Theo số liệu của Sở TN&MT TP HCM, trên địa bàn TP hiện có 11 khu công nghiệp chưa hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, cá biệt có dự án đã mắc kẹt từ năm 1997 tới nay.
Sở TN&MT TP HCM vừa có công văn "khẩn" gửi UBND TP HCM, báo cáo các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP HCM.
Cụ thể, tại huyện Bình Chánh có 3 dự án là KCN Vĩnh Lộc của Công ty CP xuất nhập khẩu và đầu tư Chợ Lớn; KCN Lê Minh Xuân do Công ty TNHH MTV đầu tư kinh doanh nhà Khang Phúc chủ đầu tư; KCN Lê Minh Xuân 3 của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG.
Tại huyện Củ Chi có dự án KCN Đông Nam của Công ty CP đầu tư Sài Gòn VRG; KCN Tân Phú Trung của Công ty CP phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc (SCD); KCN Cơ khí ô tô TP do Công ty CP Hòa Phú làm chủ đầu tư.
Tại quận Bình Tân là các dự án KCN Tân Tạo do Công ty Tân Tạo làm chủ đầu tư. Ngoài ra, tại quận Tân Phú, TP Thủ Đức, huyện Nhà Bè cũng đang tồn tại nhiều trường hợp KXN chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) dù đã đi vào hoạt động nhiều năm.
Trong các trường hợp được liệt kê trên, trường hợp cá biệt nhất có thể kể đến là KCN Vĩnh Lộc, KCN này được thành lập từ năm 1997, tuy nhiên đến nay vẫn còn 13ha đất chưa bồi thường xong. Hay dự án KCN Tân Bình cũng chìm trong cảnh tranh chấp 0,29ha đất mà sau 20 năm vẫn chưa thực hiện được công tác thu hồi.
Mặc dù, TP HCM đã được cho phép áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9/3/2020.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM chỉ rõ: "Ngay cả khi có cơ chế đặc thù, có thực hiện được hay không là một điều khác. Bởi quá trình thu hồi đất, ngoài trình tự thủ tục thời gian còn phụ thuộc vào việc thỏa thuận bồi thường với người dân".
Phân tích về cơ chế thu hồi đất hiện nay, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận định, đối với chuyển dịch đất đai bắt buộc, hệ quả tiêu cực là sự xung đột lợi ích dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện ở mức độ cao (chiếm tới 70% tổng lượng khiếu nại, khiếu kiện), đông người, phức tạp.
Ngược lại, chuyển dịch đất đai tự nguyện không có xung đột lợi ích, nhưng nhà đầu tư không bao giờ có thể thương thảo thành công với 100% những người đang sử dụng đất để có đất cho dự án đầu tư.
Bà Vân Nguyễn, Giám đốc Bộ phận thị trường JLL Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam đang là một trong nhiều điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài do chuỗi cung ứng toàn cầu bị tác động bởi dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo bà Vân, nhu cầu lớn nhưng nguồn cung ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, quỹ đất sạch chưa có nhiều, nhiều KCN vẫn loay hoay với bồi thường, GPMB. Bởi khu vực nào có quy hoạch KCN, giá đất thường bị đẩy cao lên gấp nhiều lần so với trước.
Giá đất tăng, giá trị đền bù cũng tăng lên gấp nhiều lần làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp. Đơn cử như trường hợp tại KCN Lê Minh Xuân, thời điểm năm 2011, trên 6,9 ha đất chưa bồi thường xong giá bồi thường khoảng 70 tỷ đồng. Đến năm 2020, dự kiến số tiền bồi thường tăng lên tới 475 tỷ đồng, gấp 7 lần so với trước.
Để đảm bảo lợi nhuận, chủ đầu tư bắt buộc phải tăng giá cho thuê hoặc giảm các ưu đãi dành cho khách thuê. Theo đó, doanh nghiệp thuê đất sau cùng là người “gánh đủ”. Chi phí thuê đất cao, tác động xấu tới môi trường đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng khu công nghiệp (Kỳ I): Làn sóng dịch chuyển sản xuất sẽ ra sao?
11:00, 27/05/2021
Gilimex và tham vọng lấn sân bất động sản công nghiệp
04:00, 26/05/2021
Hải Phòng: Vốn FDI tạo đà cho bất động sản công nghiệp bứt phá
04:00, 06/05/2021
Sonadezi đạt Top 10 Công ty bất động sản công nghiệp uy tín năm 2021
15:43, 04/05/2021
Giá thuê bất động sản công nghiệp lập đỉnh mới
04:00, 25/04/2021
Bất động sản công nghiệp: “Đại bàng” đâu chỉ cần “ổ”
09:00, 03/04/2021
Cẩn trọng làn sóng đầu cơ bất động sản công nghiệp
05:00, 26/03/2021