Đồng tình với việc cần thiết xây dựng hành lang pháp lý về tiền ảo, tuy nhiên, theo chuyên gia, quá trình tiến hành, cần nghiên cứu một cách tổng thể để nhận diện bản chất của loại tài sản mới này...
>> Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Không nên vì lo ngại rủi ro mà chậm trễ
Theo đó, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng chính sách, hành lang pháp lý cho tài sản số nói chung, tài sản ảo, tiền ảo nói riêng như: EU, Nhật Bản, Mỹ,… và một số nước khu vực châu Á như: Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… xây dựng bộ khung pháp lý để quản lý tiền ảo, tài sản ảo tại Việt Nam được cho là nhiệm vụ cấp thiết.
Thực tế, theo các báo cáo, thống kê gần đây, Việt Nam xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng về lượng người nắm giữ tiền ảo trên thế giới, với hơn 1/4 dân số sở hữu tiền ảo. Đặc biệt, chỉ tính trong tháng 5/2023, Việt Nam nằm trong số 5 nước có khối lượng giao dịch lớn nhất trên sàn Binance, đạt số tiền 20 tỷ USD.
Từ đó có thể thấy, các giao dịch tiền mã hóa diễn ra ở Việt Nam rất mạnh mẽ, nhà đầu tư vẫn thực hiện các giao dịch mua/bán tiền ảo qua tài khoản ngân hàng trên các sàn giao dịch quốc tế. Việc thiếu khung pháp lý về loại tài sản mới này được cho là một thiếu sót, bởi nó không chỉ khiến các cơ quan quản lý gặp khó trong quản lý, mà còn khiến các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền ảo bùng nổ, trong khi Nhà nước thất thu thuế.
Trước thực tế đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, cần có hành lang pháp lý rõ ràng để làm cơ sở quản lý, giải quyết những quan hệ xã hội phát sinh trong thực tế liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo nhằm hạn chế rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân tham gia.
>> Gian nan “chặn” rửa tiền trong giao dịch tiền ảo
Nhìn nhận xoay quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, trong thời đại kinh tế số, nếu chúng ta chậm trễ trong nghiên cứu chính sách, có thể sẽ bị chậm chân.
“Việc chậm chân trong xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo có thể dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý. Các loại tài sản số được đánh giá rất tiềm năng, là xu thế, nếu chúng ta không kịp thời quản lý, cơ hội có thể trôi qua”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, trước hết cần nghiên cứu một cách tổng thể để nhận diện bản chất pháp lý của tiền ảo, tài sản ảo, từ đó có khái niệm về loại tài sản này. Bởi, hoạt động đầu tư tiền ảo khá sôi động nhưng do thiếu khung pháp lý nên chưa thể quản lý thuế trong lĩnh vực này. Vì vậy, những yếu tố này cần được bộ ngành lưu ý khi xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh đối với tiền ảo, tài sản ảo.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhiều giao dịch tiền ảo vẫn được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng, đây là các giao dịch đáng ngờ cần được báo cáo. Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý, nên các giao dịch này là thỏa thuận dân sự, ngân hàng không thể can thiệp. Giám sát, quản lý tiền mã hóa là nhiệm vụ cấp bách giai đoạn hiện nay, mà muốn quản lý được dòng tiền này thì trước hết phải có khung khổ pháp lý.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cũng bày tỏ, cần thiết phải có khung pháp lý để quản lý đối với tiền ảo, tài sản ảo, bởi hoạt động giao dịch, mua bán, đầu tư tiền số đang diễn ra hằng ngày. Khi khung pháp lý cho tiền ảo, tài sản ảo được xây dựng sẽ là cơ sở để quản lý các giao dịch liên quan, bảo đảm các yếu tố về nghĩa vụ thuế, giải quyết các tranh chấp, hạn chế tình trạng lừa đảo. Việc này cũng giúp ngăn chặn rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố qua giao dịch tiền mã hóa.
Được biết, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo đó, Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước… phối hợp nghiên cứu đề xuất xây dựng khung pháp lý, song đến nay việc này vẫn chưa được hoàn thiện.
Mới đây, Chính phủ ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan xây dựng khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, thực hiện trong tháng 5/2025.
Đây là nhiệm vụ thuộc hành động 6 trong tổng số 17 chương trình hành động thực hiện cam kết Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Có thể bạn quan tâm
Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Không nên vì lo ngại rủi ro mà chậm trễ
04:00, 04/03/2024
Gian nan “chặn” rửa tiền trong giao dịch tiền ảo
03:20, 24/09/2023
Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền: Cần bịt “kẽ hở” quản lý… tiền ảo
04:00, 01/11/2022
Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền: Cần bổ sung tài sản ảo, tiền ảo vào luật
04:00, 12/09/2022
“Tiền bẩn” ẩn dưới vỏ bọc tiền ảo
20:14, 09/08/2022