Việc ký kết thỏa thuận “Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông” với 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, TP Hải Phòng sẽ tạo nên bước đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cho Hưng Yên.
>>>Kết nối trục cao tốc phía Đông: Không gian và tầm nhìn mới về phát triển kinh tế
Vừa qua 28/7/2022 tại Quảng Ninh, dưới sự chủ trì của VCCI, Chủ tịch UBND 4 tỉnh, thành phố gồm: ông Nguyễn Văn Tùng (TP Hải Phòng), ông Nguyễn Tường Văn (Quảng Ninh), ông Triệu Thế Hùng (Hải Dương), ông Trần Quốc Văn (Hưng Yên) và ông Phạm Tấn Công (Chủ tịch VCCI) đã ký kết Thoả thuận “Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông”. Tham dự diễn đàn và chứng kiến lễ ký kết có Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy 4 địa phương, lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và gần 300 đại biểu là đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế, lãnh đạo các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp APEC.
Sáng kiến “Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông” hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo không gian phát triển mới, phát huy tối đa lợi thế của các địa phương, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cao và có cộng đồng DN phát triển mạnh, tạo ra cực tăng trưởng trong vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên - Nguyễn Hữu Nghĩa, việc liên kết này rất quan trọng, có lợi cho cả 4 địa phương, trong đó có tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, ngoài việc kết nối giao thông bằng đường bộ, các tỉnh hoàn toàn có thể liên kết phát triển bằng đường thủy, đường sắt, dựa trên thế mạnh của mỗi địa phương. Đó không đơn thuần là logistics, là giao thông dịch vụ, mà là kết nối về hạ tầng giao thông. Khi đã có cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, việc phát triển hệ thống giao thông hình “xương cá” sẽ tạo không gian phát triển đồng bộ, kết nối với hệ thống đường trục trong hành lang kinh tế 4 tỉnh.
Ông Nghĩa cho rằng, việc ký kết thỏa thuận này là một sân chơi mà các bên tham gia đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau một cách công khai, minh bạch. Công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, quy hoạch và chiến lược phát triển. Khi các bên trao đổi chính sách thu hút đầu tư với nhau sẽ tạo nên tiếng vang lớn đối với các DN; từ đó, mỗi địa phương sẽ tự soi lại về công tác quy hoạch, chiến lược phát triển của mình để phù hợp với quy hoạch vùng, tránh xung đột lẫn nhau và bổ trợ nhau cùng phát triển.
Với xuất phát điểm là một tỉnh thuần nông, thu ngân sách chỉ đạt dưới 100 tỷ năm 1997 (sau khi tách tỉnh Hải Hưng), tỉnh Hưng Yên ngày nay đã đạt mức tăng trưởng cao của toàn quốc với 6,26%, xếp thứ 11 toàn quốc và thứ 5 khu vực Bắc Bộ.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Hưng Yên đã đạt thu ngân sách hơn 26.000 tỷ đồng, hướng tới thu hơn 40.000 tỷ đồng cho cả năm 2022. Toàn tỉnh hiện có 15 khu công nghiệp, trong đó đã có 8 KCN hoạt động, tỷ lệ lấp đầy cao. Để đạt được thành quả như ngày hôm nay là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Hưng Yên, chung sức đồng lòng vì mục tiêu phát triển Hưng Yên giàu đẹp, văn minh.
Ông Văn cho biết thêm, Hưng Yên có lợi thế lớn trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các vùng trồng hoa, cây cảnh, nhãn lồng, vải trứng sớm. Tuy nhiên, các sản phẩm của tỉnh chủ yếu ở dạng thô, chưa mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu cho người nông dân. Do đó, việc liên kết kinh tế sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của 4 tỉnh, đồng thời thu hút được các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến đầu tư tại tỉnh Hưng Yên.
Chính quyền tỉnh Hưng Yên luôn mong muốn kêu gọi các doanh nghiệp đến với Hưng Yên, đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến để mang những sản phẩm nông sản của Hưng Yên đến với nhiều tỉnh thành khác của cả nước và các quốc gia trên Thế giới, nâng cao thu nhập cho người dân. Với lợi thế luôn sẵn có 500ha – 1000ha mặt bằng sạch, Hưng Yên luôn trải thảm đỏ, chào đón các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, hệ thống chính quyền tỉnh Hưng Yên luôn nỗ lực, phát huy tính sáng tạo, đổi mới để không ngừng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Điển hình, năm 2021, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN (SIPAS) của Hưng Yên xếp thứ 3/63, chỉ số Cải cách hành chính (Par-index) xếp thứ 12/63 và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 39/63 (tăng 14 bậc so với 2020).
Người đứng đầu UBND tỉnh Hưng Yên cho rằng, việc liên kết 4 tỉnh trục cao tốc phía Đông sẽ tạo nên một sức mạnh tổng hợp về cải cách hành chính, thu hút đầu tư, tiêu thụ nông sản và đặc biệt về hạ tầng giao thông. Đây sẽ là tiền đề cho những hoạt động thực chất và hiệu quả trong thời gian tới. Các địa phương sẽ chung sức giải quyết các thách thức cấp vùng trong phát triển kinh tế nhằm tạo ra sự thịnh vượng chung, đồng thời hình thành vành đai kinh tế Đông Bắc Bộ, trở thành một trung tâm công nghiệp, kinh tế biển và dịch vụ du lịch của cả nước.
"Việc liên kết 4 địa phương sẽ tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TPHCM, 8 lần so với Đà Nẵng và quy mô dân số gấp gần 6 lần Đà Nẵng, bằng khoảng gần 80% dân số Hà Nội và bằng gần 70% dân số TPHCM. Tham gia liên kết kinh tế, mỗi địa phương đều có các thế mạnh riêng để phát huy, khai thác. Các doanh nghiệp khi vào đầu tư tại đây sẽ được hưởng nhiều ưu đãi tối ưu từ các địa phương, cần đất sẽ có đất, cần nhân lực sẽ có nhân lực, cần chính sách hỗ trợ sẽ có chính sách hỗ trợ, cần gì có nấy!” – Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công. |
Có thể bạn quan tâm
FPT “kích cầu” để Hưng Yên chuyển đổi số
11:50, 08/04/2022
Hưng Yên: Thế và lực mới của Tiên Lữ
09:00, 22/04/2022
Tiên Lữ (Hưng Yên) sẵn sàng đón làn sóng đầu tư
15:00, 22/04/2022
Hưng Yên: Xây dựng huyện Văn Giang sớm trở thành đô thị loại III
15:12, 21/03/2022
Thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên): Tâm điểm thu hút đầu tư năm 2022
14:51, 21/03/2022
Kim Động (Hưng Yên): Cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
04:59, 17/03/2022