Để phát huy tinh thần sáng tạo, ý chí lập thân, lập nghiệp trong ĐVTN, từ năm 2017 đến nay, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã phát động các cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN” hàng năm.
Thanh Hóa hiện có hơn 1 triệu đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), chiếm gần 30% dân số và gần 50% lực lượng lao động trong tỉnh. Để phát huy tinh thần sáng tạo, ý chí lập thân, lập nghiệp trong ĐVTN, từ năm 2017 đến nay, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã phát động các cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN” hàng năm. Từ đây, nhiều mô hình đang trong giai đoạn “phôi thai” nghiên cứu, hoặc đang chập chững thử nghiệm đã được tạo động lực, tư vấn, hỗ trợ để có thể hiện thực hóa và khẳng định thành công.
Năm 2019, anh Lê Trọng Thiện (Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị công nghiệp Việt) và nhóm tác giả xuất sắc giành giải nhất tại cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN lần thứ IV, với ý tưởng Thiên Phú smart Airfarm - chế tạo máy phục vụ tự động hóa nghề nấm. Giải thưởng này đã trở thành nguồn động lực và mở ra những cơ hội kết nối mới cho các bạn trẻ.
Tiếp tục nỗ lực cố gắng để hoàn thiện hơn sản phẩm, có tính ứng dụng cao, năm 2020, sản phẩm “Lò hấp phôi nấm tự động” đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, giai đoạn 2020-2022” và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao giải ba trong cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” toàn quốc. Khẳng định được thương hiệu, ý tưởng này đã đi vào thực tế sản xuất, với doanh thu năm 2021 đạt 2,8 tỷ đồng. Hiện nay, công ty đang tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên, với thu nhập từ 6 - 12 triệu đồng, sản phẩm cung cấp cho 35 tỉnh, thành phố trên cả nước.
>>Phát động Cuộc thi khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính
>>TRỰC TIẾP: Vòng Bán kết Cuộc thi Khởi nghiệp toàn cầu cấp Quốc gia tại Việt Nam
Từng bôn ba nhiều nơi trên đất khách quê người, năm 2019, chàng trai Lê Minh Cương ở TP Thanh Hóa đã quyết định trở về quê hương để tìm hiểu, nghiên cứu cách phát triển các sản phẩm có xuất xứ từ Thanh Hóa. Lê Minh Cương khảo sát tại một số vùng trồng ớt trên địa bàn tỉnh, như các huyện Thiệu Hóa, Yên Định, Nga Sơn... và nhận thấy, đây là nguyên liệu thích hợp để đầu tư phát triển dòng sản phẩm gia vị mang đặc trưng riêng của xứ Thanh và quyết định khởi nghiệp với thương hiệu “Spico - ớt Việt, hồn Việt”.
Tháng 7-2021, Lê Minh Cương tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN lần thứ VIII năm 2021 và đạt giải nhì với mô hình sản xuất này. Dưới sự tư vấn, hỗ trợ về đường hướng phát triển, giải pháp maketing của các DN đã thành công trên thương trường, thương hiệu “Tương ớt cổ truyền Spico” liên tục có thêm những thành công mới. Đến nay, Lê Minh Cương đã có 5 nhà phân phối lớn tại nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng..., với sản lượng tiêu thụ hàng năm từ 30.000 - 35.000 đồng chai, doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động thường xuyên. Sản phẩm này hiện cũng đã được công nhận là sản phẩm OCOP.
Tại một xã xa xôi của huyện miền núi, sau khi đạt giải nhất với ý tưởng “Sản xuất than tre hoạt tính”, anh Lê Đức Bình, xã Tân Phúc (Lang Chánh) đã thành lập Công ty TNHH Vietnam Charcoal và đầu tư 2 lò hoạt hóa than tre hoạt tính theo công nghệ Nhật Bản, với số vốn đầu tư ban đầu là 400 triệu đồng, tại thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc. Mỗi năm mô hình sản xuất than tre hoạt tính mang lại doanh thu hàng tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 300 triệu đồng. Bước đầu công ty đã xuất khẩu hàng than tre mảnh sang thị trường Nhật Bản để phục vụ trong ngành xây dựng. Đối với thị trường trong nước, công ty đang sản xuất và xuất bán cho một số khách hàng có công nghệ cao để sản xuất ra mặt hàng than tre chất lượng cao, ngoài ra công ty còn chủ động làm một số sản phẩm khử mùi, lọc khí trong môi trường để bán lẻ trong nước.
Ước tính, trong phong trào thi đua ý tưởng khởi nghiệp do Tỉnh đoàn Thanh Hóa tổ chức, có hàng nghìn ý tưởng đã được nghiên cứu, tham gia từ năm 2017 đến nay, trong đó có gần 100 ý tưởng đạt giải. Sau khi đạt giải tại cấp địa phương, nhiều tác giả tiếp tục hoàn thiện, nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm để tham gia các cuộc thi cấp quốc gia. Không chỉ là nơi tập hợp, tạo khí thế thi đua, “mái nhà chung” này còn là nơi hội tụ các cơ hội để ĐVTN được truyền đạt kinh nghiệm, hỗ trợ thị trường cho quá trình phát triển.
Hiện nay, trong cộng đồng khởi nghiệp rất nhiều bạn trẻ có những ý tưởng rất táo bạo. Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công, bên cạnh sự nhiệt tình, các DN nhỏ, thanh niên trẻ cần sự định hướng bởi các DN đi trước về tư duy thị trường, quản trị vốn, quản trị sản xuất. Bên cạnh đó, các bạn trẻ cần sự liên kết để tiếp cận được các nhà đầu tư, những người hỗ trợ hoặc hợp tác được với mình trong quá trình khởi nghiệp để con đường lập thân khởi nghiệp sớm đi đến thành công - đó cũng chính là mục tiêu mà các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp hướng tới.
https://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/khoi-nghiep-hieu-qua-sau-cac-cuoc-thi-y-tuong/160612.htm
Có thể bạn quan tâm
Phát động Cuộc thi khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính
08:23, 19/04/2022
Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2020: Dự án Kẹo dẻo hỗ trợ phòng đột quỵ C-NATO
17:18, 26/12/2020
Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2020: Dự án Centimedia - Nền tảng kết nối toàn diện cộng đồng Video-makers và người dùng
16:07, 26/12/2020