Tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy ngành bán dẫn. Vấn đề đặt ra là cần chiến lược khoa học để phát huy.
>> Từ đất hiếm đến con chip Việt Nam
Theo ước tính của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Nói đến đất hiếm không thể không nhắc đến Trung Quốc. Nước này hiện khai thác 70% sản lượng đất hiếm trên thế giới và xử lý 87% số quặng khai thác. Khoảng 91% lượng đất hiếm qua xử lý cũng được tinh chế thành sản phẩm và 94% nam châm vĩnh cửu thế giới có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Trong thập niên 80, trong khi thế giới lo sợ mặt trái của đất hiếm, thì Trung Quốc khởi động chương trình khai thác đất hiếm quy mô lớn. Giới lãnh đạo Trung Quốc đặt cược tương lai nền kinh tế vào loại khoáng sản này khi ông Đặng Tiểu Bình tuyên bố “thế giới có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm”.
Nhiệm vụ khai thác đất hiếm do khối Nhà nước Trung Quốc đảm nhiệm hoàn toàn, tuyệt đối không để “rò rỉ” ra bên ngoài. Như đã thấy, từ đầu năm 2010 đến nay khi Trung Quốc đối mặt với các mối đe dọa từ bên ngoài, họ đã dùng đất hiếm để trả đũa, cấm xuất khẩu đất hiếm, khiến Mỹ và phương Tây rơi vào khủng hoảng chip.
Ở trong nước, hoạt động khai thác và chế biến đất hiếm của Trung Quốc được đẩy mạnh, tăng gấp đôi sản lượng lên 210 nghìn tấn thành phẩm. Ông Edoardo Righetti, thành viên nhóm nghiên cứu về chính sách của Liên minh châu Âu (CEPS), nhận định: “Bạn không thể phá vỡ lợi thế cạnh tranh đất hiếm mà Trung Quốc đã xây dựng trong 30 năm qua chỉ trong 5 năm”.
Mới đây, chính phủ Australia cũng đã chi 1,25 tỷ AUD xây dựng nhà máy xử lý đất hiếm đầu tiên của họ - trong một chiến lược khép kín, chấm dứt xuất khẩu đất hiếm thô sang Trung Quốc. Trữ lượng đất hiếm của Australia chỉ khoảng 4,2 triệu tấn, bằng 1/5 của Việt Nam, nhưng họ có kế hoạch rất rõ ràng: Tạo ra 115 nghìn việc làm đóng góp 71 tỷ AUD vào ngân sách quốc gia vào 2040.
Một trường hợp khác là Brazil- quốc gia sở hữu sản lượng đất hiếm tương đương Việt Nam. Nước này lại lựa chọn phương án hợp tác bằng cách nhượng cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài. Năm 2011, công ty khai thác đất hiếm CBMM đã bán 15% cổ phần cho 3 nhà đầu tư Trung Quốc và hai công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc, thu về gần 4 tỷ USD.
>> Vì sao Việt Nam chưa khai thác hiệu quả được mỏ đất hiếm nào?
Một khía cạnh khác, các nước châu Âu và Mỹ tuy có trữ lượng đất hiếm không lớn, nhưng tận dụng lợi thế công nghệ siêu tinh vi, nhập khẩu nguyên liệu, làm chủ hoàn toàn khâu nghiên cứu, chế tạo và phân phối chip cũng như hệ sinh thái ngành bán dẫn.
Quy luật bất thành văn trong phát triển kinh tế ngày này là: Tham gia phân khúc càng phức tạp thì giá trị thặng dư thu được càng lớn. Điều này rất đúng với chuỗi cung ứng từ đất hiếm đến chất bán dẫn. Cụ thể, giai đoạn khai thác và tinh chế quặng đất hiếm không mang lại hiệu quả kinh tế cao, để lại nhiều hệ lụy; đa phần giá trị nằm ở khâu ứng dụng sau cùng cho bán dẫn.
Trong một số năm trở lại đây, Việt Nam mới thực sự bước vào “cuộc đua” trong ngành bán dẫn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa khai thác và chế biến sâu được đất hiếm, do thiếu công nghệ khai thác, chế biến hiện đại.
Giáo sư Nguyễn Quang Liêm - Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), đề xuất Việt Nam cần triển khai xây dựng các dự án và phòng thí nghiệm nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến, đánh giá tác động môi trường, xử lý hoàn nguyên môi trường sau khai thác và chế biến sâu đất hiếm.
Do đặc điểm phân bố các mỏ đất hiếm tại Việt Nam trên địa hình cao ở Tây Bắc, đầu nguồn nhiều con sông lớn nên việc đánh giá tác động môi trường và lựa chọn các đối tác chất lượng là vô cùng quan trọng.
Điểm mạnh của Việt Nam là mạng lưới đối tác ngoại giao rất phong phú, với nhiều cam kết hợp tác đầu tư, thương mại ở cấp độ chiến lược toàn diện và hơn thế nữa, gồm có Mỹ, Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu,…
Tập đoàn Blackstone Minerals Ltd (Austrailia) đã đồng ý hợp tác với Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE) để khai thác mỏ lớn nhất Việt Nam ở Lai Châu, dự án trị giá khoảng 100 triệu USD. Strategic Materials cũng đã ký thỏa thuận ràng buộc vào tháng 4/2023 với VTRE về việc mua 100 tấn đất hiếm đã qua chế biến mỗi năm và cam kết đàm phán hợp tác cung cấp dài hạn hơn.
Hy vọng rằng với sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, Việt Nam sẽ sớm chủ động được công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và chế biến sâu đất hiếm để phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước, hướng tới xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Đất hiếm, cần chính sách và nguồn lực để phát triển
15:00, 21/10/2023
“Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ VII): Thế thống trị của Trung Quốc sẽ bị phá vỡ?
04:30, 02/09/2023
“Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ VI): Cần chiến lược cho đất hiếm Việt Nam
04:00, 28/08/2023
"Cuộc chiến nảy lửa" đất hiếm (Kỳ V): Ám ảnh quá khứ đau buồn
04:30, 27/08/2023
"Cuộc chiến nảy lửa" đất hiếm (Kỳ IV): Cuộc chạy đua của các liên minh khoáng sản
07:00, 26/08/2023
“Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ III): Giành giật trên Mặt Trăng- hậu quả khôn lường
04:00, 25/08/2023
“Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ II): Cuộc tranh giành Mỹ - Trung
04:30, 24/08/2023
“Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ I): Ai đang dẫn đầu cuộc chơi?
04:00, 23/08/2023
Việt Nam có được hưởng lợi từ đất hiếm?
04:00, 20/07/2023