Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định: Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong nước đã phục hồi trở lại và vươn lên một tầm cao mới.
>>Đổi mới sáng tạo mở: Doanh nghiệp, tập đoàn và Hệ sinh thái Đổi mới Sáng tạo Quốc gia
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Quỹ Do Ventures (Đầu tư mạo hiểm hỗ trợ các công ty startup và nhà đầu tư) đồng phát hành “Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam”.
Đây là năm thứ hai “Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam” được phát hành trên cơ sở hợp tác giữa Ventures và NIC.
Tại sự kiện đã diễn ra lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa một số quỹ đầu tư hàng đầu và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam: Quỹ CyberAgent Capital và VIC Partners ký đầu tư Công ty Reti ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực bất động sản; Quỹ Nextrans ký đầu tư Công ty Selex Motors về xe điện thông minh.
Đồng thời, diễn ra thảo luận bàn tròn về “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo hướng đến mục tiêu kinh tế số Việt Nam chiếm 30% GDP vào năm 2030”.
Thứ trưởng KH&ĐT Trần Duy Đông nhấn mạnh: Đổi mới sáng tạo đang là xu thế tất yếu không chỉ của riêng Việt Nam mà còn là của toàn cầu.
Những năm vừa qua, Việt Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, chính sách cho đổi mới sáng tạo, điều này thể hiện trên bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), từ hạng 52/141 quốc gia và nền kinh tế năm 2015 đến hạng 44/132 năm 2021, giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.
>>Kiến trúc doanh nghiệp kiến tạo chuyển đổi số thành công
>>Tối ưu khởi nghiệp kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo và liêm chính
Năm 2021 là năm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19 nhưng cũng là năm kỷ lục của đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam với tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, tăng gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục trước đó vào năm 2019, cùng sự xuất hiện của 2 “kỳ lân” công nghệ mới Momo và Sky Mavis.
Theo NIC, tổng số quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam tăng 60%, phân bổ đồng đều giữa các quốc gia. Trong số đó, quốc gia có số lượng nhà đầu tư tích cực nhất trong năm 2021 là Singapore, tiếp theo là Việt Nam và Mỹ. Hoạt động đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam cũng dần sôi động hơn sau hai năm chững lại.
Tổng số giao dịch của các thương vụ trên 10 triệu USD vượt mức 1 tỷ USD, tăng 255% so với năm trước. Trong khi nguồn vốn chảy vào vòng seed tăng lên mức cao kỷ lục cả về số lượng và giá trị thương vụ, thì nguồn vốn chảy vào các vòng sau series A đã trở về mức trước COVID-19.
Đặc biệt, năm 2021 chứng kiến sự xuất hiện của 5 giao dịch trị giá trên 100 triệu USD trong các lĩnh vực thanh toán, thương mại điện tử và gaming. Với số lượng lớn các công ty giai đoạn đầu đầy tiềm năng và môi trường kinh doanh thuận lợi nhờ vào sự hỗ trợ sâu sát của Chính phủ, hệ sinh thái thương mại của Việt Nam đã sẵn sàng để bước vào giai đoạn trưởng thành hơn.
“Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong nước đã phục hồi trở lại và vươn lên một tầm cao mới. Đây là điều đáng mừng và góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế số Việt Nam, là dấu hiệu tích cực cho thấy chúng ta đang trên đà hoàn thành nhóm mục tiêu nền kinh tế số sẽ đóng góp 30% GDP vào năm 2030”, ông Đông nhấn mạnh.
Bày tỏ sự tin tưởng vào sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ Do Ventures cho biết: Hệ sinh thái thương mại điện tử và khởi nghiệp ở nước ta đã có những bước hồi phục ấn tượng trong năm 2021 nhờ vào sự bền bỉ của các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ.
“Với đà phát triển hiện nay, tôi tin rằng các nhà sáng lập Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được thành công và đưa Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ đáng chú ý trong khu vực”, bà Vy nói.
https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/he-sinh-thai-doi-moi-sang-tao-va-khoi-nghiep-vuon-len-mot-tam-cao-moi/20220421082226416
Có thể bạn quan tâm