Cá nhân tôi vẫn ủng hộ phong trào sống mãi với tinh thần khởi nghiệp và vượt qua chính mình, nhưng người tham gia khởi nghiệp phải hiểu rõ dự án, với quyết tâm cao và chọn thời điểm phù hợp.
Tâm ta ở đâu thì sự nghiệp ta ở đó, các bạn ạ.
Vốn tham gia khá nhiều diễn đàn kích hoạt hệ sinh thái khởi nghiệp - đặc biệt trong môi trường đoàn thể và giảng đường, tôi nhận thấy: "Thật tội cho những bạn trẻ, khi người lớn mãi gieo vào đầu thế hệ trẻ niềm tin, hy vọng (đôi khi vô tình hại các bạn ấy),... những phong trào quốc gia khởi nghiệp, những phát động từ tuyến cơ sở (cấp trường, đoàn thể, tỉnh/thành). Có quá nhiều cuộc phát động, tổ chức các hội thi về khởi nghiệp, trong khi các bạn còn quá trẻ, chưa nhận thức đầy đủ và hiểu rõ về điều mình định tham gia hoặc sẽ dấn thân".
Thực tế, có đến 96%-97% các startup thất bại (phá sản/mất vốn), chỉ có 3%-4% là thành công bước đầu (trong hành trình dài). Không phải hễ cứ lập doanh nghiệp/nhà máy sản xuất... là startup đâu quý vị ạ, mà đó mới chỉ là khởi nghề, khởi sự sản xuất kinh doanh, bắt đầu công việc chuyên môn. Vì khi nói đến startup là nhắc đến yếu tố công nghệ, có sự khác biệt về sản phẩm/dịch vụ/sản phẩm trí tuệ và có các giải pháp... mang tính đổi mới - sáng tạo (hoặc cải tiến hơn), có sự phát triển đột biến/tăng trưởng vượt bậc và tạo hiệu ứng nhất định trên thương trường (người đi tiên phong/dẫn đầu thị trường).
Chính vì thế, đừng để các bạn trẻ hiểu chưa đúng về startup do chưa đủ thông tin, nhận thức, vì nếu không may thất bại sớm thì quá hại và tiếc cho thế hệ trẻ - mầm xanh của đất nước... Việc thất bại, dẫn đến nhiều hệ lụy, ngoài chuyện phá sản/mất vốn/mất uy tín..., điều đáng lo nhất là các bạn sẽ dễ bị tổn thương/xuống tinh thần... lâu lắm mới lấy lại thăng bằng... chứ chưa nhắc gì đến việc tái khởi nghiệp.
Cá nhân tôi vẫn ủng hộ phong trào sống mãi với tinh thần khởi nghiệp và vượt qua chính mình (để luôn có động lực, có lý tưởng sống/ý tưởng sáng tạo/đổi mới liên tục), nhưng người tham gia khởi nghiệp phải hiểu rõ dự án, với quyết tâm cao và chọn thời điểm phù hợp (sẽ quyết định trên 60% tỷ lệ thành bại).
Vậy đâu là thời điểm phù hợp?
Khi hội đủ các điều kiện: thời cơ đến; có ý tưởng hay/dự án khả thi; tích lũy đủ kiến thức/kinh nghiệm về một lĩnh vực; có sản phẩm/dịch vụ đột phá (khác biệt/đón đầu xu hướng); có nhiều mối quan hệ tốt (để hỗ trợ khi cần về vốn, nhân lực...); thông tin/kiến thức, kinh nghiệm; có đối tác uy tín/nhà cung ứng có nguồn hàng tốt/có sẵn tệp khách hàng tiềm năng…thì mới nên nghĩ đến việc khởi sự kinh doanh.
Nên khi còn ở giảng đường hoặc mới ra trường, nhiệm vụ chính của các bạn trẻ là học, tích lũy vốn sống, ngoại ngữ và đừng sống ảo. Phải định hướng/định hình cho mình "một cái nghề"/một "công việc phù hợp" (được làm việc mình yêu thích thì càng hay). Dần dần, khi có đủ "hành trang" (về vốn, kiến thức, trải nghiệm và đặc biệt là các mối quan hệ) ... lúc đó hãy tự tin bước ra lập nghiệp.
Còn startup? Startup là một "hiện tượng" có hướng đi khác biệt, chấp nhận dấn thân, mạo hiểm. Xã hội thời nay, nhà nhà, người người âm thầm khởi nghề/khởi sự kinh doanh, với tỷ lệ thất bại rất cao (trên 96% startup Việt Nam phải ngừng hoạt động trong lặng lẽ).
Trên thực tế, dự án khởi nghiệp nào trụ được, phần lớn là nhờ cơ may. Để đi đường dài thì cần hội tụ nhiều yếu tố:
- Sự quyết tâm cao của team sáng lập;
- Tính khả thi và phù hợp của dự án;
- Huy động vốn thành công hoặc có hậu phương vững chắc (để có đủ nguồn lực và trường vốn nuôi dự án dài hơi);
- Điều kiện đang thuận lợi để duy trì và phát triển dự án;
- Team dự án đã xác định và sẵn sàng đi tiếp ... với niềm tin và ý chí cao độ, hy vọng một ngày không xa, dự án sẽ hóa thành Kỳ Lân.
Trên đây là những trăn trở của một cựu sinh viên (alumni), luôn dõi theo các bạn trẻ và nhắc nhở các bạn: "Hãy khởi nghề trước khi khởi nghiệp" (khi chưa hội đủ điều kiện). Còn những điều quan trọng khác (ở tầm vi mô/vĩ mô,...),... là phần việc của các vị trong ban cố vấn khởi nghiệp quốc gia sẽ hỗ trợ các bạn trẻ.
Có thể bạn quan tâm