Không đánh đổi môi trường để đạt được mục tiêu kinh tế, đầu tư… là quan điểm được lãnh đạo tỉnh Nghệ An xác định, chỉ đạo tại nhiều cuộc họp thời gian qua nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Qua đó, Nghệ An đã có nhiều chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội song song với công tác bảo vệ môi trường (BVMT), tạo nền tảng vững chắc để hoạch định các phương án cải thiện đời sống sinh hoạt của người dân cũng như mục tiêu “tăng trưởng xanh” trong thời gian tới.
Quy hoạch manh mún, chắp vá
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An 15 cơ sở xử lý chất thải rắn đang hoạt động xử lý chất thải bằng các hình thức như đốt, chôn lấp, bán chôn lấp, đốt lộ thiên. Cũng phải ghi nhận rằng, trong những năm gần đây, Nghệ An đã tập trung thu hút nhiều dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn đã và đang được triển khai tại nhiều huyện, thành phố, thị xã bằng công nghệ đốt hiện đại, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra trên địa bàn tỉnh.
>>Công an vào cuộc vụ nhiều công nhân nhà máy sản xuất bột đá tử vong ở Nghệ An
Tuy nhiên, trong tổng số cơ sở xử lý chất thải rắn đang hoạt động thì mới chỉ có 8 cơ sở hợp vệ sinh và 05 cơ sở không hợp vệ sinh và 02 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Đáng quan tâm, tại nhiều địa phương như Yên Thành, Diễn Châu, Nam Đàn, Hưng Nguyên vẫn còn tình trạng ôi nhiễm môi trường nặng nề bởi chất thải rắn, làm đảo lộn đời sống sinh hoạt của người dân. Các giải pháp xử lý chất thải rắn phần lớn mang tính ngắn hạn, tạm thời, giải quyết tình thế khi đã xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do chất thải rắn gây ra.
Trong khi đó, tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh còn tình trạng đầu tư xây dựng xử lý chất thải rắn theo kiểu “chắp vá”, quy hoạch chưa khoa học, phần lớn là chôn lấp không hợp vệ sinh. Hệ luỵ từ nước rỉ rác không được thu gom xử lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng suốt nhiều năm chưa được xử lý một cách dứt điểm.
Thậm chí, tại nhiều huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Tuơng Dương, Quế Phong, Quỳ Châu…của Nghệ An còn “treo” rác thải nơi đầu nguồn sông, suối bằng cách quy hoạch đầu tư xây dựng các bãi xử lý rác thải theo phương pháp đốt, chôn lấp. Thực trạng này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng, tiềm ẩn hệ luỵ xấu tới môi trường, nhất là vùng sinh quyển với trung tâm là Vườn quốc gia Pù Mát (Khu dự trữ sinh quyển thứ sáu của Việt Nam được UNESCO công nhận) là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007 nên vấn đề bảo vệ môi trường càng phải được đặt lên hàng đầu.
>>Nghệ An “bế tắc” với giải ngân vốn đầu tư công?
Chưa kể, trong tổng số 23 cụm công nghiệp hiện nay trên địa bàn Nghệ An đang hoạt động, một khối lượng lớn nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp cũng chưa được đầu tư hệ thống xử lý một cách bài bản, khoa học. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong số các cụm công nghiệp nói trên, hiện Nghệ An mới chỉ có 10 cụm công nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung chủ yếu bằng hồ lắng lọc, trong đó 09 cụm công nghiệp đã đầu tư hoàn chỉnh là Nghi Phú, Đông Vĩnh, Tháp - Hồng - Kỷ, Lạc Sơn, Nam Giang, Diễn Hồng, thị trấn Đô Lương, Hưng Lộc. Riêng cụm công nghiệp Tháp -Hồng - Kỷ ở huyện Diễn Châu đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung tương đối đồng bộ, công nghệ sinh học hiếu khí để thu gom và lưu giữ nước thải trước khi thải ra môi trường. Còn cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ thuộc thị xã Thái Hoà đã hoàn thành hồ xử lý nước thải, đang triển khai lắp đặt đường ống thu gom để hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng.
Gia cố “vành đai” bảo vệ môi trường
Theo quy hoạch phát triển tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, địa phương xác định bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những nội dung cơ bản để phát triển bền vững.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng nêu quan điểm rất rõ địa phương không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế và phải đảm bảo phát triển bền vững. Theo đó, ngành Tài nguyên Môi trường phải giám sát, đôn đốc thực hiện luật môi trường, kịp thời xử lí các vấn đề ô nhiễm và không chấp thuận các dự án nguy cơ ô nhiễm môi trường cao trong thời gian tới.
>>Nghệ An: Nhiều công nhân của doanh nghiệp sản xuất bột đá tử vong, cấp cứu
Qua đó, tỉnh Nghệ An cũng nêu quan điểm rất rõ vấn đề bảo vệ môi trường phải được thể hiện trong các kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội, phải gắn kết hài hòa với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để phát triển. Hoạt động bảo vệ môi trường phải tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, với khoa học công nghệ là công cụ hữu hiệu trong bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, tại các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải phải giữ vững quan điểm bảo vệ và giải quyết cơ bản tình trạng suy thoái môi trường.
Mặt khác phải đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu trong quy hoạch và phát triển đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và quy hoạch và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện phân vùng quản lý môi trường để quản lý phát triển kinh tế - xã hội và triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường theo mục tiêu phát triển bền vững.
Mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An sẽ kiểm soát xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường; giảm về cơ bản các nguồn gây ô nhiễm môi trường; khắc phục, cải tạo môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái. Cùng với đó sẽ tăng cường khả năng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ mức độ gia tăng phát thải khí nhà kính.
Để làm được điều đó, Nghệ An cũng đã hoạch định cho mình những nguyên tắc nghiêm ngặt để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường nhằm tạo đà cho chiến lược “tăng trưởng xanh” trong tương lai.
Cụ thể, đối với dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao công suất trong vùng bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, cam kết đảm bảo không gây tác động xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật đối với vùng bảo vệ phải thực hiện chuyển đổi loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đổi mới công nghệ, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng môi trường theo kết quả quan trắc các thành phần môi trường đạt ngưỡng cho phép.
Có thể bạn quan tâm
Hàng loạt dự án tiền tỷ ở Nghệ An dở dang, lãng phí
00:30, 09/06/2023
Nghệ An sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu buông lỏng quản lý khoáng sản
08:01, 07/06/2023
Tạo tăng trưởng xanh cho du lịch Nghệ An
03:00, 04/06/2023
Nghệ An chuẩn bị gì để “lót ổ” cho “đại bàng” FDI?
18:58, 03/06/2023
Chủ tịch tỉnh Nghệ An “lệnh” sở, ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa
18:09, 02/06/2023