Quận Đồ Sơn khẩn trương kiểm tra, rà soát xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai và pháp luật xây dựng trên địa bàn.
>>>Đồ Sơn trở thành điểm sáng đầu tư nhờ "đầu kéo" du lịch và cảng biển
>>>Du lịch Đồ Sơn: Khát vọng phát triển
Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng tại buổi kiểm tra thực địa, nghe báo cáo công tác quản lý tài sản đất đai và làm việc với một số hộ liên quan trên địa bàn quận Đồ Sơn mới đây.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Tùng đã đồng ý chủ trương xử lý mặt bằng, lập hồ sơ để đấu giá quyền sử dụng đất đối với 3 khu đất vào mục đích phát triển du lịch tại Đồ Sơn (theo Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050), gồm: Khu Vụng Xéc và Khu 203, Khu đất của Trung tâm Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp Đồ Sơn và Khu đất từ Khách sạn Hoa Phượng đến giáp khu đất của Trung tâm Hội nghị và Đào tạo cán bộ Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Liên quan đến việc sử dụng tài sản Nhà nước, đất đai và xây dựng ở các khu vực này, theo UBND TP Hải Phòng, hầu hết các hộ dân ký hợp đồng thuê mượn mặt bằng tạm với các cơ quan Nhà nước (thời hạn thuê 1 năm) sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ. Đến nay, thời hạn thuê đất đã hết và không có văn bản gia hạn của cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, các hộ vẫn tiếp tục sử dụng đất, một số hộ dân đã tự ý chuyển nhượng cho người khác, một số trường hợp tự ý chiếm đất xây dựng nhà hàng kinh doanh dịch vụ. Đa phần các hộ dân xây dựng nhà hàng, nhà nghỉ không có giấy phép xây dựng và sai so với giấy phép xây dựng được cấp, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Thực tế, so với nhiều địa phương có điều kiện phát triển tương tự, thậm chí là “đi sau”, du lịch Đồ Sơn nhiều năm qua chững lại, thậm chí có thời điểm rơi vào tình trạng “ngủ đông”, dần đánh mất lợi thế, tiềm năng.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Quận ủy Đồ Sơn phải kiểm tra, xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công, ký kết các hợp đồng, giấy phép, hợp tác đầu tư... cho thuê đất, thuê mặt bằng, liên doanh liên kết không đúng quy định. Đồng thời, kiểm tra, xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc để các hộ dân lấn chiếm đất đai, không xử lý dứt điểm, để các hộ dân vi phạm nhiều năm.
Về phía quận Đồ Sơn, lãnh đạo TP Hải Phòng yêu cầu quận Đồ Sơn chỉ đạo rà soát, chấm dứt, hủy bỏ các văn bản của những cơ quan đã ký kết không đúng quy định với các hộ dân về việc cho phép sử dụng mặt bằng, điểm kinh doanh, hợp tác đầu tư tại các khu vực trên.
Đồng thời, thực hiện rà soát, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, lập hồ sơ cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các hộ dân cố tình không thực hiện việc bàn giao mặt bằng.
UBND TP Hải Phòng cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp phối hợp, hướng dẫn quận Đồ Sơn thực hiện trình tự, thủ tục tại các khu đất theo quy định pháp luật; tuyên truyền, vận động các hộ dân tự tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép, bàn giao mặt bằng cho Thành phố để phục vụ chỉnh trang đô thị và phát triển du lịch.
Đối với khu đất quốc phòng tại Bến Nghiêng thuộc phường Vạn Hương, UBND TP Hải Phòng thống nhất chủ trương hỗ trợ kinh phí cho Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố để cải tạo, trồng cây bóng mát tạo cảnh quan khu vực Di tích lịch sử cấp Quốc gia Bến Nghiêng, nơi chứng kiến những tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi Hải Phòng ngày 15/5/1955.
Được biết, theo Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố và Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050 đều xác định mục tiêu đưa Đồ Sơn phát triển thành trung tâm du lịch quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Đồ Sơn từng là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc. Tuy nhiên, những năm gần đây, Đồ Sơn đang được đánh giá là “nhếch nhác”, cần sự chỉnh trang lại. TP Hải Phòng cũng đang làm việc với các bộ, ngành liên quan các công trình xây dựng, khu nghỉ dưỡng của các bộ, ngành tại Đồ Sơn đã xuống cấp, không có điều kiện đầu tư, cải tạo. Đồng thời, quyết liệt trong việc chỉnh trang, đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển du lịch tại Đồ Sơn.
Hiện khu du lịch Đồ Sơn có 11 bộ, ngành, đoàn thể trung ương có nhà khách, khách sạn, trung tâm điều dưỡng được xây dựng trên diện tích hơn 134.000 m2. Dù tọa lạc ở vị trí đắc địa, nhưng do thiếu đầu tư, chỉnh trang cơ sở vật chất nên phần lớn các cơ sở hoạt động cầm chừng, thậm chí bỏ hoang, gây lãng phí.
Không thể phủ nhận, cơ sở hạ tầng của các cơ quan, bộ, ngành đã có ở Đồ Sơn từ rất lâu đời. Điều này đã tạo nên một hình ảnh, thương hiệu của Đồ Sơn. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở lưu trú không đáp ứng yêu cầu là một trong những nguyên nhân “kìm hãm” sự phát triển du lịch Đồ Sơn. Trên thực tế, khách du lịch đến với Đồ Sơn tuy tăng qua các năm, nhưng tỷ lệ khách lưu trú rất thấp, không tạo giá trị gia tăng. Thiếu khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng hay khu vui chơi đẳng cấp khiến du khách đến Đồ Sơn ít khi lưu trú hoặc di chuyển vào nội thành để chọn các khách sạn chất lượng hơn.
Do vậy, việc quyết liệt xử lý và tìm hướng giải quyết dứt điểm đối với khách sạn, nhà nghỉ, trung tâm điều dưỡng của bộ, ngành, đoàn thể tại Đồ Sơn cần được thực hiện quyết liệt, rốt ráo.
Có thể bạn quan tâm