Trong báo cáo được công bố mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP của Nhật Bản có thể sụt giảm hơn 25% trong vòng 30 năm tới do những ảnh hưởng từ sự già hóa dân số.
Kinh tế Nhật đã tăng trưởng âm 0,2% trong quý I/2018 so với cùng kỳ năm trước, chấm dứt chuỗi tăng trưởng 8 quý liên tiếp trước đó. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đã chững lại kể từ năm 1989 đến nay.
Có thể bạn quan tâm
04:16, 14/11/2018
07:36, 05/11/2018
04:09, 29/10/2018
01:32, 24/10/2018
04:30, 24/10/2018
Nếu tính từ năm 2010 đến nay, Nhật Bản đã mất đi 1,3 triệu người do quá trình già hóa dân số. Liên Hợp Quốc dự báo đến năm 2065 dân số Nhật Bản sẽ còn giảm thêm 28 triệu người, tương đương mức suy giảm 22%. Ngược lại, dân số của các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ tăng 3% trong cùng kỳ.
Không chỉ suy giảm lực lượng lao động, chất lượng nguồn nhân lực của Nhật cũng giảm do già hóa dân số. Kể từ năm 2000, trong khi dân số thuộc độ tuổi lao động tại Mỹ tăng 13% thì Nhật Bản lại giảm với tỷ lệ tương tự. Tính đến năm 2040, hơn 1/3 số người Nhật sẽ hơn 65 tuổi, mức cao nhất trên thế giới.
Việc suy giảm dân số không chỉ ảnh hưởng đến lực lượng lao động mà còn tác động đến thị trường tiêu dùng trong nước do người già chi tiêu tiết kiệm hơn lớp trẻ. Năm 2016, số học sinh Nhật giảm 18% và số nhà trẻ giảm 2.300 cơ sở so với 7 năm trước đây. Cùng thời gian đó, khoảng 2.000 trường trung học đã phải đóng cửa.
Khi nhu cầu tiêu dùng của người dân Nhật Bản giảm, thì công việc kinh doanh của các doanh nghiệp cũng không còn suôn sẻ. Theo IMF, trong giai đoạn 2013-2016, số doanh nghiệp của Nhật đã giảm khoảng 31%.
Đồng quan điểm trên, nghiên cứu của tờ Financial Times cũng cho thấy dân số Nhật Bản giảm hơn 11% trong giai đoạn 2000-2018. Trong khi đó, dân số Mỹ tăng 16%, dân số Anh tăng 13%, dân số của Canada tăng 21% trong cùng thời kỳ.