Buổi làm việc mới đây của Bộ GTVT với TP Đà Nẵng đã tiết lộ hai phương án hướng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam qua địa bàn TP Đà Nẵng.
Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về tình hình thực hiện công tác rà soát, cập nhật hướng tuyến, vị trí ga thuộc dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đi qua địa phận TP Đà Nẵng.
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam sẽ được xây mới với tổng chiều dài 1.545km toàn tuyến, đi qua 20 tỉnh/thành phố, dự kiến đạt tốc độ 350km/h.
Thông tin tại buổi làm việc cho thấy: hiện có hai phương án hướng tuyến đi qua địa phận TP Đà Nẵng, một phương án là kết quả nghiên cứu, đề xuất của Liên danh tư vấn và một phương án được tư vấn xây dựng theo đề xuất của thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, phương án thứ nhất của Liên danh tư vấn: chiều dài tuyến qua địa phận thành phố là 29,71km, từ địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi vượt đèo Hải Vân, tuyến qua khu vực thưa dân cư của quận Liên Chiểu, vượt sông Cu Đê tại vị trí cách cầu Trường Định khoảng 0.7km về phía hạ lưu, vượt qua QL1 và đi theo phạm vi dành cho đường sắt dọc theo khu công nghiệp Hòa Khánh. Hành lang của tuyến từ ga Đà Nẵng đến ga Tam Kỳ sẽ đi giữa tuyến đường bộ cao tốc và QL1A. Từ vị trí ga Đà Nẵng đã được quy hoạch, hướng tuyến đi về phía Nam, bên phải đường sắt hiện tại, vượt QL14B, vượt sông Cẩm Lệ tại vị trí cách cầu Đỏ khoảng 100m về phía thượng lưu. Qua địa phận huyện Hòa Vang, tuyến vượt đường sắt hiện tại đi về phía Tây QL1A cách khoảng 1km về bên phải và sang địa phận tỉnh Quảng Nam.
Phương án hướng tuyến thứ hai theo đề xuất của Đà Nẵng có chiều dài 31,26km, từ địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi vượt đèo Hải Vân tuyến bám theo sông Cu Đê, vượt qua đường bộ cao tốc, cắt qua khu công nghệ cao và đi dọc theo hành lang phía Tây đường bộ cao tốc. Sau khi cắt qua đường bộ cao tốc, sông Cẩm Lệ và đường sắt hiện tại, hướng tuyến sẽ đi bên trái đường sắt hiện tại về phía Quảng Nam.
Có thể bạn quan tâm
10:47, 28/06/2018
11:13, 01/07/2018
11:10, 12/07/2018
09:33, 20/06/2018
"Hướng tuyến này được địa phương dựa trên thực trạng phát triển đô thị của Đà Nẵng hiện nay", Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết.
Như phương án trình bày trên, Đà Nẵng đã không bám theo quy hoạch ban đầu (từ năm 2002), lý do là "sẽ gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng nhiều đến đời sống xã hội của người dân". Theo đại diện UBND TP Đà Nẵng:“khu vực này hiện đã phát triển trở thành một vùng lõi đô thị, không còn là vùng ven đô thị như quy hoạch trước đó”.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng trước hết cần xác định được kế hoạch, thời gian thực hiện sơ bộ của dự án, để dự đoán mức độ phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng nói chung, khu vực có đường sắt cao tốc đi qua nói riêng tại thời điểm triển khai dự án. Từ đó, mới có thể xác định được hướng tuyến phù hợp nhất, tránh tình trạng “thay đổi nhiều lần khi quy hoạch do không theo kịp sự phát triển của đô thị”.
Khẳng định việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao là nhu cầu tất yếu đồng thời là cơ hội cho Đà Nẵng phát huy tối đa thế mạnh du lịch, phát triển thành trung tâm kinh tế - tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị Liên danh tư vấn phối hợp chặt chẽ Sở Giao thông vận tải TP, các đơn vị trong trao đổi, cung cấp thông tin để xây dựng phương án phù hợp nhất.
Được biết, các ý kiến, thảo luận tại buổi làm việc này (ngày 19/7) sẽ được Sở GTVT chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch Xây dựng TP, các đơn vị tổng hợp báo cáo UBND TP. Báo cáo sẽ phân tích rõ những điểm thuận lợi và bất cập của cả 2 phương án để có sự so sánh, đánh giá.