Hành trình khởi nghiệp thành công của tỷ phú Chu Quần Phi từ hai bàn tay trắng khiến nhiều người phải trầm trồ thán phục.
>>Câu chuyện khởi nghiệp nữ tỷ phú tự thân Falguni Nayar
Chu Quần Phi sinh 1970 trong một gia đình nhỏ, nghèo tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Từ nhỏ, bà đã cùng các anh chị em chăn nuôi vịt, heo để phụ giúp gia đình kiếm tiền. Lúc lên 5 tuổi, mẹ của bà qua đời, bố của bà cũng dần mất đi thị lực do tai nạn lao động. Vì vậy, bà đã cố gắng cùng các anh chị em làm việc và dần dần quán xuyến mọi công chuyện lớn nhỏ trong nhà.
Năm 16 tuổi, để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, Chu Quần Phi quyết định nghỉ học, lên Thâm Quyến tìm việc. Vừa chân ướt chân ráo lên thành phố, bà được nhận vào làm bảo vệ cho nhà kho của một công trường xây dựng. Tuy nhiên, làm việc suốt 4 tháng, bà không nhận được một đồng tiền công nào ngoài những lời hứa suông của ông chủ. Tìm hiểu ra, bà mới biết mình bị lừa.
Dắt túi được ít kinh nghiệm sống ở thành phố, Chu Quần Phi cùng một người bạn xin vào làm công nhân trong một công ty sản xuất mặt kính đồng hồ gần trường Đại học Thâm Quyến. Bà làm việc quần quật suốt 12 tiếng mỗi ngày nhưng chỉ nhận được mức lương bèo bọt. Tuy vậy, người phụ nữ này không nản chí, quyết bám trụ lại thành phố.
Vốn chăm chỉ, chịu khó học hỏi, Chu Quần Phi không mất nhiều thời gian để nắm chắc toàn bộ quy trình sản xuất kính đồng hồ.
Đi làm được vài năm, bà ngày càng ý thức được tầm quan trọng của kiến thức. Vậy nên, mỗi ngày, sau khi trút bỏ bộ quần áo lao động, Chu Quần Phi lại lao ngay đến các lớp học buổi tối tại Đại học Thâm Quyến để nâng cao trình độ văn hóa của mình.
Trong thời gian đó, Quần Phi không chỉ học kế toán, thi lấy chứng chỉ hải quan, thi bằng lái xe mà còn tham gia hoạch định hoạt động và phát triển công ty, thành thạo nhiều kỹ năng làm việc.
Năm 1990, nhà máy sản xuất kính đồng hồ gặp khủng hoảng, có nguy cơ giải thể. Giám đốc công ty khi đó cũng rục rịch rút vốn đầu tư. Lúc này, Chu Quần Phi đã mạnh dạn đề xuất phương án giải quyết với lời hứa: "Nếu nhà máy thua lỗ, tôi sẽ làm việc cho anh cả đời. Nếu anh kiếm được tiền, anh có thể trả cho tôi bất cứ thứ gì anh muốn". Khi đó Chu Quần Phi đã áp dụng công nghệ in mình tự học để đưa vào sản phẩm, kết quả là mặt kính đồng hồ sản xuất ra đẹp đến không ngờ, lợi nhuận của nhà máy tăng đáng kể.
Sau nhiều năm gắn bó cũng như cống hiến những thành tựu nhất định cho công ty, Chu Quần Phi quyết định ra đi tìm một chân trời mới. Năm 1993, bà Chu tiết kiệm được 20.000 đô la Hong Kong (khoảng 2.500 USD) và khởi nghiệp với công ty đầu tiên cùng với các thành viên trong gia đình.
Bà Chu cùng 7 người anh em họ cùng làm việc và sinh hoạt trong một ngôi nhà có 3 phòng ngủ trong suốt 4 năm. Ngôi nhà đồng thời cũng chính là công xưởng in ấn, đóng gói của công ty.
Thời gian đầu, Chu Quần Phi phải vất vả tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên, không ít lần, bà nhận lại sự lạnh nhạt và những lời từ chối, thậm chí có những nơi cô còn chưa kịp trình bày đã bị bảo vệ đuổi.
