Với lợi thế và sự chuẩn bị "đi trước đón đầu" về hạ tầng khu công nghiệp, giao thông, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất,… tỉnh Hưng Yên đang là điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
>>> Dòng vốn FDI tiếp tục đổ về Hưng Yên
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên - Trịnh Văn Diễn trả lời phỏng vấn Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Thưa ông, “Gia nhập thị trường” và “Cạnh tranh bình đẳng” là những chỉ số thành phần quan trọng trong Bộ chỉ số PCI. Ông đánh giá thế nào về những chỉ số này của tỉnh Hưng Yên những năm qua? Sở đang thực hiện giải pháp nào nhằm cải thiện điểm số, thứ hạng trong thời gian tới?
Thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao về thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao là đầu mối chủ trì, theo dõi việc cải thiện hai chỉ số “Gia nhập thị trường” và “Cạnh tranh bình đẳng”.
Đối với chỉ số “Gia nhập thị trường”, năm 2022, tỉnh Hưng Yên đạt 6,49 điểm, xếp thứ 57/63 tỉnh thành. Chỉ số này bị chi phối bởi các hoạt động của Trung tâm phục vụ Hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan Thuế; Sở Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố,…
Theo số liệu từ hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thời gian trung bình đăng ký thành lập doanh nghiệp và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại tỉnh không quá 02 ngày làm việc; 73% số lượng hồ sơ được đăng ký qua hình thức trực tuyến qua Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Kết quả trên cho thấy, gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” vẫn là vấn đề lớn khi còn nhiều doanh nghiệp ngoài thủ tục đăng ký thành lập thì còn gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục cần thiết khác, như: giấy phép phòng cháy chữa cháy, các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện ngành nghề kinh doanh, phù hợp quy chuẩn kỹ thuật và các loại giấy phép khác.
Để đạt mục tiêu cải thiện điểm số của chỉ số “Gia nhập thị trường” năm 2023 đạt trên 7,0 điểm, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp bao gồm: chủ động phối hợp với các sở, ngành nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, trực tiếp lắng nghe, sớm giải quyết khó khăn, vướng mắc khi có phản ánh. Đồng thời, cắt giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp xuống còn 2 ngày làm việc; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4...
Tuy nhiên, thực tế việc cải thiện chỉ số “Gia nhập thị trường” có thành công hay không còn phụ thuộc vào vấn đề hậu kiểm, doanh nghiệp triển khai các hoạt động kinh doanh sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong số 19 chỉ tiêu cấu thành của Chỉ số “Gia nhập thị trường”, có nhiều tiêu chí liên quan đến các sở, ban, ngành, địa phương trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đơn vị là yếu tố hàng đầu quyết định việc cải thiện chỉ số này.
Đối với chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng”, năm 2022, tỉnh Hưng Yên đạt 6,69 điểm, xếp hạng 12 toàn quốc. Theo kết quả PCI, một số chỉ tiêu được đánh giá có sự cải thiện như: Việc tỉnh ưu ái cho doanh nghiệp lớn gây khó khăn cho các doanh nghiệp; Tỉnh ưu tiên giải quyết các khó khăn cho các doanh nghiệp lớn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn hơn là phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Điều đó cho thấy, chính quyền tỉnh đã có sự quan tâm khá đồng đều, không có sự thiên vị giữa các thành phần kinh tế. Đây là điều các doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ rất kỳ vọng. Khi có sự quan tâm công bằng thì các doanh nghiệp mới có thể tiếp cận, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ một cách bình đẳng.
Trong những nội dung liên quan đến cạnh tranh bình đẳng, thì tiếp cận các nguồn lực luôn là nhu cầu gắt gao của doanh nghiệp. Thực tế thời gian qua một số vấn đề “nóng” như: Tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính… đã được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, góp phần giúp doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn những bất cập, chủ yếu ở cấp sở, ngành, cấp huyện. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai...) chưa có sự tiếp cận công bằng. Việc giảm điểm là điều đáng buồn nhưng quan trọng hơn là sự thay đổi tư duy đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.
>> Hưng Yên: Mời gọi nhà đầu tư cho các dự án đô thị hàng nghìn tỷ đồng
>> Đảm bảo quỹ đất cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội
Để đạt mục tiêu Kế hoạch của UBND tỉnh cải thiện điểm số của chỉ số Cạnh tranh bình đẳng năm 2023, cần đẩy mạnh công tác công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất của các huyện, thị xã, thành phố để các doanh nghiệp dễ dàng khai thác, nghiên cứu; thường xuyên rà soát, kiểm tra tình hình giải quyết thủ tục hành chính, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi hạch sách, nhũng nhiễu; tăng cường tính công khai, minh bạch hoạt động đấu thầu tại các sở, ngành, quận, huyện; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trong đấu thầu theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm tính cạnh tranh công bằng, minh bạch; đẩy mạnh xây dựng chương trình chuyển đổi số nhằm phát triển chính quyền số.
- Được biết, tỉnh Hưng Yên đang đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Sở KHĐT đã đẩy mạnh hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư như thế nào để Hưng Yên thực sự là điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp?
Hiện nay, Hưng Yên đang trở thành một trong những tỉnh thu hút đầu tư thuộc Top đầu của cả nước. Số lượng doanh nghiệp FDI và DDI đăng ký đầu tư tại tỉnh Hưng Yên liên tục tăng cao nhờ những chính sách ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp, môi trường kinh doanh cởi mở, thân thiện và khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị tỉnh Hưng Yên.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho tỉnh trong thời gian tới, Sở KHĐT sẽ đẩy mạnh một trong những hoạt động sau:
Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan ngoại giao, cơ quan xúc tiến đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam và các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài, VCCI... để thiết lập quan hệ hợp tác hỗ trợ cho tỉnh trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài và giới thiệu các dự án đầu tư vào Hưng Yên;
Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư theo hướng tăng cường quan hệ, tiếp xúc, vận động đầu tư có trọng điểm, xác định các quốc gia vùng lãnh thổ có tiềm lực, thế mạnh;
Thứ ba, tích cực tuyên truyền vận động, giới thiệu các dự án đầu tư trọng điểm, các dự án lớn; cung cấp thông tin chi tiết đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; nắm sát tiến độ triển khai của các dự án và tạo điều kiện thủ tục để thúc đẩy đầu tư;
Thứ tư, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, cơ hội, thế mạnh của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng;
Thứ năm, tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đầu tư tạo môi trường thuận lợi và thủ tục nhanh gọn giúp các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án đầu tư;
Thứ sáu, hằng năm tham mưu hỗ trợ UBND tỉnh tổ chức Hội nghị lãnh đạo tỉnh gặp mặt doanh nghiệp và đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình đầu tư, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh.
Thứ bảy, tăng cường thúc đẩy hoạt động hỗ trợ giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.
- Ông hãy chia sẻ những kết quả đã đạt được trong công tác cải cách TTHC của Sở thời gian vừa qua để giúp các doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí đầu tư?
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã luôn coi cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Trong thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện chuẩn hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước, gồm 160 thủ tục. Đồng thời, công khai TTHC, quy trình nội bộ giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, trang thông tin điện tử của Sở … tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng.
Cùng với đó, Sở thực hiện rà soát, đề xuất cắt giảm thời gian giải quyết TTHC, đã rút ngắn 50% thời gian giải quyết TTHC trong lĩnh vực đầu tư, bao gồm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Sản vật nổi tiếng khiến nhiều người “thương nhớ” khi đến Hưng Yên
06:35, 12/06/2023
Hưng Yên: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai
11:34, 10/06/2023
PCI Hưng Yên - Bứt phá từ yếu tố con người
15:10, 06/06/2023
Huyện Yên Mỹ (Hưng Yên): Khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế
18:57, 05/06/2023
Huyện Kim Động (Hưng Yên): Thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội
16:54, 05/06/2023
Thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên): Xây dựng đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số
16:48, 05/06/2023