Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho năng lượng tái tạo

YẾN NHUNG 21/06/2024 00:30

Để nâng cao hiệu quả thu hút, hỗ trợ đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, theo chuyên gia, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật mang tính đồng bộ và rõ ràng.

>> Cơ chế mua bán điện trực tiếp: Thúc đẩy triển vọng nhóm năng lượng tái tạo

Thực tế cho thấy, xu hướng chuyển dịch năng lượng tái tạo trên thế giới mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội. Việc thực hiện các mục tiêu về môi trường khiến các nước phát triển phải tăng trưởng chậm lại, thậm chí suy thoái kinh tế - xã hội, tạo cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển

Đồng thời, việc thực hiện các mục tiêu toàn cầu về môi trường buộc các nước phải xích lại gần nhau và hỗ trợ nhau, mở ra cơ hội cho Việt Nam nhận được các nguồn tài trợ và đầu tư từ các tổ chức quốc tế và các quốc gia phát triển.

Thực tế cho thấy, xu hướng chuyển dịch năng lượng tái tạo trên thế giới mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế cho thấy, xu hướng chuyển dịch năng lượng tái tạo trên thế giới mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội - Ảnh minh họa: ITN

Đặc biệt, Việt Nam cũng có thể khai thác những nguồn năng lượng tái tạo sẵn có như điện gió và điện mặt trời do lợi thế về vị trí địa lý để tăng cường sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, việc tuân thủ các cam kết giảm phát thải khí CO2 sẽ thúc đẩy tốc độ chuyển dịch năng lượng tái tạo, nâng cao trình độ công nghệ và tạo ra hàng triệu việc làm mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo không những giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho doanh nghiệp như tiết kiệm chi phí vận hành, giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến động giá nhiên liệu hóa thạch, đảm bảo hoạt động sản xuất không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Cụ thể, quá trình này đòi hỏi đầu tư lớn, có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong ngắn và trung hạn. Việt Nam cần khoảng 134 tỷ USD để đầu tư vào phát triển mạng lưới truyền tải và sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, điều này đòi hỏi phải tăng cường thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư xã hội cả trong và ngoài nước.

Mặt khác, việc thiếu các quy định thống nhất và hướng dẫn chi tiết về khái niệm “năng lượng tái tạo”, thiếu các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn để xác định “công nghệ cao”, “quy mô lớn” trong lĩnh vực năng lượng tái tạo… là những rào cản lớn khiến cho nhà đầu tư và cơ quan có thẩm quyền khó hoàn tất thủ tục được hưởng ưu đãi.

Các cơ chế, quy định cụ thể về hỗ trợ đầu tư, đặc biệt là các hỗ trợ cần thiết của Nhà nước về đơn giản hoá thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, giải quyết vấn đề xã hội có liên quan đến dự án năng lượng tái tạo cũng chưa rõ ràng, nên cũng làm mất đi tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, hạn chế về công nghệ khiến Việt Nam phải hợp tác với đối tác nước ngoài để sản xuất năng lượng tái tạo, tạo ra nguy cơ phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Hay việc thiếu kỹ năng và rào cản gia nhập công nghệ cũng là những trở ngại đáng kể cho việc áp dụng công nghệ nhanh hơn.

Để nâng cao hiệu quả thu hút, hỗ trợ đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, theo chuyên gia, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật mang tính đồng bộ và rõ ràng.

Để nâng cao hiệu quả thu hút, hỗ trợ đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật - Ảnh minh họa: ITN

>> Thế giới vẫn đầy trắc trở với năng lượng tái tạo

Trước thực trạng nêu trên, để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh, ông Stuart Livesey, đồng Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh, Eurocham Việt Nam cho rằng, thị trường năng lượng ở Việt Nam mới đang trong quá trình bắt đầu chuyển đổi, do đó cần nhanh chóng hoàn thiện về các cơ chế, chính sách để thúc đẩy và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo từ phía doanh nghiệp cũng như thu hút các nhà đầu tư trong ngành năng lượng sạch.

Về phía doanh nghiệp, mỗi đơn vị đều có những đặc thù riêng, do đó trước hết cần phải tính toán, xác định được đặc điểm về nguồn, nhu cầu sử dụng năng lượng trong từng công đoạn sản xuất, từng khu vực. Căn cứ vào những dữ liệu đầu vào đó, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng quản lý việc cung cấp và tiêu thụ năng lượng từ các nguồn hiện có một cách tối ưu nhất, rồi từng bước tìm cách thay thế các nguồn năng lượng mới, xanh sạch hơn.

“Vì vậy, việc lựa chọn hướng đi và giải pháp nào phù hợp với thực trạng, với mục tiêu ngắn hạn, dài hạn cũng như định hướng chiến lược phát triển của doanh nghiệp là quan trọng nhất”, ông Stuart Livesey nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách khuyến nghị, thời gian tới Chính phủ cần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Phát triển các tiêu chuẩn và dán nhãn chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng cho một số sản phẩm sử dụng năng lượng được lựa chọn.

Đặc biệt, Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích và cơ chế tài chính phù hợp để thúc đẩy các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Cung cấp các khoản vay ưu đãi, giảm thuế cho các dự án năng lượng sạch và khuyến khích đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Có thể bạn quan tâm

  • Năng lượng tái tạo sẽ chiếm chủ đạo trong các trung tâm dữ liệu

    Năng lượng tái tạo sẽ chiếm chủ đạo trong các trung tâm dữ liệu

    03:30, 11/06/2024

  • Thế giới vẫn đầy trắc trở với năng lượng tái tạo

    Thế giới vẫn đầy trắc trở với năng lượng tái tạo

    04:00, 09/06/2024

  • Cơ chế mua bán điện trực tiếp: Thúc đẩy triển vọng nhóm năng lượng tái tạo

    Cơ chế mua bán điện trực tiếp: Thúc đẩy triển vọng nhóm năng lượng tái tạo

    04:30, 08/06/2024

  • Ninh Thuận đề xuất Ủy ban Châu Âu hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo

    Ninh Thuận đề xuất Ủy ban Châu Âu hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo

    19:19, 29/05/2024

  • Lợi ích và khả năng cạnh tranh của năng lượng tái tạo

    Lợi ích và khả năng cạnh tranh của năng lượng tái tạo

    21:35, 11/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO