Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mới phát hành tăng trở lại, và các công ty chứng khoán nằm trong hệ sinh thái có “nhiệm vụ” hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp…
>>>Ngân hàng tăng tốc phát hành trái phiếu để tăng huy động vốn
Đây là hai trong số những nguyên nhân, và có liên quan đến nhau trong chuỗi hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến các công ty chứng khoán được ghi nhận tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong 9 tháng 2023.
Theo báo cáo của VIS Ratings, trong 9 tháng đầu 2023, khả năng sinh lời của các công ty chứng khoán đã phục hồi từ mức đáy năm 2022, chủ yếu nhờ lợi nhuận từ hoạt động đầu tư (+153% yoy) sau sự phục hồi về định giá trên thị trường chứng khoán.
Các mảng kinh doanh cốt lõi khác - cho vay ký quỹ và môi giới - vẫn kém hơn so với năm trước do thanh khoản thị trường ở mức thấp trong 6 tháng 2023.
Bên cạnh đó, VIS Ratings ghi nhận số công ty đã tăng cường nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro, nhưng các đợt tăng vốn gần đây mang lại bộ đệm vốn giúp bù đắp cho rủi ro tài sản và các khoản lỗ tiềm tàng.
>>>Thị trường trái phiếu ấm trở lại: Hết thời chọn lãi suất cao để đầu tư
Cụ thể, xét quy mô đầu tư các tài sản có nhiều rủi ro của toàn ngành, VIS Ratings cho rằng vẫn ở mức cao 24%, đặc biệt đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn trái phiếu. Riêng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các công ty chứng khoán đã tăng lên 68,3 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng 2023, đặc biệt đến từ các công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn trái phiếu. Các công ty này (như TCBS, VPBANKS) trung bình tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lên 40-50% tổng tài sản vào cuối tháng 9 năm 2023, tăng từ mức 28-45% vào cuối tháng 12 năm 2022.
“Chúng tôi cho rằng các khoản đầu tư này nằm trong mục tiêu chung của cả hệ sinh thái lớn nhằm hỗ trợ nhu cầu thanh khoản cho các khách hàng doanh nghiệp của họ. Trong khi tốc độ trái phiếu doanh nghiệp chậm trả gốc/lãi phát sinh mới đang chậm lại và dòng tiền doanh nghiệp dần ổn định, khoản đầu tư của các công ty vào các tài sản có rủi ro cao bao gồm cổ phiếu chưa niêm yết và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có mức độ tập trung đáng kể và khiến họ phải đối mặt với các rủi ro sự kiện”, các nhà nghiên cứu phân tích của VIS Ratings đánh giá.
Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX và SSC, 9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 160.253 tỷ đồng, gồm 22 đợt phát hành ra công chúng trị giá 20.424 tỷ đồng (chiếm 12,7% tổng giá trị phát hành) và 129 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 139.830 tỷ đồng (chiếm 87,3% tổng số). Trong đó, ngành ngân hàng chiếm đa số với 69.719 tỷ đồng (chiếm 43,5%), theo sau là nhóm bất động sản với 55.677 tỷ đồng (chiếm 34,7%).
Nếu thực hiện một thống kê đầy đủ, sẽ thấy, các công ty chứng khoán đầu tư lớn vào trái phiếu doanh nghiệp, đều đang trong một hệ sinh thái tài chính - bất động sản, hoặc thậm chí năng lượng (theo sau bất động sản). Mối liên thông 3 nhà ngân hàng - chứng khoán - bất động sản để hỗ trợ cho thanh khoản và thúc đẩy huy động vốn, như vậy vẫn đang được các bên tận dụng để đảm bảo hoạt động huy động có thể diễn ra như kế hoạch. Việc các công ty chứng khoán tư vấn phát hành “ôm” trái phiếu doanh nghiệp, nhìn ở mặt tích cực, thực tế cũng đang góp phần gia cố và làm ấm lại thị trường trái phiếu - vốn vẫn đang là “sân chơi” chưa thực sự thu hút “người chơi” cá nhân, sau một giai đoạn bùng nổ về tỷ lệ người mua cá nhân chiếm lĩnh thị trường trái phiếu phân phối lại, cho đến lúc khủng hoảng niềm tin vào 2022.
Bên cạnh đó, một chuyên gia lưu ý theo quy định trước đây trái chủ thường sẽ ủy quyền cho công ty chứng khoán lưu ký nhưng không đăng ký tập trung; còn nay tất cả các trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bắt buộc sẽ phải nộp hồ sơ đăng ký giao dịch tập trung. “Quy định cũng khiến các đơn vị có khối lượng tư vấn, phân phối trái phiếu doanh nghiệp lớn, có thể sẽ “ôm” trở lại theo hình thức mua lại (hoặc mua mới cho các đợt phát hành mới) và đăng ký lưu ký - đăng ký niêm yết; dẫn đến quy mô đầu tư tài sản rủi ro gia tăng”.
Vị chuyên gia cũng cho rằng tuy vậy, không phải tài sản trái phiếu doanh nghiệp nào phát hành cũng nhiều rủi ro. Điều này đúng với cả tài sản mà công ty chứng khoán lẫn ngân hàng đang “ôm” là trái phiếu các doanh nghiệp, trong đó có không ít trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Dù vậy, rủi ro cũng không phải đã giảm đi hay doanh nghiệp và trái chủ có thể thở phào, do thanh khoản của một số doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục “tắc”. Theo đó, muốn đánh giá chất lượng tài sản đầu tư cổ phiếu và trái phiếu mà các công ty chứng khoán nắm giữ, phải “soi” trên từng giấy tờ hàng hóa tài sản cụ thể.
Có thể bạn quan tâm
Tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu bất động sản của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao
15:00, 21/11/2023
Triển vọng thị trường địa ốc 2024 phụ thuộc lớn vào việc trả nợ trái phiếu
14:46, 21/11/2023
Áp lực trái phiếu gia tăng, doanh nghiệp địa ốc cần làm gì?
11:16, 20/11/2023
Tương quan giữa lợi suất trái phiếu Mỹ với châu Á ngày càng giảm
05:03, 18/11/2023
Lợi suất trái phiếu Mỹ giảm sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam
05:23, 17/11/2023
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin đang quay trở lại
17:27, 16/11/2023
Agribank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2023
16:02, 11/11/2023
giấy tờ hàng hóa cụ thể.