Thời gian gần đây, tại Quảng Ninh nhiều người trở thành nạn nhân của các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn được cho là “cũ rích”.
Nhẹ dạ “tin tây” là “sập bẫy”
Một thủ đoạn lừa đã nhiều lần được cơ quan chức năng cảnh báo, tuy nhiên vẫn có người “sập bẫy”. Ngày 20/11/2018, chị Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1992, hiện đang làm nghề cắt tóc tại phường Bãi Cháy gửi đơn trình báo đến Công an TP Hạ Long về việc bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 137.500.000 đồng qua mạng xã hội facebook.
Chị Hạnh cho biết, đầu tháng 10/2018 có một nam giới sử dụng mạng xã hội Facebook tên Nancy Eluis kết bạn với chị. Người này giới thiệu là nhân viên quân đội Hoa Kỳ, 57 tuổi, vợ mới mất, hiện làm nhiệm vụ trong một đơn vị tình báo đóng quân tại Afghanistan.
Liên lạc, nhắn tin được một thời gian, người này nói sẽ gửi quà cho chị Hạnh và tiền trị giá 933 nghìn USD và nói sẽ về Việt Nam với chị Hạnh. Sau đó có một nữ giới tự xưng là nhân viên công ty hàng không gọi điện cho chị Hạnh thông báo có gói quà gửi cho chị từ nước ngoài về.
Người này cho biết, muốn nhận quà thì phải nộp 37.500.000 đồng gồm các khoản phí bảo hiểm gói quà, tiền phạt vì lượng tiền trong gói quà quá lớn. Được người bạn trên facebook động viên, nộp tiền nhận quà, sau đó lấy số tiền trong gói quà để bù lại nên trong ngày 26/10, chị Hạnh đã chuyển 2 lần với tổng số tiền 137.500.000 đồng vào tài khoản ngân hàng mở tại TP. HCM mang tên Lê Thị L.
Sau khi đã gửi tiền, đợi mãi không nhận được quà, liên lạc lại người phụ nữ bên hải quan không được, nghi ngờ bị lừa đảo, chị Hạnh đã trình báo cơ quan Công an.
Có thể bạn quan tâm
06:03, 26/12/2018
06:02, 23/12/2018
16:51, 21/12/2018
Cũng bị một đối tượng sử dụng tài khoản facebook để lừa đảo với hình thức tương tự và nạn nhân chỉ dừng lại khi được người khác cảnh báo về thủ đoạn trên. Tuy nhiên, số tiền bị lừa lại rất lớn, 440 triệu đồng.
Theo đơn trình báo của chị Đặng Thị Dung, trú tại TP Móng Cái, ngày 23/11/2018 có một tài khoản facebook tên Reeder Clinton Anderson chủ động kết bạn và giới thiệu tên là Reeder đến từ Chicago, Mỹ. Người này cho biết hiện đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Kabul, Afghanistan, có 1 con gái 4 tuổi, vợ đã mất trong một tai nạn cách đây 3 năm.
Lấy lý do thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm, có thể mất mạng bất cứ lúc nào và ngỏ ý tin tưởng, nhờ chị Dung giữ hộ số tài sản tiết kiệm là 1,3 triệu USD kèm theo một lá thư để gửi đến Đại sứ quán Việt Nam. Người này đã xin địa chỉ và chứng minh nhân dân, số điện thoại của chị Dung để thuận tiện cho việc chuyển hàng, đồng thời nói khi nhận hàng thì làm theo yêu cầu của bên hải quan để nhận hàng được thuận lợi.
Tin tưởng và hy vọng sẽ được hưởng lợi ‘hậu hĩnh’ từ người bạn trên facebook này nên chị Dung đã 3 lần chuyển tổng số 440 triệu đồng vào các tài khoản ngân hàng khác nhau tại chi nhánh TP Hồ Chí Minh theo yêu cầu của người xưng là nhân viên hải quan.
Lời cảnh báo
Không chỉ là những chiêu đã cũ, hiện nay các đối tượng lừa đảo cũng khá tinh vi, họ thường xuyên theo dõi và nắm bắt được nhu cầu, công việc của mỗi người và từ đó chủ động tiếp cận để đánh vào tâm lý cần và vội của người đó.
Vụ việc anh Nguyễn Đức Ninh, Uông Bí là một ví dụ. Do nắm bắt được anh Ninh đang muốn mở cửa hàng internet, ngày 21/10/2018, một địa chỉ facebook có tên “Con Duong Ve” chủ động liên lạc với anh Ninh qua điện thoại di động với lời mời cũng như hứa hẹn cung ứng được đẩy đủ các thiết bị cho quán Internet của anh Ninh với giá cả phù hợp nhất.
Sau khi nghiên cứu, nhiều lần trao đổi, anh Ninh đã tin tưởng và thống nhất hình thức thanh toán, trong các ngày từ 22/10 đến ngày 1/11 anh Ninh đã chuyển số tiền 310.640.000đ vào tài khoản Nguyễn Thị L mở tại ngân hàng tại chi nhánh Bắc Giang.
Lần cuối chuyển tiền, anh Ninh có chủ động gọi điện lại hỏi xem khi nào thì nhận được hàng thì “Con Duong Ve” trả lời rất chung chung và nói rằng một số linh kiện chưa đầy đủ nên phải đợi. Đến ngày 2/11, anh Ninh gọi lại thì đối tượng đã tắt máy, đồng thời địa chỉ facebook trên xóa mọi thông tin cá nhân, đổi thành Trung Quan và chặn liên lạc với anh Ninh. Đến lúc này, anh Ninh mới nhận thức được rằng mình đã bị “sập bẫy” lừa đảo thì đã quá muộn.
“Do tôi đang muốn mua số lượng lớn máy tính để mở quán internet, vì thấy phía họ rao giá hợp lý nên tôi đã vội vàng chuyển tiền cho họ. Thật sự thì tôi đã quá vội vàng và cả tin nên mới bị lừa”, anh Ninh xót xa nói.
Những vụ việc trên cho thấy, để tạo dựng niềm tin, các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng một số đặc điểm tâm lý của người bị hại như: Sự chi phối, ràng buộc của tình cảm, lòng tham, sự thiếu từng trải..
Công an Quảng Ninh cảnh báo, mỗi người cần phải tự tìm hiểu, nâng cao tinh thần cảnh giác trước mọi lời "dụ dỗ" của người lạ, đặc biệt là "bạn chat tây" để tự phòng vệ cho bản thân. Bởi không chỉ tài sản, không ít những vụ tội phạm tiếp cận rồi dẫn dụ, lôi kéo nạn nhân để thực hiện hành vi nguy hiểm hơn là cưỡng hiếp và buôn bán người, đặc biệt vào những dịp cuối năm như thế này.