Nghị quyết 10-NQ/TW đặt ra nhiều mục tiêu trong đó đến năm 2045 Việt Nam hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại… để làm được điều này, có vai trò của Luật Địa chất và Khoáng sản.
>> ĐBQH “truy” đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Đây là chia sẻ của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Phạm Tấn Công tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản do VCCI phối hợp với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 14/6.
Thông tin tại Hội thảo, Chủ tịch Phạm Tấn Công cho biết, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng tài nguyên thiên nhiên vào mức trung bình trên thế giới. Xét về chỉ số vốn thiên nhiên, chúng ta đứng thứ 79 thế giới. Các loại khoáng sản mà Việt Nam có thế mạnh là antimon, bauxite, crome, than, mangan, dầu khí, phốt pho, đất hiếm… Theo thống kê năm 2022, lĩnh vực khai khoáng đóng góp khoảng 2,8% GDP, đứng khoảng thứ 70 trên thế giới, tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu khoáng sản thô còn khá lớn, chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch thương mại.
“Đóng góp của ngành công nghiệp khai khoáng trong nền kinh tế trong thời gian qua là không thể phủ nhận. Thế nhưng, cũng phải thẳng thắng nhìn vào sự thật là công nghiệp khai khoáng của chúng ta chưa phát triển hết tiềm năng. Chúng ta mới chỉ tập trung khai thác mà chưa có đủ công nghệ cũng như năng lực để đầu tư chế biến nhiều loại khoáng sản kim loại. Một số loại khoáng sản mang tính chiến lược như đất hiếm vẫn chưa được khai thác để mang lại hiệu quả kinh tế, đối ngoại cho đất nước. Việc khai thác xuống sâu, khai thác ngầm nhiều loại khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn”, Chủ tịch Phạm Tấn Công chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch Phạm Tấn Công, trên thế giới, quản trị tài nguyên khoáng sản có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Tài nguyên, vừa là lợi thế kinh tế, nhưng cũng đồng thời có thể có tác dụng ngược đối với sự phát triển của đất nước. Trong các quốc gia giầu tài nguyên trên thế giới, có nước tận dụng được để phát triển thịnh vượng, nhưng cũng không ít quốc gia vẫn chìm trong đói nghèo, bạo lực và bất bình đẳng. Sự khác biệt nằm nhiều ở thể chế quản trị tài nguyên.
Nhờ rút ra được bài học đó, Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng vào công tác xây dựng thể chế đối với lĩnh vực khai thác tài nguyên. Luật Khoáng sản đã được Quốc hội ban hành lần đầu vào năm 1996, khá sớm so với nhiều lĩnh vực pháp luật khác.
Gần đây, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là văn bản quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế đối với công nghiệp khai khoáng của chúng ta. Nghị quyết đặt ra nhiều mục tiêu trong đó đến năm 2045 Việt Nam hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực Châu Á. Để làm được điều này thì công tác xây dựng thể chế là đặc biệt quan trọng. Luật Địa chất và Khoáng sản lần này chính là để làm việc đó.
Đồng thời cho rằng, Luật Khoáng sản 2010 đã trải qua hơn 13 năm thi hành, mang lại nhiều kết quả tích cực nhưng cũng có nhiều vấn đề phải sửa đổi, bổ sung.
Thứ nhất là vấn đề đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đây là nội dung được đưa vào Luật Khoáng sản năm 2010 và được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường tính minh bạch của lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua 13 năm triển khai, số lượng mỏ khoáng sản được đấu giá rất thấp. Ở cấp trung ương chỉ có 10 mỏ được đấu giá trên tổng số 441 giấy phép được cấp. Ở địa phương có 827 trường hợp đấu giá trên hơn 3000 giấy phép. Trong khi đó, giá trúng đấu giá luôn cao hơn từ 20 đến 40% giá khởi điểm, có trường hợp cao gấp 2-3 lần. Như vậy, sửa đổi Luật Khoáng sản lần này, vấn đề đấu giá mỏ cần hết sức được quan tâm.
Thứ hai, tài chính về khoáng sản cũng là nội dung cần được tháo gỡ. Vấn đề tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu trước khi mỏ đi vào hoạt động, lại dựa trên số liệu ước đoán từ kết quả thăm dò, đang đẩy toàn bộ rủi ro về phía doanh nghiệp, khiến các dự án khoáng sản đã nhiều rủi ro lại càng thêm rủi ro. Sự thiếu minh bạch và không ổn định của các nghĩa vụ tài chính khác như thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường cũng làm các doanh nghiệp, ngân hàng do dự khi cân nhắc bỏ vốn vào các dự án khoáng sản quy mô lớn, hoặc các dự án đi kèm chế biến.
Thứ ba, các vấn đề bảo đảm quyền tài sản đối với khai thác khoáng sản cũng là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm. Vấn đề này bao gồm nhiều nội dung như quyền thế chấp quyền khai thác khoáng sản, các trường hợp xử lý vi phạm về công suất khai thác, sản lượng được phép khai thác, giám sát sản lượng để tránh thất thu thuế phí, chống nạn khai thác lậu… đây là những nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp, cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
“VCCI đã tham gia sâu cùng cơ quan soạn thảo trong quá trình soạn thảo Luật Địa chất và Khoáng sản lần này. Chúng tôi chân thành cảm ơn sự cầu thị, lắng nghe, tinh thần đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, cũng đánh giá rất cao tinh thần làm việc trách nhiệm của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đã tổ chức nhiều vòng nhiều lượt lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, bảo đảm chất lượng dự thảo luật là tốt nhất có thể”, Chủ tịch Phạm Tấn Công chia sẻ.
Cùng với đó mong muốn, tại Hội thảo, các đại biểu đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia tích cực tham gia đóng góp các ý kiến chất lượng để cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.
Sau những chia sẻ của Chủ tịch VCCI, tại Hội thảo, đại diện cơ quan soạn thảo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng trình bày tóm tắt về nội dung Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Hội thảo cũng lắng nghe những góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật đến từ đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia,… trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã phần nào thể hiện được những mong muốn đổi mới trong các quy định, nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội theo xu hướng mới, tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các quy định trong bản Dự thảo cũng bộc lộ những nội dung cần được hoàn chỉnh hơn nữa.
Cụ thể như, một số quy định về quản lý hoạt động khoáng sản nói chung, về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa đáp ứng được quy định tại khoản 1 Điều 4 của Dự thảo Luật; Quy định tại khoản 1, Điều 51 của Dự thảo Luật về ưu tiên tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản được nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản…
Kết luận hội thảo, ông Lê Quang Huy - Ủy viên trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo và mong muốn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật trong thời gian tới cho đến khi được Quốc hội bấm nút thông qua, sẽ tiếp tục nhận được thêm những ý kiến góp ý đến từ cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia.
Có thể bạn quan tâm
ĐBQH “truy” đấu giá quyền khai thác khoáng sản
13:25, 04/06/2024
Khoanh vùng để dự trữ khoáng sản quốc gia
10:16, 04/06/2024
Cần luật hoá cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản
10:03, 04/06/2024
Từng bước lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản
04:13, 04/06/2024
Nghệ An tăng cường quản lý khai thác khoáng sản
15:58, 23/05/2024