Bộ GTVT vừa hoàn thành chỉnh sửa dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Theo đó, trong dự thảo lần này, bộ tiếp tục giữ quan điểm sẽ bổ sung loại hình Grab vào nhóm taxi truyền thống.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 3, dự thảo đã chỉnh sửa tiếp tục quy định: Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện một hoặc toàn bộ các công đoạn chính của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Các công đoạn chính gồm: trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải (kể cả việc thực hiện các công đoạn này thông qua phần mềm).
Như vậy, với quy định này, các hoạt động của loại hình Grab được xem là hoạt động vận tải.
Dự thảo chỉnh sửa vẫn tiếp tục giữ nguyên quan điểm bổ sung loại hình Grab vào nhóm taxi truyền thống. Cụ thể, tại Điều 6 bổ sung quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi tính tiền thông qua phần mềm.
Theo đó, các xe này phải có hộp đèn với chữ “Taxi điện tử” gắn cố định trên nóc xe theo quy định của bộ trưởng Bộ GTVT. Trên xe phải có thiết bị được cài đặt phần mềm kết nối để giao dịch với hành khách, đảm bảo cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu gồm thông tin về hợp tác xã kinh doanh vận tải (tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế); thông tin về lái xe (họ và tên, hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe, số điện thoại); thông tin về xe (biển kiểm soát xe, nhãn hiệu và sức chứa của xe, năm sản xuất); điểm bắt đầu và điểm kết thúc chuyến đi; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến đi; hành trình; cự ly chuyến đi (km); thông tin về giá cước và số tiền hành khách phải trả bằng tiền Việt Nam (VND)...
Theo lý giải của Bộ này, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải đang được thực hiện mạnh mẽ. “Cần thiết phải có quy định để nhận diện và đồng nhất đối với các xe ứng dụng công nghệ có sức chứa dưới chín chỗ”. – bản chỉnh sửa dự thảo cho biết.
Sau khi chỉnh sửa dự thảo, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ hai phương án.
Thứ nhất, các xe này phải có hộp đèn với chữ “Taxi điện tử” gắn cố định trên nóc xe như quy định tại Điều 6. Thứ hai, toàn bộ phương tiện kinh doanh vận tải có sức chứa dưới chín chỗ ứng dụng phần mềm tính tiền phải là taxi. Bộ GTVT thống nhất phương án thứ nhất và xin ý kiến thành viên Chính phủ xem xét, quyết định.
Có thể bạn quan tâm
05:15, 04/07/2018
07:07, 01/07/2018
05:35, 01/07/2018
15:10, 30/06/2018
05:00, 27/06/2018
12:01, 22/06/2018
06:00, 18/06/2018
Trước đó, cách đây khoảng 1 tuần, Hiệp hội taxi 3 miền Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đã gửi một loạt kiến nghị lên 4 bộ gồm Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong văn bản Bộ GTVT, Hiệp hội taxi 3 miền tiếp tục tố cáo Grab hoạt động thiếu kiểm soát, liên tiếp vi phạm pháp luật và có biểu hiện coi thường pháp luật Việt Nam. “GrabShare hoạt động tràn lan ở những nơi chưa được phép, có dấu hiệu vi phạm tập trung kinh tế trong phi vụ sáp nhập giữa Grab và Uber, gây rối loạn thị trường, phá vỡ quy hoạch”, văn bản nêu.
Bên cạnh đó, Hiệp hội này cũng than vãn về sự thiếu công bằng giữa điều kiện kinh doanh taxi công nghệ và taxi truyền thống, mong muốn tháo gỡ những rào cản này bằng Nghị định mới thay thế Nghị định 86 đang được Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng.
Từ đó, Hiệp hội đề xuất Bộ GTVT có biện pháp phù hợp chấm dứt việc ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam với các hãng taxi truyền thống trong giai đoạn xây dựng Nghị định 86 mới. Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT có hướng dẫn và định danh Grab là loại hình kinh doanh vận tải taxi, chịu khung pháp lý đối với taxi, tiến tới tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh tại Việt Nam.
Trong khi đó, ở văn bản gửi Bộ Y tế, Hiệp hội taxi 3 miền đề nghị điều chỉnh mục 4 tại Phụ lục 2 mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe tại thông tư liên tịch 24/2015 giữa Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của lái xe.
Theo Hiệp hội taxi 3 miền, hầu hết đồng hồ do đơn vị trong nước sản xuất đã làm chủ được công nghệ có độ bền chính xác và ổn định cao. Trong khi hoạt động kinh doanh như taxi, Grab hiện tính tiền trên thiết bị Google Maps nhưng không phải kiểm định.
Ngoài ra, Hiệp hội taxi 3 miền cho rằng trong xu thế cạnh tranh hiện nay, đa số hãng taxi và lái xe đều có động thái linh hoạt về giá cước theo hướng thỏa thuận thấp hơn đồng hồ để thu hút khách hàng. Hiệp hội mong Bộ KH&CN sớm thay đổi để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Hiệp hội taxi 3 miền cũng đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ điều chỉnh Khoản 1 Điều 4 Thông tư 23/2013 quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 theo hướng tăng thời hạn kiểm định taximet từ 12 tháng lên 24 tháng.
Lý do được đưa ra là quy định thông thường của Bộ Y tế đều quy định giấy khám sức khỏe có thời hạn 1 năm. Ngoài ra, giấy phép lái xe có thời hạn 10 năm trong khi giấy khám sức khỏe chỉ có thời hạn 6 tháng thì bất hợp lý, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người lao động.
Giới taxi cũng chỉ ra rằng quy định này trong thực tế là không khả thi vì đối với các đơn vị có trên 10.000 lao động lái xe thì việc quy định 6 tháng phải khám sức khỏe 1 lần đã khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng lãng phí thời gian, kinh phí để thực hiện. Chưa kể với lái xe Grab không có quy định này.
Còn trong văn bản gửi Bộ TT&TT, các hiệp hội taxi đề nghị điều chỉnh Thông tư 05/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện; sử dụng chung tần số vô tuyến điện theo hướng cho thời hạn giấy phép từ 24 lên 60 tháng hoặc không thời hạn (thay vì 12 tháng như hiện nay).
Giới taxi cũng đề xuất giảm mức phí thuê xuống 10 triệu đồng/tần số/năm thay vì mức 20 triệu đồng/năm như hiện nay. Các hiệp hội taxi mong muốn thay đổi có thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh.