"Hé lộ" tổng viện trợ của Mỹ và phương Tây cho Ukraine

CẨM ANH 29/12/2022 03:30

Khi chiến sự Nga-Ukraine đang có chiều hướng kéo dài, các chuyên gia đang theo dõi nguồn tài trợ chảy vào Kiev từ các nước phương Tây.

>>Chiến sự Nga- Ukraine: Sắp có cuộc thi triển vũ khí tối tân nhất

Binh sĩ Ukraine gom vỏ đạn pháo gần khu Makariv ở tỉnh Kyiv. Ảnh: REUTERS

Binh sĩ Ukraine gom vỏ đạn pháo gần khu Makariv ở Kiev. Ảnh: Reuters

Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng, Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga tại Ukraine, nhiều học giả quan hệ quốc tế và các chuyên gia khác trong lĩnh vực này lại có quan điểm khác.

“Rõ ràng đây không phải là một cuộc chiến ủy nhiệm,” ông Vladimir Rauta, giảng viên chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Reading, nói với Al Jazeera và cho biết thêm, chiến tranh ủy nhiệm là chiến tranh gián tiếp, thường được tiến hành một cách bí mật và nằm ngoài giới hạn của luật pháp quốc tế. Quan hệ đối tác Mỹ-Ukraine là một trường hợp điển hình về hỗ trợ song phương về quân sự và kinh tế.

Để làm rõ vấn đề này, Al Jazeera đã trích dẫn thông số của Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW), một viện nghiên cứu của Đức, có khả năng cung cấp những con số khá chính xác dựa trên kho dữ liệu Ukraine Support Tracker (UST), theo dõi sự trợ giúp quân sự, viện trợ nhân đạo và viện trợ tài chính cho Ukraine từ phương Tây.

Tuy nhiên, theo ông Andre Frank, một nhà kinh tế tại IfW, việc tính toán những con số này có thể là một thách thức. “Những trở ngại chính là sự sẵn có của thông tin, đặc biệt là thông tin chính thống và định giá các mặt hàng, đặc biệt là hàng quân sự. Chúng tôi giải quyết vấn đề trước đây thông qua công việc nghiên cứu bằng cách sử dụng hàng loạt các công cụ tìm kiếm,” ông Frank cho biết.

Chuyên gia này nói thêm: "Chúng tôi lấy thông tin từ các nguồn chính thức của chính phủ khi được đưa ra. Bất cứ khi nào không có thông tin chính thức, hoặc các tuyên bố không cho phép định lượng đầy đủ khoản đóng góp, chúng tôi sẽ bổ sung bằng các báo cáo truyền thông đáng tin cậy".

Kể từ khi chiến sự Nga- Ukraine nổ ra đến nay, quốc gia hỗ trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine là Mỹ với cam kết hiện tại là 24,37 tỷ USD. Anh đứng thứ hai với 4,4 tỷ USD và là quốc gia cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Ukraine. Chính phủ Anh đã chuyển giao hoặc cam kết hỗ trợ Ukraine hàng nghìn vũ khí chống tăng, hàng trăm tên lửa tầm ngắn, xe thiết giáp, hệ thống chống chiến đấu cơ Starstreak… Không lâu sau khi nhậm chức, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng cam kết chuyển thêm cho Ukraine 125 tên lửa chống chiến đấu cơ.

Đức đứng thứ ba sau Mỹ và Anh về nguồn viện trợ quân sự cho Ukraine, với 2,49 tỷ USD tính đến nay. Theo IfW, các quốc gia thành viên EU đã dành tổng cộng 9,18 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine.

>>Chiến sự Nga- Ukraine: Nga bất ngờ ra tối hậu thư với Ukraine

Binh lính Ukraine tại khu vực Bakhmut.

Binh lính Ukraine tại khu vực Bakhmut. Ảnh: Wall Street Journal

Nếu chúng ta bao gồm cả Cơ sở Hòa bình Châu Âu, một chương trình hoàn trả quân sự do Liên minh Châu Âu điều hành, thì tổng hỗ trợ quân sự của EU sẽ tăng thêm 3,1 tỷ euro (3,3 tỷ USD) lên tổng số 11,71 tỷ euro (12,48 tỷ USD). Điều này bao gồm các cam kết cho đến ngày 20 tháng 11 năm 2022.

Cũng theo IfW, nếu xét về hỗ trợ quân sự, tài chính và nhân đạo, châu Âu hỗ trợ Ukraine tổng cộng 55 tỷ USD, còn Mỹ là 51 tỷ USD.

Với những con số viện trợ khổng lồ, có nhiều câu hỏi đặt ra về việc liệu các gói hỗ trợ có thể tiếp tục duy trì trong năm 2023 hay không, đặc biệt là khi Đảng Cộng hòa đã thành công kiểm soát Hạ viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua?

Bên cạnh đó, một số nhà lãnh đạo thế giới đang nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết phương Tây nên cung cấp cho Nga các đảm bảo an ninh như một phần trong bất kỳ thỏa thuận đàm phán nào để chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Tuy vậy, để tiến tới thỏa thuận hòa bình thì các bên vẫn còn một chặng đường dài bởi như Tổng thống Zelensky nhận định, mục tiêu của Ukraine là giành lại tất cả các vùng lãnh thổ đã mất từ năm 2014, trong khi Nga cho biết sẽ không dừng chiến sự cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu đã đặt ra.

Ông Rob Lee, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Mỹ, cho rằng: “Cách tốt nhất mà châu Âu có thể hỗ trợ Ukraine là tăng sản xuất đạn pháo. Đây là vấn đề lớn nhất của năm tới”.

Có thể bạn quan tâm

  • Nguy cơ

    Nguy cơ "đứt gãy" viện trợ của Mỹ cho Ukraine sau bầu cử giữa kỳ

    04:48, 29/10/2022

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Viện trợ Ukraine sẽ còn kéo dài hay đứt đoạn?

    Chiến sự Nga- Ukraine: Viện trợ Ukraine sẽ còn kéo dài hay đứt đoạn?

    04:00, 28/09/2022

  • Ukraine thắng lớn, Mỹ và phương Tây sẽ gia tăng viện trợ

    Ukraine thắng lớn, Mỹ và phương Tây sẽ gia tăng viện trợ

    04:00, 15/09/2022

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Phương Tây

    Chiến sự Nga- Ukraine: Phương Tây "hụt hơi" viện trợ vũ khí cho Ukraine

    04:30, 30/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Hé lộ" tổng viện trợ của Mỹ và phương Tây cho Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO