Kế hoạch cổ phần hóa năm 2018 tiếp tục "lỡ nhịp"

Mai Hằng 20/11/2018 07:00

Tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, đến nay, về cơ bản, cơ chế chính sách đã hoàn thiện, đủ điều kiện cho các doanh nghiệp tiến hành đổi mới, sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn.

Tiến độ triển khai cổ phần hóa trong 09 tháng đầu năm 2018 còn chậm

Tiến độ triển khai cổ phần hóa trong 09 tháng đầu năm 2018 còn chậm

Thực hiện Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020” theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay mới có 35/583 doanh nghiệp nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.

Theo ông Tiến, về kế hoạch cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì đến nay đã cổ phần hóa 26/127 doanh nghiệp.Trên thực tế, năm 2016 cả nước cổ phần hóa được 66 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 27.328 tỷ đồng; năm 2017 đã cổ phần hóa 69 doanh nghiệp, với tổng giá trị doanh nghiệp là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng; trong 11 tháng đầu năm 2018 đã cổ phần hóa 11 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 29.634 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.329 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • 2018 là năm cao trào về CPH, thoái vốn nhà nước

    2018 là năm cao trào về CPH, thoái vốn nhà nước

    22:49, 27/02/2018

  • Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước:

    Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: "Doanh nghiệp luyến tiếc, bộ ngành chưa quyết liệt"

    15:30, 19/09/2018

  • Tăng tốc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

    Tăng tốc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

    11:05, 18/08/2018

  • Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Nên bán vốn khôn ngoan và có chiến lược

    Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Nên bán vốn khôn ngoan và có chiến lược

    14:00, 24/07/2018

  • Thực hiện giám sát tối cao về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

    Thực hiện giám sát tối cao về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

    06:30, 28/05/2018

  • Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Cần tư duy theo hướng thị trường

    Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Cần tư duy theo hướng thị trường

    07:11, 04/11/2017

Về kế hoạch và tình hình thực hiện thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái 406 danh mục, khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 11/2018, cả nước đã thoái được 17.826 tỷ đồng, thu về 155.735 tỷ đồng.

Trong hoạt động bán cổ phần lần đầu và thoái vốn qua Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) từ năm 2016 đến tháng 8/2018, SGDCK đã thực hiện bán đấu giá cổ phần và thoái vốn cho 225 doanh nghiệp với tổng số cổ phần chào bán là 5.781 triệu cổ phần, tổng số cổ phần bán được là 3.259 triệu cổ phần, tỷ lệ thành công là 56%, với tổng giá trị thực tế bán được là 178.200 tỷ đồng. Thặng dư thu được từ bán đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn của 225 doanh nghiệp trên SGDCK là 145.574 tỷ đồng với tỷ lệ là 447% giá trị thặng dư so với giá trị cổ phần theo mệnh giá…

Đánh giá về công tác cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, còn tồn tại một số hạn chế. Điển hình như việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp còn chưa đầy đủ, nghiêm túc.

Ngoài ra, theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp (trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017). Tuy nhiên, đến ngày 10/9/2018 mới cổ phần hóa được 11 doanh nghiệp (trong đó chỉ có 02 doanh nghiệp thuộc danh sách theo công văn số 991/TTg-ĐMDN). Tiến độ triển khai cổ phần hóa trong 09 tháng đầu năm 2018 còn chậm, có khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt, Hà Nội và TP HCM đến nay chưa triển khai được đơn vị nào, mặc dù theo theo kế hoạch TP HCM phải thực hiện cổ phần hóa 39 doanh nghiệp, chiếm 44% tổng số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa năm 2018 và TP Hà Nội phải thực hiện cổ phần hóa 14 doanh nghiệp (kế hoạch năm 2018 là 11 doanh nghiệp và 03 doanh nghiệp thuộc kế hoạch năm 2017 chuyển sang), chiếm 16% tổng số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa năm 2018.

Tương tự, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 thì năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên lũy kế đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch (năm 2017 có 13 đơn vị; 09 tháng đầu năm 2018 có 18 đơn vị). Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra.

Các đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch thoái vốn năm 2017 với số lượng doanh nghiệp và giá trị lớn như: Bộ Công Thương phải thoái vốn tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam với tổng giá trị thoái khoảng 7.000 tỷ đồng; Bộ Y tế phải thoái vốn tại Tổng công ty Dược Việt Nam với giá trị phải thoái trong năm 2017 là khoảng 829 tỷ đồng; Bộ Xây dựng phải thoái vốn tại 08 doanh nghiệp với tổng giá trị phải thoái trong năm 2017 là khoảng 2.400 tỷ đồng.

Theo ông Tiến, để tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần thực hiện đồng bộ 12 nhóm giải pháp. Trong đó, kiên quyết xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước rất quan trọng. Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trách nhiệm trong việc tổ chức, hoàn thành kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm. Bổ sung danh mục thanh tra đối với các doanh nghiệp chậm quyết toán tại thời điểm chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần.

Các đơn vị cũng cần chú trọng tới hoạt động định kỳ công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện” - ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh. 

Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước sẽ được tổ chức áng ngày 21/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Lê Hồng Phong. Đây là dịp để Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty đánh giá việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII và Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020” theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó có các giải pháp thúc đẩy các Bộ ngành, địa phương đẩy nhanh, quyết liệt và hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, thực hiện tốt việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kế hoạch cổ phần hóa năm 2018 tiếp tục "lỡ nhịp"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO