà - Chủ tịch Hội LHPN quận Ngô Quyền cho biết, chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, mới đây Hội LHPN quận và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ tham gia TMĐT thông qua website và Fanpage choonlinengoquyen.vn. Qua đó, từng bước giúp các hộ hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ từng bước tiếp cận với TMĐT.
>>>Hải Phòng: Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa
Còn theo bà Kim Dung, tiểu thương tại chợ Lương Văn Can cho biết: "Trước đây, các tiểu thương chúng tôi còn khá e ngại khi ứng dụng TMĐT vào kinh doanh. Bởi xưa nay, chúng tôi buôn bán kiểu truyền thống quen rồi. Hàng hóa có bày sẵn, thuận mua vừa bán là xong. Một phần vì thói quen mặt khác sợ rắc rối. Nhưng khi được tiếp cận, hướng dẫn cụ thể thì không hề khó. Khi tham gia vào chợ online, chúng tôi có thêm kênh bán hàng, thu nhập cũng sẽ tốt hơn”.
Để đạt mục tiêu lớn
Theo các chuyên gia nhận định, với sự hỗ trợ của dữ liệu TMĐT, khi các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng đưa các sản phẩm, hàng hoá của đơn vị lên sàn TMĐT sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: mở rộng thị; tiết kiệm chi phí; Bán hàng, chăm sóc khách hàng 24/7... Nhờ đó, hiệu quả kinh doanh được tối ưu, giảm chi phí mà lợi nhuận của doanh nghiệp có cơ hội tăng cao. Không những thế việc quản lý mua bán, hàng hoá trên sàn TMĐT cũng giúp tối ưu quy trình, giảm nhân lực từ đó tăng lợi nhuận.
Giai đoạn 2021 -2025, TP Hải Phòng đặt mục tiêu phát triển bứt phá về TMĐT, trở thành lĩnh vực tiên phong, thúc đẩy phát triển kinh tế số của thành phố. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của thành phố, đưa địa phương này đến năm 2025 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, có vai trò trung tâm của vùng, cả nước và vị thế quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế. Trong đó, tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đến năm 2025 đạt 80% số người sử dụng internet trên địa bàn thành phố và trên 90% dân số biết đến lợi ích của TMĐT; doanh số TMĐT đến năm 2025 tăng bình quân từ 16% - 18%/năm.
Để đạt được mục tiêu này, TP Hải Phòng đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp trong phát triển, hợp tác về TMĐT. Trong đó, chú trọng kết nối giữa doanh nghiệp TMĐT với doanh nghiệp phân phối truyền thống, nhà sản xuất. Đồng thời, TP Hải Phòng đã ban hành kế hoạch việc Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố; tập trung tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc tham gia đăng ký gian hàng trên sàn giao dịch TMĐT; triển khai giải pháp Phần mềm quản lý bán hàng thông minh cho doanh nghiệp Hải Phòng. Địa phương này đã tổ chức các hội nghị kết nối đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử; qua đó đã đưa hàng trăm sản phẩm nông sản địa phương và nhiều sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT.
Theo đại diện Sở Công Thương Hải Phòng, để phát triển TMĐT, đơn vị sẽ phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp; giới thiệu, quảng bá và tìm kiếm bạn hàng quốc tế… Đồng thời, tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về hoạt động TMĐT. Sở cũng duy trì quản lý, vận hành, cập nhật các địa điểm mua sắm trên "Bản đồ mua sắm số TP Hải Phòng"…
Còn theo đại diện Phòng Nông nghiệp và phát triển huyện An Dương, TP Hải Phòng cho biết, việc vận động các chủ thể OCOP lên sàn TMĐT còn gặp một số khó khăn, trong đó phải kể đến nhu cầu của doanh nghiệp, hộ sản xuất. Phía đơn vị đã phối hợp với Chi cục nông lâm thuỷ sản Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ thể OCOP về đưa việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Hiện, địa phương có 2 sản phẩm OCOP, trong đó một số doanh nghiệp, hộ sản xuất đã chủ động đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT.
Có thể bạn quan tâm