Nhớ lại thời điểm bắt đầu khởi nghiệp, Chu nói rằng bản thân luôn có niềm tin khi đối mặt với thất bại: “Chúng tôi khởi nghiệp rất khó khăn, tiền không có, kinh doanh dậm chân tại chỗ. Có ngày tôi chỉ có tiền lo bữa trước mà chẳng có bữa sau. Nhưng tôi vẫn kiên trì làm mọi thứ có thể và không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh”.
Sau 10 năm hoạt động, Chu Quần Phi thành lập công ty Lens Technology, chuyên nghiên cứu phát triển sản xuất các sản phẩm ống kính, đặt trụ sở tại Hồ Nam. Thời điểm mới thành lập, hãng điện thoại Motorola đã gọi điện cho Chu và yêu cầu công ty thiết kế loại ống kính chống xước cho chiếc điện thoại Razr V3 của họ. Đây cũng chính là bước ngoặt trong sự nghiệp của bà.
Khi sản phẩm của Motorola ra mắt, một loạt công ty sản xuất điện thoại di động đình đám khác như Samsung, Nokia, HTC cũng bắt đầu liên hệ. Không lâu sau, Apple cũng đặt mua ống kính cho các mẫu iPhone của họ.
>>Câu chuyện khởi nghiệp của nữ tỷ phủ Abigail Johnson
>>Hành trình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng của nữ tỷ phú mù chữ
Một trong những thử thách lớn nhất mà Chu gặp phải chính là đánh bại các đối thủ để giành được hợp đồng với Motorola năm 2003. “Một đối thủ đã ghen tỵ. Họ đã liên kết với đơn vị cung cấp nguyên liệu thô để cố loại tôi ra khỏi cuộc chơi. Nhà cung cấp nguyên liệu đã đặt ra yêu cầu rất cao và buộc Lens Technology phải thanh toán toàn bộ chi phí trước khi giao nguyên liệu”, Chu Quần Phi nhớ lại. Bà đã phải bán nhà và nhiều tài sản giá trị khác nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu của đối tác.
“Tôi gần như đã tuyệt vọng. Đứng ở bậc thềm ga Hung Hom, Hong Kong, tôi đã định tự tử với suy nghĩ mọi rắc rối sẽ biến mất khi mình chết đi, song một cuộc điện thoại của con gái đã khiến tôi thức tỉnh. Vì gia đình và vì nhân viên của mình, tôi không được phép bỏ cuộc”, Chu Quần Phi nhớ lại những ngày tháng khó khăn.
Năm 2004, Lens Technology đã bán được hơn 100 triệu bản cho mẫu máy V3 của Motorola - loại màn hình điện thoại phẳng với lời chào “Hello Moto”. Đến năm 2007, Lens Technology đã đánh bại các đối thủ khác để trở thành nhà cung cấp chính của “gã khổng lồ” Apple, mở đầu một cuộc cách mạng smartphone trên toàn thế giới.
Vào tháng 3/2015, dấu mốc 22 năm kể từ khi thành lập, Công ty Lens Technology chính thức chào bán cổ phiếu ra công chúng. Công ty của Chu Quần Phi có 32 nhà máy ở 7 địa điểm khác nhau tại Trung Quốc với hơn 90.000 nhân viên.
Năm 2016, tạp chí Fortune đã đưa Chu vào danh sách Những người phụ nữ quyền lực nhất châu Á – Thái Bình Dương. Câu chuyện khởi nghiệp của bà còn là nguồn cảm hứng cho hàng triệu lao động nữ và các doanh nhân mới khác trên khắp thế giới.
Năm 2018, theo thống kê của Forbes, giá trị của Lens Technology đã đạt 11,4 tỷ USD với 82.000 nhân viên trên khắp Trung Quốc. Số tài sản tiếp tục được củng cố lên mức 15,1 tỷ USD, theo thống kê của Forbes tính đến ngày 1/10/2020.
Câu chuyện khởi nghiệp thành công của Chu Quần Phi là một bằng chứng cho thấy nghèo đói không thể là rào cản cho ước mơ. Đối với nhiều người, Chu Quần Phi như một biểu tượng của tia sáng hy vọng cho nhiều công ty khởi nghiệp đang còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm vị trí của mình trên các thị trường lớn. Qua đó, bà vẫn không ngừng xây dựng và nỗ lực trong những chặng đường tiếp theo để hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp trong nước cùng tiến bộ.
Có thể bạn quan tâm