Kinh tế thế giới

Hé lộ nhiều tập đoàn "đầu tư" vào… ghế Tổng thống Mỹ

Trương Khắc Trà 15/08/2024 03:30

Đường đua đến ghế Tổng thống Mỹ là hành trình rất tốn kém, bên cạnh sự ủng hộ của cử tri, các ứng viên cần có các tập đoàn kinh tế lớn rót vốn.

bauduc1-2121.jpg
Đường đến chiếc ghế Tổng thống Mỹ là hành trình rất tốn kém

Chạy đua tranh cử Tổng thống Mỹ là hành trình tốn kém, nếu không muốn nói là nơi đốt tiền khủng khiếp mà có khi “tay trắng lại về không” nếu như thân chủ - ứng viên Tổng thống Mỹ chẳng may thất bại.

Cho đến nay, các công ty quốc phòng chiếm đa số trong top 10 doanh nghiệp ủng hộ cho các ứng viên Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, bao gồm: Boeing, Northrop Grumman, L3Harris Technologies và Lockheed Martin.

Top 10 còn có nhiều công ty viễn thông, truyền thông lớn hàng đầu, như Comcast, AT&T và Verizon Communications. Đây là những ngành chịu sự giám sát chặt chẽ từ chính phủ, và chỉ có chính phủ mới có nhu cầu đặt hàng sản xuất vũ khí, thiết bị quốc phòng đặc dụng.

Trong quý II/2024, ông Donald Trump huy động được 331 triệu USD, nhiều hơn con số 264 triệu USD mà ban vận động tranh cử của bộ đôi Joe Biden - Kamala Harris thu về. Số tiền này được chi cho các văn phòng tại các bang chiến trường, cũng như chi trả mọi dịch vụ liên quan đến tranh cử.

Tỷ phú công nghệ Elon Musk được cho là đã cam kết quyên góp khoảng 45 triệu USD mỗi tháng cho một ủy ban hành động chính trị ủng hộ ông D. Trump. Sau sự cố bị ám sát hụt ở Pennsylvania, vị tỷ phú chính thức tuyên bố ủng hộ đảng Cộng hòa.

Elon Musk đã phỏng vấn cựu Tổng thống Donald Trump trên nền tảng mạng xã hội X, sự hợp tác mới nhất này có thể là yếu tố quan trọng định hình những tuần cuối cùng của cuộc đua đến Nhà Trắng.

Ông Musk đứng sau tổ chức America PAC, là mạng lưới những người thân tín trong lĩnh vực công nghệ có khả năng quyên góp 1 tỷ USD đảm bảo tài chính dồi dào cho chiến dịch tranh cử của ông Trump. Những cá nhân hàng đầu đã “rót vốn” như: Winklevoss, Doug Leone, Joe Lonsdale, Tim Mellon, Marc Andreessen và Ben Horowitz…

Đối với các doanh nghiệp, cá nhân giàu có, đây không khác gì khoản đầu tư cho tương lai để được đứng về “phía chiến thắng” có quyền làm chính sách kinh tế có lợi chi ngành nghề kinh doanh của họ; còn với người dân, sự quyên góp không khác gì lá phiếu bầu cử.

240325-donald-trump-se-348p-48d6a0.jpg
Ông Donald Trump nhận được “đầu tư” lớn từ giới công nghệ.

Adam Kovacevich, Giám đốc điều hành của Chamber of Progress, một nhóm chính sách công nghệ trung tả, đã chỉ ra 2 điểm gây khó khăn lớn nhất đối với giới công nghệ là việc chính quyền Tổng thống Joe Biden thực thi chiến dịch chống độc quyền và thái độ của họ đối với tiền điện tử.

Nhóm Big Tech rất e ngại bà Lina Khan - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC). Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft coi bà là “sát thủ công nghệ” với quan điểm kiểm soát chặt chẽ. Bà Khan là tác giả kế hoạch “chống độc quyền” dưới thời ông Joe Biden.

Chính vì vậy, thung lũng Silicon lần này đặt cược số vốn lớn vào ông Trump, với hy vọng có thể đảo ngược chính sách hiện hành đối với lĩnh vực công nghệ. Đối với các tập đoàn ít chịu ảnh hưởng bởi chính sách “tả” hoặc “hữu”, họ chọn cách đầu tư cho cả hai.

Ví dụ, Boeing đã chi 2,6 triệu USD, trong đó 44% cho đảng Dân chủ, và 56% cho đảng Cộng hòa; nhà cung cấp dịch vụ logictcs khổng lồ UPS lại giành cho ông Trump 64% trong tổng gói viện trợ 2,4 triệu USD. Trong khi đó nhà mạng Verizon chia đều mỗi bên mỗi triệu USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hé lộ nhiều tập đoàn "đầu tư" vào… ghế Tổng thống Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO