Kinh tế địa phương

Huy động mọi nguồn lực phát triển Bến Tre về hướng Đông

Thùy Linh thực hiện 21/09/2024 15:18

Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng đối với định hướng phát triển, tạo ra sự đột phá của địa phương.

CT ben tre
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre.

Chia sẻ với DĐDN, ông Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng đối với định hướng phát triển, tạo ra sự đột phá của địa phương trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Đặc biệt, việc tổ chức hợp lý, hiệu quả không gian phát triển mới khu vực ven biển là định hướng và tầm nhìn xuyên suốt của quy hoạch để xây dựng phía Đông trở thành khu kinh tế biển phát triển năng động, khu vực động lực phát triển mới của tỉnh.

- Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh giải pháp xoay trục phát triển hướng biển, với mục tiêu đưa Bến Tre trở thành tỉnh khá vào năm 2030 và là nơi đáng sống vào năm 2050. Ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?

Ngày 17/11/2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1399 về việc Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phát triển về hướng Đông là định hướng và tầm nhìn xuyên suốt của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; sắp xếp dân cư và lấn biển tạo quỹ đất sạch để mở rộng không gian phát triển mới. Tập trung phát triển hạ tầng giao thông trục ven biển; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, cảng biển, logistics, công nghiệp chế biến - chế tạo; phát triển các khu đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp, nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng khu vực phía Đông của tỉnh trở thành khu kinh tế biển phát triển năng động và là khu vực động lực mới của tỉnh.

cover.jpg
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre khảo sát Khu tái định cư phục vụ Khu công nghiệp Phú Thuận.

Tỉnh cũng phát huy tối đa các tiềm năng khác biệt, nổi trội và lợi thế địa kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Không gian phát triển của tỉnh được tổ chức hợp lý, gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại. Tập trung phát triển nhanh một số địa bàn có điều kiện thuận lợi, làm động lực phát triển chung toàn tỉnh, hỗ trợ các địa bàn khó khăn; phát triển hợp lý giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Năm 2023, tăng trưởng GRDP của tỉnh Bến Tre đạt 5,16%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 4,96%.

Trong các khu chức năng, Bến Tre định hướng phát triển 50.000 ha về hướng biển, bao gồm cả lấn biển (diện tích phát triển thêm gần bằng 1/4 diện tích của tỉnh hiện nay). Khu vực này sẽ tập trung phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống sạt lở bờ biển và thích ứng với biến đổi khí hậu.

ben tre PCI
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam nhận Cúp PCI 2023

Đồng thời, khơi dậy khát vọng phát triển và phát huy các giá trị văn hóa, con người để phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Tầm nhìn đến năm 2050, Bến Tre là tỉnh phát triển thịnh vượng với đô thị hiện đại, thông minh, có môi trường sống xanh, sạch cho người dân. Phát triển kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường theo hướng chủ đạo là thông minh, sáng tạo, xanh, sạch, các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng ĐBSCL và cả nước.

- Hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh, qua đó góp phần hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vấn đề này được Bến Tre triển khai ra sao, thưa ông?

Với vị trí tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chỉ cách TP. Hồ Chí Minh 86km, tỉnh Bến Tre có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy với 4 sông chính hướng ra biển Đông gắn kết Bến Tre với các tỉnh vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, rất thuận lợi cho phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

dien gio thanh phong
Dự án điện gió Thanh Phong, tỉnh Bến Tre.

Đặc biệt, kể từ khi được Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng các cầu: Rạch Miễu (năm 2009), Hàm Luông (năm 2010) và Cổ Chiên (năm 2015) đã phá thế cô lập về giao thông đường bộ giúp tiềm năng kinh tế - xã hội của Bến Tre được phát triển mạnh mẽ.

Hiện nay, tỉnh Bến Tre đang phối hợp tích cực với Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre. Triển khai đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm khu vực biển qua tuyến quốc lộ (QL) 57, 57B, 57C. Thực hiện đầu tư mở rộng QL.57 đoạn từ Mỏ Cày Nam đến Khâu Băng, huyện Thạnh Phú; trục giao thông từ QL.60 đi KCN Phú Thuận; đường kết nối Bình Đại - Giồng Trôm - Mỏ Cày Nam; đường giao thông kết hợp đê ngăn mặn Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú và Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú…

Cùng với việc chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục có liên quan để khởi công một số hạng mục trên tuyến đường bộ ven biển, Bến Tre tiếp tục phối hợp với tỉnh Tiền Giang để triển khai đầu tư tuyến động lực ven biển, nhất là xác định vị trí đấu nối, giải phóng mặt bằng… để sớm triển khai đầu tư xây dựng cầu vượt sông Tiền; phối hợp với tỉnh Trà Vinh để xác định vị trí đấu nối tuyến động lực ven biển, đề xuất Trung ương ưu tiên bổ sung nguồn vốn để sớm đầu tư đoạn tuyến này. Tỉnh Bến Tre cũng phối hợp với tỉnh Vĩnh Long kiến nghị với Trung ương về việc đầu tư dự án xây dựng cầu Đình Khao nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre theo phương thức PPP. Tỉnh cũng tích cực và chủ động tham gia các hoạt động liên kết vùng với vai trò là thành viên Hội đồng điều phối vùng, góp phần cùng với các địa phương phát triển vùng đất “chín rồng” thành khu vực năng động và thịnh vượng”.

- Một trong những giải phát trọng tâm đặt ra trong triển khai thực hiện Quy hoạch, đó là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Ông có thể cho biết, đâu là điểm đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh?

Bến Tre luôn xác định doanh nghiệp là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, thời gian qua, cùng với thực hiện kịp thời những cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, UBND tỉnh Bến Tre đã tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến Bến Tre hoạt động, sản xuất và kinh doanh. Tỉnh cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, gắn kết cộng đồng doanh nghiệp; đẩy mạnh hiệu quả mô hình “Cà phê doanh nghiệp”, họp mặt doanh nghiệp, đối thoại doanh nghiệp định kỳ, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí không chính thức… cho doanh nghiệp.

Bến Tre luôn quan tâm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng gắn với kiến tạo môi trường khởi nghiệp thực chất, thông qua việc triển khai có hiệu quả Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, nhằm tạo bứt phá, đẩy mạnh việc vận động chuyển đổi các cơ sở sản xuất nhỏ lên doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa, tìm kiếm mở rộng thị trường.

Với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, Bến Tre đã tạo được môi trường đầu tư thông thoáng, với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong nhiều năm liền. Năm 2023, Bến Tre đứng thứ 7 trong Bảng xếp hạng chỉ số PCI, tăng 6 bậc so với chỉ số PCI năm 2022 và đứng thứ 3 ở ĐBSCL.

Bến Tre hiện có 6.171 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 73.692 tỷ đồng. Toàn tỉnh có có 330 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 68 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 1.659,1 triệu USD và 262 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 59.587,88 tỷ đồng.

Bến Tre sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư; Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng…

- Bến Tre sẽ ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực nào, thưa ông?

Với quyết tâm chính trị cao, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển về hướng Đông, Bến Tre tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ giải pháp và các chương trình, dự án đầu tư cần huy động nguồn lực để phát triển Bến Tre về hướng Đông. Dự kiến Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre sẽ được tổ chức vào tháng 10/2024.

Tỉnh Bến Tre tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các công trình, dự án tạo đột phá một số ngành kinh tế biển như: năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển du lịch biển; phát triển công nghiệp, đô thị ven biển; phát triển thương mại dịch vụ. Tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng thiết yếu tạo động lực thu hút doanh nghiệp vận tải như: hạ tầng bến cảng, bến thủy nội địa, bến bãi, kho hàng tập trung gần các KCN, khu vực sản xuất tập trung. Tăng cường hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư các dự án phát triển KCN, CCN, khu đô thị, khu lấn biển...

Tỉnh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Bến Tre cũng tập trung phát triển điện gió, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, năng lượng mới (Hydrogen). Chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật điện để truyền tải, đấu nối các dự án điện gió khi hòa lưới điện quốc gia…

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Huy động mọi nguồn lực phát triển Bến Tre về hướng Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO