Nhiều doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa đang gặp nhiều bất lợi khi đưa sản phẩm ra thị trường, bởi lĩnh vực bán lẻ quy mô lớn vẫn bị doanh nghiệp ngoại “cầm trịch”.
>>Doanh nghiệp bán lẻ khôi phục đà tăng trưởng
Chia sẻ với Diễn Đàn Doanh Nghiệp, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế cho rằng, hiện có quá nhiều “rào cản” để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận người tiêu dùng thông qua bán lẻ trong nước.
- Là một đơn vị sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, ông có thể chỉ ra những “rào cản” khi đưa sản phẩm của doanh nghiệp ra thị trường thông qua các đơn vị bán lẻ?
Thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng tiêu dùng trong nước đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng. Khó khăn đầu tiên có thể kể đến xuất phát từ ảnh hưởng của dịch bệnh khiến hàng hóa khó lưu thông, sau dịch bệnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khiến việc kinh doanh của doanh nghiệp bị ngưng trệ.
Trong bán lẻ, có thể thấy hiện nay có khá ít đơn vị triển khai trung tâm thương mại, đại siêu thị,... mà chủ sở hữu là người Việt Nam. Hiện nay có nhiều cái tên lớn quen thuộc với người dân đều thuộc sự sở hữu của doanh nghiệp nước ngoài.
Vì vậy, việc đưa hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam vào các hệ thống siêu thị này luôn gặp nhiều trở ngại. Hiện nay chính doanh nghiệp của chúng tôi cũng đang dần bỏ siêu thị.
Cùng với đó là sự xuất hiện tràn lan của hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, đặc biệt tại hệ thống chợ dân sinh, siêu thị nhỏ. Việc này cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bởi lẽ, khi các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, thanh tra thì chỉ liên hệ đến các doanh nghiệp có hoạt động, trụ sở cụ thể, còn đối mới các mặt hàng giả, nhái thường không có thông tin. Từ đó doanh nghiệp tốn thời gian cho vấn đề này ảnh hưởng đến sản xuất.
- Ông có thể chỉ rõ những bất cập trong việc đưa sản phẩm vào các trung tâm bán lẻ?
Bản chất nhà đầu tư siêu thị nước ngoài vào Việt Nam là kiếm lãi, nhưng họ sẽ ưu tiên các sản phẩm theo xuất xứ nước họ. Ngoài ra, các đơn vị này cũng tận dụng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư từ thuế đất, mặt bằng, xây dựng, vốn vay... Đây là điểm bất hợp lý mà chúng ta cần làm rõ để có sự điều chỉnh chính sách về ưu đãi tương đương với điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Một số siêu thị, họ tập trung quảng bá sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan, còn các sản phẩm từ doanh nghiệp Việt thì rất ít xuất hiện trên các quầy ở những vị trí dễ nhận thấy. Họ không nói là họ dựng hàng rào nhưng cơ chế, chính sách, cách làm của họ là một hàng rào vô hình. Vì vậy doanh nghiệp Việt không tiếp cận được hoặc là tiếp cận được nhưng không có hiệu quả.
Chưa kể đến, họ còn tạo ra một “lợi nhuận kép” khiến doanh nghiệp lao đao. Khi bán hàng cho đơn vị này, đơn vị cung ứng phải chịu các chi phí, chiết khấu lên đến 32%. Cách quảng bá sản phẩm của họ luôn ưu tiên sản phẩm xuất xứ nước họ, khiến nhiều sản phẩm Việt bị “lép vế”.
Thực tế, việc bất công bằng này ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp vì liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Và các cơ quan chức năng vẫn khó có thể giải quyết vấn đề này để hỗ trợ doanh nghiệp vì chưa có chế tài điều chỉnh.
Vì vậy, buộc doanh nghiệp phải tự tìm một lối đi khác để sản phẩm mình có thể mở rộng thị trường. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ và vừa thì hầu như không thể đi bằng kênh bán lẻ qua các đại siêu thị có chủ đầu tư nước ngoài.
- Theo ông, các bất cập trên cần được giải quyết ra sao?
Đầu tiên, khi đầu tư thì các cơ quan xây dựng chính sách, chính quyền địa phương với chủ đầu tư cần có những ràng buộc với nhau trong cách thức hoạt động. Như tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước được bán trong các siêu thị, vị trí trưng bày sản phẩm không thể quá ưu tiên sản phẩm theo xuất xử… Khi đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước mới có thể cạnh tranh công bằng với hệ thống sản phẩm đến từ quốc gia của chủ đầu tư siêu thị.
Đối với vấn đề cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng đến văn minh thương mại, các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường,... cần làm tốt chức năng của mình. Cụ thể là sớm phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm thật nghiêm minh để chấm dứt hiện trạng. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ trợ nghiệp sản xuất trong nước cụ thể, quản lý các nhà đầu tư nước ngoài một cách cứng rắn hơn trong hoạt động. Hoặc hơn nữa, yêu cầu các nhà bán lẻ thực hiện đúng văn minh thương mại để tạo công bằng giữa các đơn vị.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm