Một lần nữa Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra tầm nhìn chiến lược cho ASEAN trong bối cảnh mới.
Tại hội nghị cấp cao ASEAN đang diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu đề xuất 2 trọng tâm: (1) phòng chống dịch, phục hồi kinh tế, (2) định vị chỗ đứng mới trong tương quan các mối quan hệ kinh tế-chính trị đang tái định hình của thế giới, củng cố vai trò là hạt nhân của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực.
Nhiệm vụ thứ nhất đã là vấn đề mang tính toàn cầu nóng bỏng nhất hiện nay. Phòng chống dịch bệnh COVID-19 có thể xem là nhiệm vụ riêng biệt của mỗi quốc gia, nhưng phục hồi kinh tế - nhất thiết phải gắn với các mối quan hệ đã xây dựng.
Việt Nam không thể hồi phục kinh tế nếu ASEAN chìm trong biển dịch và ngược lại, ASEAN khó đạt được chỉ tiêu chung nếu thiếu vai trò của Hà Nội. “Vị thế Việt Nam” tại Đông Nam Á là thuật ngữ ngày một được thừa nhận rộng rãi.
Trong suốt 25 năm qua, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến và đã được hiện thực hóa, trong đó phải kể đến Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng mở rộng (ADMM+) hay thành lập Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN. Năm 2010 đảm nhiệm vị trí Chủ tịch, Việt Nam tạo được đồng thuận về quyết định mở rộng Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) cho Nga và Mỹ tham gia...
Tại ASEAN, Việt Nam còn là hấp lực thu hút sự quan tâm trong các chương trình nghị sự lớn. Liên minh châu Âu (EU) chọn Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do; Mỹ nhanh chóng xác lập quan hệ thương mại gần gũi với chúng ta.
Với những gì diễn ra gần đây ở châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam chính thức trở thành “hạt nhân” có ảnh hưởng sâu sắc đến cục diện đang tái cấu trúc giữa các cường quốc. Nói cách khác, cả Mỹ và Trung Quốc đều cần đến vai trò Việt Nam.
Nhiệm vụ thứ hai mà Thủ tướng Việt Nam nêu ra có liên quan mật thiết đến việc định hình khối ASEAN trong bối cảnh mới, tức là giờ đây các nước trong khu vực (có khả năng) đứng trước nhiều hơn 1 sự lựa chọn.
Bên cạnh mối quan hệ hợp tác - cạnh tranh song trùng truyền thống với Bắc Kinh, thời gian gần đây Washington và đồng minh không ngừng tăng cường hiện diện ở khu vực với những chương trình hợp tác, trao đổi khá toàn diện, có rất nhiều điểm đánh trúng tâm lý các nước nhỏ, yếu ở ASEAN.
Ví dụ, Mỹ hơn 1 lần trực diện phát thông điệp bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Nhìn ở góc độ “tâm lý học” rõ ràng rất nhiều quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với gã khổng lồ Trung Quốc cảm thấy “được tiếp thêm động lực”.
Dĩ nhiên, ASEAN đủ kinh nghiệm để xử trí trường hợp nhạy cảm này. Song, điều đó lại đặt khối này vào tình thế phải chọn lựa, vì nhiệm vụ tương đồng - giành và giữ chủ quyền quốc gia.
Trên mặt trận kinh tế, đầu tư, vốn Trung Quốc phủ rất dày tại các nước ASEAN, không ít trường hợp vỡ mộng từ các thất bại trầm trọng về xây dựng hạ tầng, kỹ thuật. Liệu có thể trông cậy vào ai ngoài Bắc Kinh?
Sáng kiến “xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) của Mỹ và EU và G7, G20 trị giá hàng nghìn tỷ USD. Ở giác độ “địa chính trị” B3W là đối trọng của BRI. Thực tế này tiếp tục đặt ASEAN vào tình thế phải lựa chọn. Bởi vì, chính sách dung hòa các giá trị đối lập Mỹ - Trung ngày càng khó khăn.
Việc chọn lựa chính sách như thế nào sẽ dẫn đến kết quả “định vị chỗ đứng mới trong tương quan các mối quan hệ kinh tế-chính trị đang tái định hình của thế giới” như vấn đề mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra.
Trong quá khứ, hai nước Đông Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và các hòn đảo gần Trung Quốc đã quyết định đoạn tuyệt với “văn hóa Nho giáo” để hướng Tây. Đây là lựa chọn mang tính lịch sử, ngày nay họ đều là các nước thịnh vượng gắn chặt Mỹ.
Cố nhiên, bối cảnh hiện nay đã khác, nhưng ASEAN lại đứng trước cơ hội rất lớn để khẳng định tính đúng đắn của đường lối hòa bình, tự chủ. Tự chủ tức là không phụ thuộc, hòa bình tức là không xung đột.
Không ai có thể đem lại các giá trị mà ASEAN khao khát ngoại trừ chính các thành viên trong khối. Vì vậy, đứng về bên nào cũng không khả dĩ bằng đứng trên đôi chân của chính mình.
Có thể bạn quan tâm
Ảnh hưởng của Trung Quốc đến kinh tế ASEAN và Việt Nam
05:00, 09/07/2020
Định vị Việt Nam trong chuỗi giá trị ASEAN và toàn cầu
06:30, 25/08/2018
HỘI NGHỊ CẤP CAO ASEAN LẦN THỨ 38-39: Ưu tiên ứng phó với COVID-19 và phục hồi kinh tế
15:09, 26/10/2021
HỘI NGHỊ CẤP CAO ASEAN LẦN THỨ 38-39: Việt Nam đề xuất hai trọng tâm
15:00, 26/10/2021