Green Connect được sáng lập trở thành một doanh nghiệp xã hội hoạt động với sứ mệnh “Khép kín vòng tuần hoàn từ rác đến nông trại và bàn ăn”.
>>Startup EDUPIA nhận đầu tư 14 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A
Green Connect do Huỳnh Hạnh Phúc - một du học sinh ở Mỹ với 2 bằng thạc sĩ trở về Việt Nam sáng lập và điều hành. Doanh nghiệp hiện đang tập trung xây dựng hệ sinh thái với 4 sản phẩm công nghệ xanh, gồm GreenPoints (game hóa sống xanh qua ứng dụng), NODA (sàn TMĐT phụng sự khởi nghiệp xanh); KOMPOVI (máy xử lý rác thành phân compost trong 24 giờ), Larva Yum (tái sinh rác hữu cơ bằng ấu trùng ruồi lính đen).
Trong số 4 dự án kể trên của Green Connect, dự án Larva Yum đang hoạt động theo đúng một vòng tuần hoàn từ rác thải hữu cơ đến trứng gà nhân đạo – dự án đã thu hút được sự quan tâm và đầu tư của Mondelez Kinh Đô. Anh Huỳnh Hạnh Phúc cho biết: “Dự án dùng rác nuôi ấu trùng ruồi lính đen mà đầu ra là thức ăn chăn nuôi, phân hữu cơ, gà, trứng gà nhân đạo dưới tán rừng”.
Dự án Larva Yum khi ra đời có mục tiêu góp phần giải quyết được vấn đề chất thải thực phẩm hiện đang được thu gom và chôn lấp gây ô nhiễm môi trường. Để vận hành được, dự án phải tuân thủ theo đúng một qui trình gồm có 9 bước cơ bản. Trong đó, bước 1 và 2 thu hút sự tham gia của cộng đồng/cộng tác viên để thu gom bột thừa trong các nhà máy/cơ sở sản xuất bánh hoặc thức ăn dư thừa trong nhà hàng mang đến các điểm thu gom/ nhà máy để xử lý. Những nguyên liệu này được ủ lên men và cho ấu trùng ruồi lính đen 5 ngày tuổi ăn trong 7 ngày tiếp theo.
Đầu ra của sản phẩm sẽ là các ấu trùng, phân ấu trùng, các chiết xuất của ấu trùng để mang cho gà ăn, tạo ra dòng gà và trứng nhân đạo. Bước cuối cùng chính là việc dùng trứng gà và các triết xuất từ ấu trùng (bột ấu trùng, dầu ấu trùng, phân hữu cơ) mang bán ra thị trường.
Chỉ sau 3 tháng, dự án Larva Yum xử lý được hơn 7 tấn rác hữu cơ, nghiên cứu thành công 5 dòng sản phẩm từ rác đến sản phẩm nông nghiệp liên quan đến ấu trùng.
>>Startup Propzy từng được SoftBank đầu tư công bố hoạt động tại Việt Nam
>>Startup Community Labs huy động thành công 30 triệu USD
Theo anh Huỳnh Hạnh Phúc, mô hình biến rác thải hữu cơ thành gà và trứng gà nhân đạo dưới tán rừng đã cho ra đời những con gà hạnh phúc có thịt và trứng thơm ngon, bổ dưỡng hơn. Khi triển khai dự án, các nhân viên công ty đã lặn lội vào tận rừng sâu để xử lý rác và làm mô hình chăn nuôi, thí điểm, thuộc địa bàn xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai trên diện tích 2 ha của rừng tràm.
Với công suất hiện tại, dự án nuôi 1.200 con gà và trong thời gian tới khi nhà xưởng hoàn thiện hơn sẽ đạt 5.000 con, xử lý 2 tấn rác/ngày. Một số loại giống gà như Bình Định, Ai Cập, Ri… được chọn nuôi để lấy thịt và trứng rồi nghiên cứu chọn ra cách thức phù hợp nhất.
“Hiệu quả mà dự án mang lại giúp các đối tác đạt được một số mục tiêu phát triển bền vững, tạo thêm việc làm. Rác thải thực phẩm được xử lý phân tán nên bớt mùi, đất trống ở thành phố được tận dụng, các khu chăn nuôi tại khu công nghiệp sạch sẽ, đổi mới cơ sở hạ tầng khang trang hơn. Thêm nữa, rác đã trở thành tài nguyên thay vì phải tốn 400.000 đồng/tấn để các đô thị phải chôn hay đốt. Quan trọng hơn, xã hội cùng chung tay ứng phó để triển khai các công đoạn từ thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu thụ”, anh Huỳnh Hạnh Phúc chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm