Khó khăn bủa vây điện mặt trời và điện gió

ĐÌNH ĐẠI 22/01/2024 03:00

Do phát triển quá nóng, nhưng sự phân bố và quy hoạch không đồng đều, hệ thống truyền tải điện lại không phát triển theo kịp với tốc độ mở rộng công suất, khiến năng lượng tái tạo gặp nhiều khó khăn.

>>>Thách thức mới với điện gió Quảng Trị

Khó khăn bủa vây Điện mặt trời và Điện gió.

Khó khăn bủa vây Điện mặt trời và Điện gió.

Phát triển quá nóng

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, bắt đầu từ cuối năm 2018, Chính phủ đã áp dụng hàng loạt chính sách ưu đã về giá, hay còn gọi là giá FIT (Feed-in Tariffs) để khuyến khích đầu tư vào Điện mặt trời và sau đó là Điện gió.

Với mức giá áp dụng cho các dự án là từ 1.800 đến 2.200 đồng/kWh (cao hơn từ 70% đến hơn 110% so với giá thị trường cạnh tranh lúc bấy giờ), thì chính sách này đã kích hoạt một cuộc đua ồ ạt đầu tư vào Điện mặt trời và Điện gió, đưa công suất lắp đặt tăng vượt trội từ con số 0 lên 21.000MW ở thời điểm hiện tại, chiếm 27% tổng hệ thống điện.

PHS cho rằng, tuy có sự phát triển bùng nổ, nhưng sự phân bổ và quy hoạch lại không đồng đều khi phần lớn dự án Điện mặt trời và Điện gió đều tập trung ở miền Nam, nơi có nền nhiệt cao, nhiều ngày nắng, và sức gió lớn hơn hẳn miền Bắc. Ngoài ra, trong các năm qua, hệ thống truyền tải điện không phát triển theo kịp với tốc độ mở rộng công suất của điện tái tạo.

Hệ lụy là gây quá tải lưới điện cục bộ cả theo Vị trí địa lý và theo Thời điểm, dẫn đến không hấp thụ hết và lãng phí trong khi miền Bắc có thể xảy ra thiếu điện nghiêm trọng khi phụ thuộc hoàn toàn vào 2 nguồn điện chính là Thủy điện và Nhiệt điện (chủ yếu là Nhiệt điện than)”, PHS đánh giá.

Cũng theo PHS, Bộ Công Thương đã ban hành mức giá trần cho các dự án chuyển tiếp thấp hơn 20 - 30% so với giá FIT. Giá tạm thời để được huy động thậm chí giảm thêm 50%. Mức giá trần đã tiệm cận giá bình quân của thị trường, hướng đến thỏa thuận trực tiếp hoặc mua bán trên thị trường cạnh tranh. Trong khi đó, mức giá huy động tạm thời ở mức 50%, thậm chí có thể gây thiệt hại cho nhà đầu tư khi vận hành ở hiện tại (nếu không được hồi tố).

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán này, nếu trong điều kiện lý tưởng, chi phí (suất) đầu tư cho Điện gió ngoài khơi (được ưu tiên trong Quy hoạch điện 8) giảm 2% mỗi năm, và giá bán điện tăng thêm 2% mỗi năm thì đến năm 2027, tỷ suất sinh lợi mới tiếp tục trở nên hấp đẫn đối với các nhà đầu tư.

Đối diện với nhiều khó khăn

Nhưng đó mới là điều kiện cần, trong khi điều kiện đủ phát triển điện tái tạo sạch bền vững là Mạng lưới truyền tải và Hệ thống lưu trữ điện được đầu tư đồng bộ. Nhưng các cơ sở hạ tầng này phụ thuộc lớn vào tiến trình đầu tư của EVN, vấn đề về hiệu quả tài chính khi đầu tư sẽ rất khó đạt được nếu không có chính sách hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ.

Từ đó, đơn vị này chỉ ra một số khó khăn như: Hiện tại chưa có chính sách và cơ chế giá rõ ràng cho các dự án tái tạo mới; Thiếu ưu đãi, nếu áp dụng mức giá thị trường hoặc giá trần, IRR sẽ nhỏ hơn 10%; Bào mòn giá trị doanh nghiệp Việt Nam khi chi phí sử dụng vốn hầu như lớn hơn 10%; Và việc đầu tư Điện gió và Điện tái tạo nói chung sẽ gặp nhiều khó khăn trong các năm tới vì rủi ro khá cao.

“Chúng tôi cho rằng, với tình hình hiện tại, các nhà đầu tư sẽ trì hoãn việc đầu tư tiếp tục vào mảng Điện gió và Điện mặt trời cho đến khi có những giải pháp và chính sách mới từ thượng tầng đi vào thực chất, thay vì chỉ quy định khuyến khích bằng các văn bản như hiện nay”, PHS nhận định.

Bên cạnh đó, PHS cũng chỉ ra các điều kiện cần để phát triển Điện gió bền vững: Thứ nhất, về ưu đãi: Được ưu tiên về chính sách nhưng thiếu ưu đãi thực chất khi Điện gió rất cần ưu đãi do chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, dù chúng tôi ước tính chi phí này có thể giảm 1- 2%/năm đến năm 2030

Thứ hai, về truyền tải: Khu vực có tiềm năng thì nhu cầu điện thấp, do đó cần đầu tư rất lớn vào hạ tầng truyền tải. Khó hiệu quả về tài chính do hiệu suất (phụ tải truyền) biến động lớn, nhưng trung bình ở mức thấp

Thứ ba, về lưu trữ: Lưu trữ là giải pháp cấp thiết để điều hòa cung – cầu khi Điện gió phát lên lưới điện. Khắc phục tình trạng quá tải cục bộ và tăng hiệu suất hoạt động, tuy nhiên chi phí đầu tư vẫn còn quá lớn

“Công suất điện gió đã lắp đặt của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với công suất tiềm năng. Điều đó cho thấy, không gian vô hạn để khai thác nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả năng lượng gió ở Việt Nam, đòi hỏi cần có nhiều điều kiện cần và đủ liên quan đến Ưu đãi, Truyền tải và Lưu trữ, nhưng đây là những điều khó hiện thực hóa trong ngắn và trung hạn”, PHS đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

  • Quy hoạch Đắk Nông vị thế của nhôm và năng lượng tái tạo quốc gia

    Quy hoạch Đắk Nông vị thế của nhôm và năng lượng tái tạo quốc gia

    13:01, 06/01/2024

  • Thúc đẩy năng lượng tái tạo vì mục tiêu đưa phát thải ròng về

    Thúc đẩy năng lượng tái tạo vì mục tiêu đưa phát thải ròng về "0"

    14:07, 25/12/2023

  • DEEP C cùng doanh nghiệp Nhật Bản phát triển năng lượng tái tạo

    DEEP C cùng doanh nghiệp Nhật Bản phát triển năng lượng tái tạo

    17:35, 22/12/2023

  • Hội thảo quốc tế về năng lượng tái tạo và sản xuất bền vững

    Hội thảo quốc tế về năng lượng tái tạo và sản xuất bền vững

    16:32, 08/12/2023

  • Năng lượng tái tạo - một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế Bạc Liêu thời gian tới

    Năng lượng tái tạo - một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế Bạc Liêu thời gian tới

    11:50, 08/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khó khăn bủa vây điện mặt trời và điện gió
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO